Chính sách tài khóa: “Lá chắn” giữ vững ổn định kinh tế trong khủng hoảng

Bài 1: 900 nghìn tỷ đồng hỗ trợ thuế, phí – dấu ấn của một giai đoạn đặc biệt

Thùy Linh

Giai đoạn vừa qua được xem là một trong những thời kỳ đầy biến động và thử thách đối với nền kinh tế Việt Nam khi phải đối mặt với những cú sốc nghiêm trọng chưa từng có.Trong bối cảnh đó, chính sách tài khóa đã nổi lên như một công cụ chủ lực, không chỉ giữ vai trò ổn định ngân sách mà còn là trụ cột quan trọng giúp nền kinh tế đứng vững, phục hồi và hướng tới tăng trưởng bền vững.

Các chính sách tài khóa đã phát huy được vai trò hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất kinh doanh. Ảnh: Thùy Linh.
Các chính sách tài khóa đã phát huy được vai trò hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất kinh doanh. Ảnh: Thùy Linh.

Trụ đỡ cho doanh nghiệp, chỗ dựa cho người dân

Từ năm 2020 đến 2024, Bộ Tài chính đã chủ trì đề xuất và triển khai hàng loạt chính sách miễn, giảm, gia hạn thuế, phí và tiền thuê đất, với tổng mức hỗ trợ ước tính khoảng 900 nghìn tỷ đồng. Đây không chỉ là một con số lớn về quy mô, mà còn là minh chứng rõ nét cho sự chủ động, linh hoạt và quyết liệt trong điều hành chính sách tài khóa nhằm tạo đà phục hồi kinh tế sau những cú sốc nghiêm trọng.

Nhìn lại năm 2020 – thời điểm đại dịch COVID-19 bùng phát, cùng với chuỗi tác động phức hợp từ gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu, giá cả leo thang, áp lực lạm phát, nền kinh tế Việt Nam đứng trước thách thức chưa từng có. Trong bối cảnh đó, Bộ Tài chính đã nhanh chóng vào cuộc, xây dựng và đề xuất các gói tài khóa quy mô lớn, thể hiện năng lực phản ứng chính sách kịp thời và tư duy điều hành bám sát thực tiễn.

Các biện pháp tài khóa trong giai đoạn này được triển khai với quy mô ngày càng lớn: từ mức 129 nghìn tỷ đồng năm 2020, tăng lên 145 nghìn tỷ đồng năm 2021, đạt đỉnh 233 nghìn tỷ đồng vào năm 2022, sau đó giảm nhẹ còn 196 nghìn tỷ đồng năm 2023 và duy trì ở mức 191 nghìn tỷ đồng trong năm 2024. Nội dung hỗ trợ tập trung vào miễn, giảm hoặc gia hạn các loại thuế quan trọng như thuế giá trị gia tăng (GTGT), thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế nhập khẩu, thuế bảo vệ môi trường; đồng thời giảm tiền thuê đất, phí và lệ phí để tháo gỡ khó khăn cho sản xuất – kinh doanh.

 

Theo ông Mạc Quốc Anh – Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa TP. Hà Nội, các chính sách tài khóa thời gian qua thực sự là "phao cứu sinh" cho doanh nghiệp: “Nhiều doanh nghiệp vốn đã kiệt quệ sau giai đoạn giãn cách, nếu không có chính sách giảm thuế, phí và tiền thuê đất thì chắc chắn họ không thể cầm cự đến lúc thị trường phục hồi. Các biện pháp này có tác động trực tiếp đến chi phí sản xuất và dòng tiền của doanh nghiệp, giúp họ không chỉ tồn tại mà còn phục hồi và phát triển”.

Trong bối cảnh dư địa chính sách tiền tệ bị thu hẹp do áp lực tỷ giá và lạm phát, các công cụ tài khóa đã phát huy vai trò "gánh vác đồng hành", chia sẻ áp lực ổn định kinh tế vĩ mô với chính sách tiền tệ. Nhờ đó, nhiều doanh nghiệp có thể duy trì dòng vốn lưu động, phục hồi sản xuất, tái đầu tư trong điều kiện tín dụng bị siết chặt.

Không chỉ hỗ trợ khu vực sản xuất, chính sách tài khóa còn góp phần giữ vững sức mua của người dân – yếu tố then chốt trong việc duy trì nhịp cầu tiêu dùng nội địa và thúc đẩy vòng quay kinh tế. Đặc biệt trong bối cảnh giá cả hàng hóa toàn cầu leo thang, việc giảm thuế GTGT đối với hàng thiết yếu giúp hạ nhiệt lạm phát, ổn định tâm lý xã hội và hỗ trợ phục hồi tiêu dùng.

Kiến tạo cho tăng trưởng bền vững

Tác động của các biện pháp tài khóa không chỉ nằm ở các con số hỗ trợ cụ thể, mà còn thể hiện rõ nét qua các chỉ số kinh tế vĩ mô. Từ cuối năm 2022, sản xuất công nghiệp chuyển từ tăng trưởng âm sang dương, tiêu dùng trong nước hồi phục mạnh mẽ nhờ niềm tin được củng cố, xuất khẩu – động lực chính của nền kinh tế – cũng ghi nhận đà tăng tích cực bất chấp thương mại toàn cầu biến động. Đặc biệt, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) được kiểm soát dưới ngưỡng Quốc hội đề ra, phản ánh sự phối hợp hiệu quả giữa chính sách tài khóa và tiền tệ trong kiểm soát lạm phát, ổn định thị trường.

Vượt khỏi vai trò giải cứu ngắn hạn, chính sách tài khóa đang được tái thiết kế để trở thành công cụ điều tiết chủ động và định hướng phát triển trung – dài hạn. Các gói hỗ trợ được tinh chỉnh theo mục tiêu cụ thể: kích cầu, thúc đẩy đầu tư, hỗ trợ chuyển đổi số, khuyến khích đổi mới công nghệ. Từ việc điều chỉnh chính sách thuế, lệ phí đến phân bổ đầu tư công, Bộ Tài chính đã thể hiện rõ tinh thần điều hành linh hoạt, bám sát diễn biến thực tế.

Đặc biệt trong bối cảnh áp lực chi tiêu ngân sách ngày càng lớn – từ y tế, an sinh xã hội đến đầu tư phát triển – Bộ Tài chính vẫn duy trì nguyên tắc kỷ cương tài khóa. Việc thường xuyên rà soát, cập nhật chính sách thay vì áp dụng các biện pháp cứng nhắc giúp đảm bảo hiệu quả hỗ trợ mà không làm gia tăng gánh nặng tài khóa lâu dài.

Chủ động, linh hoạt nhưng chặt chẽ – đó là dấu ấn điều hành chính sách tài khóa trong giai đoạn nhiều biến động vừa qua. Khi được hoạch định đúng hướng, tài khóa không chỉ là công cụ ứng phó ngắn hạn, mà còn là nền móng tạo dựng đà tăng trưởng bền vững cho nền kinh tế trong những năm tới.