Phối hợp điều hành giá và chính sách tiền tệ trong kiểm soát lạm phát
Bài 2: “Lá chắn” giảm áp lực cho chính sách tiền tệ
Chính sách tiền tệ của Việt Nam đang được điều hành linh hoạt để cân bằng “đa mục tiêu” giữa hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, kiểm soát lạm phát, ổn định hệ thống ngân hàng và đáp ứng nhu cầu tín dụng. Trong đó, công tác điều hành giá cũng góp phần quan trọng trong việc hỗ trợ ổn định tỷ giá và kiềm chế lạm phát, tạo "lá chắn" vững chắc cho chính sách tiền tệ.

Đỡ tỷ giá trong “vòng xoáy” nhiều biến động
Tỷ giá hối đoái là một trong những công cụ quan trọng trong điều hành chính sách kinh tế vĩ mô, ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động thương mại quốc tế, dòng vốn đầu tư và sự ổn định kinh tế của một quốc gia. Việt Nam, là nền kinh tế có độ mở lớn, điều hành tỷ giá phải đảm bảo sự cân đối.
Theo đó, nếu tỷ giá duy trì ổn định, thì giá hàng hóa nhập khẩu được kiểm soát, giảm áp lực lạm phát, bảo vệ sức mua của người dân. Nếu tỷ giá tăng, đồng nội tệ mất giá, thì chi phí nhập khẩu nguyên vật liệu, năng lượng và hàng tiêu dùng tăng, dẫn đến lạm phát nhập khẩu. Ngược lại, khi tỷ giá giảm, đồng nội tệ lên giá, hỗ trợ nhập khẩu nhưng có thể làm giảm sức cạnh tranh của hàng hóa xuất khẩu Việt Nam trên thị trường quốc tế.
Với các doanh nghiệp, biến động tỷ giá luôn là nỗi lo không nhỏ. Theo đại diện Công ty Cổ phần BigPhone, tỷ giá tăng và biến động bất ổn không chỉ làm tăng chi phí sản xuất, tăng giá thành sản phẩm ảnh hưởng đến thị trường và người tiêu dùng, mà còn ảnh hưởng đến kế hoạch kinh doanh dài hạn của doanh nghiệp.

Dự báo về tỷ giá thời gian tới, các chuyên gia Công ty Chứng khoán MBS cho rằng, tỷ giá sẽ dao động trong khoảng 25.500 – 26.000 VND/USD trong năm 2025 khi các kế hoạch nới lỏng tài khóa của chính quyền mới, kết hợp với các chính sách nhập cư chặt chẽ hơn, cùng với lãi suất cao và chủ nghĩa bảo hộ tương đối cao của Mỹ, dự kiến sẽ hỗ trợ cho việc gia tăng giá trị của đồng USD trong năm 2025.
Theo báo cáo của Cục Thống kê (Bộ Tài chính), bình quân 4 tháng đầu năm 2025, chỉ số giá USD tăng 3,52% so với cùng kỳ năm trước.
Trên thị trường thế giới, dù chỉ số USD Index đo lường sức mạnh của đồng USD với 6 đồng tiền chủ chốt đã giảm hơn 11% từ mức đỉnh gần 110 điểm hồi đầu năm 2025, xuống còn quanh 98-99 điểm.
Báo cáo vĩ mô tháng 4/2025 của Công ty Chứng khoán VCBS nhận định, dù tỷ giá có thể chịu áp lực trong ngắn hạn nhưng vẫn kỳ vọng thị trường ngoại hối diễn biến tích cực hơn, thay vì chịu áp lực bật tăng nhanh và mạnh như trong thời gian gần đây.
Tuy nhiên, theo MBS, cho tới nay các yếu tố nội tại vẫn đang ghi nhận những kết quả tích cực như: Thặng dư thương mại khoảng 3,79 tỷ USD trong 4 tháng đầu năm 2025, vốn FDI giải ngân tăng 7.3% so với cùng kỳ năm trước và sự phục hồi của lượng khách du lịch quốc tế…
Hơn nữa, trong kiểm soát tỷ giá, khi giá cả hàng hóa thiết yếu được bình ổn, lạm phát được kiềm chế thì sẽ giảm nhu cầu găm giữ ngoại tệ như "tài sản trú ẩn”.
Đồng thời, nếu giá các mặt hàng xăng dầu, phân bón, sắt thép… được điều tiết hợp lý thì sẽ giảm áp lực lên cán cân thương mại, gián tiếp giảm sức ép lên tỷ giá. Hiện nay, Quỹ Bình ổn xăng dầu vẫn đang được sử dụng hợp lý để hạn chế điều chỉnh giá trong nước, qua đó giảm tác động đến lạm phát và tỷ giá.
Tạo dư địa cho lãi suất
Bên cạnh tỷ giá, lãi suất cũng là công cụ trọng yếu trong kiểm soát lạm phát và kích thích tăng trưởng.
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) cho biết đã tiếp tục duy trì lãi suất điều hành ở mức thấp để định hướng thị trường giảm lãi suất cho vay hỗ trợ doanh nghiệp và người dân; đồng thời, tiếp tục chỉ đạo các tổ chức tín dụng tiết giảm chi phí hoạt động, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số và các giải pháp khác để phấn đấu hạ lãi suất cho vay.
Theo NHNN, trong tháng 4/2025, lãi suất cho vay bình quân của ngân hàng thương mại trong nước đối với các khoản cho vay mới và cũ còn dư nợ ở mức 6,6-8,9%/năm, giảm nhẹ so với tháng 3/2025.
Về lý thuyết, áp lực tỷ giá và lãi suất thường gia tăng khi lạm phát vượt tầm kiểm soát, nhưng thực tế thị trường tiền tệ thời gian qua không có biến động mạnh, gây “sốc” cho nền kinh tế. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) không cao, lạm phát trong tầm kiểm soát làm giảm tâm lý găm giữ ngoại tệ, tạo không gian cho lãi suất neo ở mức thấp, thậm chí còn có thể có dư địa giảm lãi suất.

Các chuyên gia của Công ty Chứng khoán VNDirect nhìn nhận, thời điểm hiện tại, lạm phát trong tầm kiểm soát và áp lực tỷ giá đang có phần giảm bớt đang tạo điều kiện thuận lợi cho NHNN tiếp tục duy trì chính sách tiền tệ theo hướng mở rộng và hỗ trợ cho tăng trưởng. VNDirect cho rằng mặt bằng lãi suất huy động và cho vay trong thời gian tới sẽ tiếp tục giảm.
Báo cáo gửi Quốc hội mới đây của NHNN đã nêu rõ, NHNN và Bộ Tài chính thường xuyên trao đổi các thông tin về thị trường tiền tệ, thị trường trái phiếu Chính phủ, việc điều hành ngân quỹ của Kho bạc Nhà nước để tăng cường sự phối hợp giữa công tác điều hành chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa.
Tuy nhiên, các chuyên gia vẫn khuyến nghị sự chủ động cao hơn nữa trong việc "tích trữ" dư địa chính sách và đa dạng hóa công cụ điều hành. Chuyên gia kinh tế TS. Lê Duy Bình - Giám đốc Economica Việt Nam nhìn nhận, trong điều hành chính sách, NHNN cần cân đối hợp lý giữa mục tiêu kiểm soát lạm phát, ổn định tỷ giá và hỗ trợ tăng trưởng. Việc định hướng mặt bằng lãi suất cần hài hòa lợi ích giữa người gửi tiền và người vay vốn, nhưng đây là thách thức không nhỏ trong bối cảnh lãi suất toàn cầu và áp lực tỷ giá vẫn còn hiện hữu.
Ngoài ra, công tác điều hành giá cũng cần đảm bảo thị trường ổn định, tránh những bước tăng “sốc” ảnh hưởng tiêu cực đến thị trường, làm tăng áp lực cho chính sách tiền tệ, để qua đó góp phần ưu tiên thúc đẩy mạnh mẽ tăng trưởng kinh tế, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế.