Bàn thêm về chính sách ưu đãi thuế đối với công nghiệp hỗ trợ
Ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp là một trong những giải pháp quan trọng giải quyết bài toán vốn cho tái đầu tư của doanh nghiệp trong ngành công nghiệp hỗ trợ. Để phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ, nhiều quốc gia trên thế giới đã xây dựng hệ thống chính sách ưu đãi về thuế, tín dụng, xuất nhập khẩu… trong đó có ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp. Tại Việt Nam, trong những năm qua, các chính sách thuế đã có những ưu đãi, khuyến khích nhằm tạo nguồn vốn đáng kể cho ngành công nghiệp này tái đầu tư phát triển.
Chính sách ưu đãi thuế cho công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam
Nhận thức vai trò quan trọng của ngành công nghiệp hỗ trợ (CNHT) đối với phát triển kinh tế đất nước, trong những năm qua Đảng, Nhà nước đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ phát triển CNHT. Từ năm 2007, Bộ Công nghiệp (nay là Bộ Công Thương) đã ban hành Quyết định số 34/2007/QĐ-BCN phê duyệt Quy hoạch phát triển CNHT đến năm 2010, tầm nhìn đến năm 2020.
Đến năm 2011, tại Quyết định số 12/2011/QĐ-TTg, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành thêm chính sách phát triển một số ngành CNHT; Quyết định số 1483/QĐ-TTg ngày 26/8/2011 ban hành Danh mục sản phẩm công nghiệp hỗ trợ ưu tiên phát triển và Quyết định số 1556/QĐ-TTg ngày 17/10/2012 về phê duyệt Đề án “Trợ giúp phát triển DNNVV trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ”… Đây là những chính sách góp phần tạo động lực thúc đẩy ngành CNHT ở Việt Nam phát triển cũng như khuyến khích cho các nhà đầu tư, DN trong và ngoài nước đầu tư vào lĩnh vực này.
Nhằm hướng dẫn chi tiết Quyết định số 12/2011/ QĐ-TTg, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 96/2011/TT-BTC quy định chi tiết về các chính sách ưu đãi về thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu; về vay vốn tín dụng đầu tư phát triển của Nhà nước; về các chính sách trợ giúp tài chính theo quy định về trợ giúp phát triển DNNVV; chính sách đối với dự án sản xuất sản phẩm CNHT cho phát triển công nghiệp công nghệ cao.
Theo đó, hàng loạt ưu đãi về thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu đã được áp dụng đối với các DN, chủ đầu tư hoạt động trong lĩnh vực CNHT.
Cụ thể, đối với các dự án thuộc danh mục lĩnh vực được ưu đãi về thuế nhập khẩu tại Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định số 87/2010/NĐ-CP ngày 13/8/2010 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu hoặc đầu tư vào địa bàn được ưu đãi về thuế nhập khẩu theo quy định tại khoản 18 Điều 12 của Nghị định số 87/2010/NĐ-CP được hưởng ưu đãi về thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu.
Đồng thời, thực hiện miễn thuế nhập khẩu đối với nguyên liệu, vật tư phục vụ trực tiếp cho hoạt động sản xuất sản phẩm phần mềm mà trong nước chưa sản xuất được; hàng hóa nhập khẩu để sử dụng trực tiếp vào hoạt động nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ; hàng hóa sản xuất, gia công, tái chế, lắp ráp tại khu phi thuế quan không sử dụng nguyên liệu, linh kiện nhập khẩu từ nước ngoài khi nhập khẩu vào thị trường trong nước.
Đối với trường hợp có sử dụng nguyên liệu, linh kiện nhập khẩu từ nước ngoài thì khi nhập khẩu vào thị trường trong nước chỉ phải nộp thuế nhập khẩu trên phần nguyên liệu, linh kiện nhập khẩu cấu thành trong hàng hóa đó…
Bên cạnh đó, chủ đầu tư các dự án sản xuất sản phẩm CNHT là DNNVV được hưởng các chính sách trợ giúp tài chính theo quy định tại Nghị định số 56/2009/NĐ-CP ngày 30/6/2009 của Chính phủ về trợ giúp phát triển DNNVV và các văn bản hướng dẫn Nghị định số 56/2009/NĐ-CP; ưu đãi đối với dự án sản xuất sản phẩm CNHT cho phát triển công nghiệp công nghệ cao như: Dự án sản xuất sản phẩm CNHT cho phát triển công nghiệp công nghệ cao được hưởng các chính sách về thuế theo quy định của pháp luật về công nghệ cao…
Để tiếp tục hoàn thiện hành lang pháp lý, tạo thuận lợi hơn cho ngành CNHT phát triển, năm 2014, Quốc hội đã thông qua Luật số 71/2014/QH13 sửa đổi bổ sung một số điều của các Luật về thuế (Luật số 71).
Theo đó, Luật đã đưa ra các quy định về ưu đãi cao nhất về thuế TNDN (thuế suất 10% trong vòng 15 năm, miễn 4 năm và giảm 50% số thuế phải nộp trong 9 năm kể từ khi có thu nhập chịu thuế) cho Dự án đầu tư sản xuất sản phẩm CNHT.
Trên cơ sở đó, Chính phủ đã ban hành các nghị định: Nghị định 12/2015/NĐ-CP của Chính phủ hướng dẫn Luật số 71; Nghị định 111/2015/NĐ-CP về phát triển CNHT. Cùng với đó, các bộ, ngành liên quan cũng đã ban hành một số văn bản hướng dẫn, triển khai các chính sách ưu đãi về thuế vào thực tiễn.
Cụ thể như: Thông tư 55/2015/TT-BCT của Bộ Công Thương hướng dẫn chi tiết về thủ tục xác nhận ưu đãi đối với Dự án sản xuất sản phẩm CNHT; Thông tư 21/2016/TT-BTC của Bộ Tài chính hướng dẫn về ưu đãi thuế TNDN đối với Dự án sản xuất sản phẩm CNHT đã được ban hành để hướng dẫn về ưu đãi thuế TNDN đối với CNHT.
Phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ chưa tương xứng
Tại Hội thảo “Giải pháp phát triển ngành CNHT Việt Nam” do Bộ Công Thương tổ chức vào cuối năm 2016, cho thấy, mặc dù, các chính sách ưu tiên phát triển của Nhà nước đối với CNHT đã tương đối đầy đủ nhưng sự phát triển vẫn chưa tương xứng. Cụ thể, theo Bộ Công Thương, sự phát triển của ngành CNHT tại Việt Nam hiện nay còn rất khiêm tốn và hạn chế.
Ví dụ, linh kiện phụ tùng kim loại mới đáp ứng được 15-25% nhu cầu linh kiện cho sản xuất ô tô, khoảng 20% cho sản xuất thiết bị đồng bộ; lĩnh vực sản xuất linh kiện điện tử mới đáp ứng được 30-35% nhu cầu linh kiện điện tử gia dụng; tỷ lệ nội địa hóa đối với xe cá nhân 09 chỗ ngồi đến nay mới đạt bình quân khoảng 7-10%; tỷ lệ giá trị gia tăng trong sản phẩm dệt may đạt thấp (khoảng 50%); nguyên vật liệu phục vụ ngành da giày phải nhập khẩu tới gần 80%…
Bên cạnh đó, trên thực tế, hiệu quả của các văn bản chính sách vẫn còn một số hạn chế, chưa “chạm” đến DN sản xuất CNHT. Hạn chế của khung chính sách ưu đãi thuế thu nhập DN là được thực hiện theo địa bàn và mới chỉ tập trung vào lĩnh vực công nghệ cao… Ngoài ra, các vấn đề về vốn đầu tư, nhân lực, công nghệ, trình độ quản trị DN còn hạn chế cũng đã khiến CNHT chưa phát triển được như kỳ vọng.
Một số vấn đề đặt ra và đề xuất giải pháp
Chính sách ưu đãi thuế TNDN rõ ràng sẽ góp phần quan trọng giúp giải quyết bài toán vốn đầu tư cho các DN CNHT. Do đây là một chính sách mới, cơ hội để rút ngắn “độ trễ” và tăng hiệu lực, hiệu quả của chính sách ưu đãi này hoàn toàn nằm trong tay của Chính phủ và cộng đồng DN.
Một mặt, về phía Chính phủ cần phải có chính sách quy định, hướng dẫn rõ ràng và kế hoạch hành động cụ thể. Mặt khác, về phía DN cần phải nhanh chóng áp dụng ưu đãi và cập nhật kịp thời khó khăn vướng mắc với Chính phủ và các bộ, ngành liên quan để được tháo gỡ.
Bên cạnh việc ban hành các ưu đãi về thuế TNDN đối với ngành CNHT, Luật số 71 đưa ra quy định về chuyển tiếp ưu đãi để đảm bảo tính công bằng cho các DN trong việc áp dụng ưu đãi. Theo đó, DN được quyền lựa chọn hưởng ưu đãi về thuế TNDN theo quy định của pháp luật tại thời điểm cấp phép hoặc theo quy định của pháp luật mới được sửa đổi, bổ sung cho thời gian còn lại.
Như vậy, theo nguyên tắc này thì đối với các Dự án sản xuất sản phẩm CNHT được cấp phép trước thời điểm Luật số 71 có hiệu lực (01/01/2015) hiện đang hoạt động trước đây không thuộc diện được hưởng ưu đãi thuế TNDN thì nay có cơ hội được hưởng ưu đãi cho thời gian còn lại từ ngày 01/01/2015. Tuy nhiên, các văn bản hướng dẫn dưới Luật chưa quy định đầy đủ và nhất quán về điều khoản chuyển tiếp đối với các Dự án trước ngày 01/01/2015. Cụ thể:
Thứ nhất, Nghị định 12/2015/NĐ-CP chỉ quy định chi tiết áp dụng nguyên tắc chuyển tiếp ưu đãi cho dự án đầu tư thuộc địa bàn trước ngày 01/01/2015 chưa được hưởng ưu đãi nay trở thành địa bàn ưu đãi nhưng không quy định chuyển tiếp ưu đãi cho dự án đầu tư thuộc ngành nghề, lĩnh vực không thuộc diện hưởng ưu đãi trước ngày 01/01/2015 (như Dự án sản xuất sản phẩm CNHT) nay đáp ứng điều kiện ngành nghề, lĩnh vực ưu đãi theo Luật số 71.
Thứ hai, Nghị định số 111/2015/NĐ-CP quy định các dự án đang sản xuất sản phẩm CNHT (không phân biệt Dự án sản xuất sản phẩm CNHT trước hay sau ngày 01/01/2015) tiếp tục được hưởng các ưu đãi hiện có và ưu đãi mới theo quy định tại Nghị định này.
Cụ thể, đối với ưu đãi thuế TNDN (ưu đãi mới), Nghị định số 111/2015/NĐ-CP quy định các dự án đang sản xuất sản phẩm CNHT được hưởng ưu đãi thuế theo quy định tại Luật số 71, ngoài ra không có quy định chi tiết nào khác.
Như vậy, có thể hiểu là Dự án sản xuất sản phẩm CNHT trước ngày 01/01/2015 sẽ được áp dụng chuyển tiếp ưu đãi, tức là hưởng ưu đãi thuế TNDN cho thời gian còn lại từ ngày 01/01/2015.
Thứ ba, theo Thông tư 21/2015/TT-BTC hướng dẫn việc thực hiện ưu đãi thuế TNDN tại Nghị định 111/2015/NĐ-CP và Nghị định 12/2015/NĐ-CP, quy định: “Ưu đãi thuế TNDN được áp dụng đối với thu nhập của DN từ thực hiện dự án sản xuất sản phẩm CNHT từ ngày 01/01/2015 đáp ứng các Điều kiện quy định tại Luật số 71 và các văn bản hướng dẫn thi hành”.
Quy định này khiến DN hiểu ưu đãi thuế TNDN chỉ áp dụng đối với các Dự án sản xuất sản phẩm CNHT thực hiện từ ngày 01/01/2015. Như vậy, vô hình chung hiểu theo cách Thông tư 21/2015/TT-BTC đã “thu hẹp” đối tượng được hưởng ưu đãi, không quy định ưu đãi cho các Dự án sản xuất sản phẩm CNHT trước ngày 01/01/2015.
Bên cạnh đó, một số DN cũng lúng túng khi áp dụng tiêu chí xác định đối tượng hưởng ưu đãi quy định tại Nghị định 111/2015/NĐ-CP và Thông tư 55/2015/TT-BCT của Bộ Công Thương.
Theo quy định tại Nghị định 111/2015/NĐ-CP thì đối tượng hưởng ưu đãi là các dự án sản xuất sản phẩm CNHT bao gồm dự án đầu tư mới, dự án mở rộng và đổi mới công nghệ có ứng dụng thiết bị công nghệ mới, quy trình sản xuất mới sản xuất sản phẩm với năng lực sản xuất tăng ít nhất 20%.
Tuy nhiên, tại Nghị định 111/2015/NĐ-CP cũng như tại Thông tư 55/2015/TT-BCT chưa quy định cụ thể về tiêu chí xác định Dự án tăng năng lực sản xuất ít nhất 20%. Điều này gây rất khó khăn cho DN trong việc chuẩn bị hồ sơ xin xác nhận ưu đãi.
Nhiều DN băn khoăn không biết sẽ sử dụng tiêu chí nào (ví dụ: tăng tài sản cố định, tăng công suất, tăng vốn đầu tư hay tăng doanh thu) để xác định Dự án sản xuất sản phẩm CNHT của DN có thuộc đối tượng được áp dụng ưu đãi theo diện tăng năng lực sản xuất 20% như quy định của Nghị định 111/2015/NĐ-CP hay không.
Trên cơ sở các vấn đề còn tồn tại đang đặt ra, để kịp thời tháo gỡ các vướng mắc cần quan tâm đến một số đề xuất như sau:
Một là, cần có những sửa đổi, bổ sung Nghị định 12/2015/NĐ-CP theo hướng chuyển tiếp ưu đãi thuế TNDN cho dự án đầu tư thuộc các ngành nghề, lĩnh vực khác trước 01/01/2015 không thuộc diện hưởng ưu đãi (trong đó có dự án sản xuất sản phẩm CNHT) nay đáp ứng điều kiện ưu đãi theo Luật số 71.
Riêng đối với các dự án sản xuất sản phẩm CNHT trước 01/01/2015, nên sửa đổi Thông tư 21/2015/TT-BTC theo hướng quy định rõ việc cho phép áp dụng ưu đãi thuế đối với các Dự án sản xuất sản phẩm CNHT trước 01/01/2015, đồng thời đưa ra ví dụ cụ thể về chuyển tiếp ưu đãi cho các dự án đầu tư này.
Việc sửa đổi này sẽ có tác động tích cực tới các DN đã và đang đầu tư triển khai Dự án sản xuất sản phẩm CNHT, đã có nhiều kinh nghiệm sản xuất sẽ tiếp tục tăng cường đầu tư máy móc thiết bị, nâng cao công suất.
Trên thực tế, việc đầu tư của các DN đã có nhiều kinh nghiệm trong sản xuất sản phẩm CNHT sẽ hiệu quả hơn nhiều so với các DN mới bắt đầu tham gia lĩnh vực này, qua đó góp phần thúc đẩy nền CNHT của Việt Nam phát triển.
Hai là, Bộ Công Thương cần nghiên cứu, xem xét hướng dẫn chi tiết về các tiêu chí xác định đối tượng hưởng ưu đãi theo diện Dự án mở rộng có năng lực sản xuất tăng ít nhất 20% tại Nghị định 111/2015/NĐ-CP.
Theo đó, cần nghiên cứu sử dụng 01 trong 03 tiêu chí xác định dự án đầu tư mở rộng quy định tại pháp luật thuế TNDN hiện hành (ví dụ: tăng giá trị nguyên giá tài sản cố định; tăng tỷ trọng nguyên giá tài sản cố định hoặc tăng công suất) để có sự thống nhất chung.
Ba là, các DN CNHT cũng cần chủ động trao đổi, cập nhật thôn tin, chính sách ưu đãi hỗ trợ của Nhà nước cũng như phản ánh kịp thời những vướng mắc phát sinh thông qua nhiều hình thức khác nhau (các Hội nghị, Diễn đàn đối thoại DN, công văn, báo cáo của các DN, Hiệp hội DN).
Việc tháo gỡ kịp thời giải quyết các tồn tại nêu trên sẽ là động lực quan trọng để thúc đẩy ngành CNHT phát triển tương xứng với tiềm năng của đất nước.