Bao bì cẩu thả, hàng Việt trả giá đắt

Theo Thy Lê/thoibaokinhdoanh.vn

Bao bì xấu xí, thiếu tính hấp dẫn không chỉ khiến hàng Việt kém cạnh tranh, các doanh nghiệp còn đứng trước nguy cơ hàng xuất khẩu bị trả về do không đáp ứng đúng quy tắc đóng gói.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Mới đây, lô nhãn Việt Nam nhập khẩu lần đầu tiên vào Úc đã bị Cơ quan Kiểm dịch tại Melbourne dừng thông quan, do lỗi doanh nghiệp đóng gói không đúng quy định.

Thiệt đơn, thiệt kép

Mặc dù Thương vụ Việt Nam tại Úc đã thông báo các điều kiện nhập khẩu nhãn trên website của Bộ Công Thương và website của Thương vụ từ trước khi Bộ Nông nghiệp hai nước gặp và công bố mở cửa nhãn tại Hà Nội, nhưng nhiều doanh nghiệp lại chưa thật sự chú ý.

Sau sự việc trên, một lần nữa Bộ Nông nghiệp Úc đã gửi thư cho phía Việt Nam nhắc lại các điều kiện đóng gói bao bì, như: với thùng carton kín, đóng gói trong thùng carton có nắp được đậy chặt và không có lỗ thông hơi. Nếu thùng carton có lỗ thông hơi thì các lỗ này phải được che bằng lưới và kích thước không quá 1,6mm và độ dày của lưới không nhỏ hơn 0,16mm. Hoặc các lỗ thông hơi phải được dán lại. Mục đích của các điều kiện này là để tránh hàng hoá bị nhiễm bẩn hoặc tái nhiễm sau khi chiếu xạ....

Sự việc này một lần nữa cho thấy sự thờ ơ của doanh nghiệp Việt Nam trong việc đầu tư bao bì, mẫu mã. Việc cẩu thả trong lựa chọn bao bì, cách thức đóng gói không chỉ khiến hàng Việt gặp phải tình cảnh “dở khóc, dở cười” như trường hợp của lô nhãn xuất qua Úc, mà còn là lý do khiến hàng Việt khó cạnh tranh trên thị trường nước ngoài cũng như trong nước.

Theo đánh giá của công ty Nghiên cứu thị trường quốc tế Business Monitor Internatinonl, phần lớn bánh kẹo của doanh nghiệp Việt khó cạnh tranh với sản phẩm ngoại, dù thị trường bánh kẹo Việt Nam có sức tăng trưởng mạnh, là do điểm yếu bao bì, mẫu mã.

Việc thiết kế vẫn còn tuỳ tiện, sao chép mẫu mã nước ngoài, thiếu sáng tạo, ấn tượng và chưa có bản sắc riêng. Theo đại diện siêu thị Lotte Mart Việt Nam, nông sản Việt Nam được nhiều người Hàn Quốc ưa thích nhưng bao bì lại lòe loẹt. Túi đựng bánh tráng lại in hình hoa hồng, nhiều mặt hàng như bún khô, kẹo dừa... có màu sắc rất sặc sỡ, không phù hợp với thị hiếu người Hàn Quốc. Thậm chí, thông tin trên bao bì một số sản phẩm được phiên dịch ra tiếng Hàn theo kiểu tự động, khiến người Hàn Quốc vừa thấy buồn cười vừa không hiểu.

Doanh nghiệp cần đầu tư vào khâu bao bì, nhãn mác sản phẩm
Doanh nghiệp cần đầu tư vào khâu bao bì, nhãn mác sản phẩm
 

Phải thay đổi

Thị trường Trung Quốc vốn luôn được xem là dễ tính cũng đang ngày càng siết chặt trong các quy định về đóng gói bao bì, nếu doanh nghiệp Việt không chịu thay đổi chắc chắn sẽ gánh những hậu quả khôn lường.

Bộ Công Thương cho biết theo thông báo của Hải quan Trung Quốc, từ ngày 1/10/2019, Chính phủ nước này sẽ áp dụng quy định quản lý, giám sát ghi nhãn đối với bao bì của thực phẩm đóng gói sẵn xuất nhập khẩu. Theo đó, cơ quan hải quan Trung Quốc sẽ kiểm tra nhãn cũng như vấn đề an toàn vệ sinh với thực phẩm đóng gói sẵn nhập khẩu.

Với quy định này, nhà nhập khẩu phải chịu trách nhiệm đảm bảo nhãn mác bằng tiếng Trung Quốc trên bao bì của thực phẩm đóng gói sẵn phải phù hợp với quy định pháp luật liên quan của Trung Quốc, phù hợp với quy định hành chính và yêu cầu về tiêu chuẩn an toàn thực phẩm.

Liệu doanh nghiệp Việt Nam có kịp thích nghi với quy định này? Bà Lê Hoàng Oanh, Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Á, châu Phi (Bộ Công Thương), cho hay lâu nay doanh nghiệp, địa phương vẫn nhận thức Trung Quốc là thị trường dễ tính nên xuất khẩu nông sản chạy theo số lượng. Nhiều nông sản như gạo, thanh long sản lượng quá lớn nhưng chất lượng cấp thấp, không có bao bì, nhãn mác, đệm lót bằng rơm rạ...

“Doanh nghiệp Việt Nam vẫn có thói quen chở hàng nông sản bằng xe tải lên biên giới để bán sang thị trường Trung Quốc, sản phẩm chỉ được lót dưới bằng lớp rơm rạ, còn đóng gói, dán nhãn như thế nào thì phía bên mua Trung Quốc sẽ chịu trách nhiệm”, bà Oanh chia sẻ.

Theo các chuyên gia, trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng khốc liệt, xu hướng người tiêu dùng ngày càng thay đổi, vì vậy để tồn tại, bên cạnh việc đẩy mạnh cải thiện chất lượng sản phẩm, hàng Việt chắc chắn không thể bỏ qua khâu đầu tư bao bì, nhãn mác sao cho hấp dẫn.

Thực tế, đa phần người tiêu dùng khi quyết định mua hàng đều nhìn bắt đầu hình thức sản phẩm, sau đó mới xem xét đến nguồn gốc, đơn vị sản xuất. Mẫu mã đẹp, hấp dẫn là yếu tố thu hút đầu tiên của một sản phẩm so với các sản phẩm trên cùng quầy kệ trong siêu thị, cửa hàng bán lẻ. Đặc biệt, nhiều người tiêu dùng đang có thiên hướng lựa chọn các sản phẩm sử dụng kiểu loại bao bì thân thiện môi trường.