Báo chí góp phần cổ vũ ngành Tài chính hoàn thành nhiệm vụ

Theo thoibaotaichinhvietnam.vn

“Báo chí ngành Tài chính cần chủ động thông tin kịp thời về cơ chế chính sách tài chính, công tác chỉ đạo, quản lý, điều hành và hoạt động của ngành để tuyên truyền rộng rãi đến toàn xã hội.

Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai.
Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai.

Đồng thời đăng tải kịp thời, đầy đủ, chính xác về việc xử lý, phản hồi của Bộ đối với các thông tin liên quan đến ngành Tài chính được báo chí phản ánh, nhằm cung cấp đủ thông tin đa dạng, nhiều chiều đến xã hội…”, Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai nhấn mạnh khi trao đổi với Thời báo Tài chính Việt Nam về hoạt động thông tin tuyên truyền của ngành Tài chính thời gian qua.

Phóng viên: Thưa Thứ trưởng, là lãnh đạo Bộ Tài chính trực tiếp phụ trách hoạt động báo chí ngành Tài chính, đồng thời Thứ trưởng cũng là người phát ngôn của Bộ Tài chính. Xin Thứ trưởng một vài nhận xét về những đóng góp và sự phối hợp của báo chí cả nước nói chung, báo chí ngành Tài chính nói riêng đối với việc thực hiện nhiệm vụ tài chính - ngân sách thời gian qua?

Thứ trưởng Vũ Thị Mai: Phải nói rằng, hoạt động của báo chí thời gian qua đối với các lĩnh vực ngành Tài chính rất sôi động và có trách nhiệm. Điều này được thể hiện ở các tin tức, bài viết chất lượng, có chiều sâu về mọi lĩnh vực tài chính - ngân sách trên khắp các mặt báo, tạp chí cả trong và ngoài ngành Tài chính.

Đối với báo chí trong ngành, ngoài Cổng Thông tin điện tử của Bộ Tài chính, những cơ quan báo chí như Thời báo Tài chính Việt Nam, Tạp chí Tài chính, báo Hải quan,… đã thể hiện được vai trò là đầu mối thông tin, tuyên truyền về chính sách, pháp luật tài chính, kết quả thực hiện nhiệm vụ của ngành Tài chính, trong đó tập trung vào kết quả đạt được trong thời gian qua, đóng góp vào những thành tựu chung của đất nước; nhiệm vụ chính trị của ngành Tài chính và của từng đơn vị trong ngành.

Nhiều bài viết của báo chí trong ngành đã góp phần định hướng thông tin cho người dân, dư luận, báo chí ngoài ngành,… có cách nhìn khách quan, nhiều chiều về các hoạt động trong thực hiện nhiệm vụ tài chính - ngân sách của ngành Tài chính.

Đặc biệt, nhiều vấn đề lớn, quan trọng của đất nước mà ngành Tài chính được giao nhiệm vụ thực hiện như: Nghị quyết số 07- NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về “Chủ trương, giải pháp cơ cấu lại ngân sách nhà nước (NSNN), quản lý nợ công để bảo đảm nền tài chính quốc gia an toàn, bền vững”; Nghị quyết số 25/2016/QH14 của Quốc hội về kế hoạch tài chính 5 năm quốc gia giai đoạn 2016 - 2020 và các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đối với ngành Tài chính trong việc tạo đồng thuận của các cấp, các ngành, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân trong cả nước để thực hiện thắng lợi kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán NSNN… không chỉ được cơ quan báo chí trong ngành thể hiện rất kịp thời qua các tin, bài có tính thời sự, mà còn có kế hoạch tuyên truyền thông qua các tuyến bài dài kỳ, rất bài bản, có tính chủ đạo xuyên suốt, được dư luận phản hồi rất tích cực.

Về phía hoạt động cơ quan báo chí ngoài ngành, Bộ Tài chính rất trân trọng sự quan tâm của các báo, đài và các bạn phóng viên đã dành nhiều tình cảm đặc biệt thông qua việc thường xuyên theo dõi, cập nhật, truyền tải thông tin về mọi hoạt động của ngành Tài chính trên các phương tiện truyền thông.

Nhiều bài viết đã thể hiện kiến thức sâu rộng của người làm báo với những vấn đề rất cụ thể, đi sâu vào góc cạnh của đời sống kinh tế đất nước, góp phần là kênh thông tin để cơ quan hoạch định chính sách tài chính tham khảo xây dựng cơ chế, chính sách, giúp tạo đồng thuận trong nhân dân và xã hội trong thực thi chính sách. Qua đó, đã góp phần cổ vũ, động viên những người làm công tác tài chính - ngân sách có thêm động lực để phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ.

Với nhận định về hiệu quả tuyên truyền của báo chí cả trong và ngoài ngành như Thứ trưởng vừa nêu, chứng tỏ rằng lãnh đạo Bộ Tài chính rất quan tâm và coi trọng công tác báo chí. Xin Thứ trưởng cho biết cụ thể hơn về những chỉ đạo định hướng tuyên truyền của Bộ đã và đang thực hiện, để công tác tuyên truyền đạt hiệu quả?

Đúng vậy, Ban Cán sự Đảng, lãnh đạo Bộ Tài chính nhiều năm qua luôn xác định công tác tuyên truyền là một trong những nhiệm vụ quan trọng góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị của ngành. Để những chính sách tài chính có được sự đồng thuận của người dân và đi vào thực tế cuộc sống, rất cần sự vào cuộc của đội ngũ báo chí- những người làm báo trong và ngoài ngành Tài chính.

Do vậy, yêu cầu của công tác thông tin, tuyên truyền được Bộ Tài chính đề ra là phải được thực hiện thống nhất, xuyên suốt, theo đúng quan điểm chỉ đạo của Bộ; đảm bảo tính chủ động, tính thời sự trong định hướng dư luận. Việc cung cấp thông tin tuyên truyền về từng lĩnh vực hoạt động của Bộ có đầu mối rõ ràng, có phân công, phân nhiệm theo kế hoạch đã được Bộ phê duyệt.

Trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ được giao, các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ chủ động xây dựng nội dung cần thông tin tuyên truyền về chính sách, hoạt động và kết quả trong lĩnh vực do đơn vị mình phụ trách. Các đơn vị chuyên môn thuộc Bộ phối hợp chặt chẽ với Văn phòng Bộ trong việc tổ chức thực hiện công tác tuyên truyền và phối hợp với các cơ quan thông tấn báo chí.

Công tác thông tin, tuyên truyền đã được Bộ Tài chính triển khai liên tục, đồng bộ, bằng nhiều phương thức, hình thức sinh động, phong phú, thiết thực, kịp thời, cụ thể trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Bộ Tài chính đã phối hợp chặt chẽ, toàn diện để cung cấp thông tin cho tất cả các cơ quan báo chí trong và ngoài ngành, đặc biệt đã ký kết hợp tác với 5 cơ quan thông tấn báo chí (Báo Nhân dân, Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam, Cổng Thông tin điện tử Chính phủ) trong việc tăng cường thông tin tuyên truyền các cơ chế, chính sách, pháp luật tài chính theo chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước và của Bộ Tài chính.

Ngoài ra, việc cung cấp thông tin cho các cơ quan thông tấn báo chí cũng được chỉ đạo xuyên suốt từ các đơn vị trong việc chuẩn bị nội dung, tổ chức các cuộc họp báo định kỳ hàng quý, các cuộc họp báo theo nội dung chuyên đề hàng tuần, hàng tháng hoặc đột xuất theo chỉ đạo của lãnh đạo Bộ.

Những vấn đề “nóng” được dư luận xã hội quan tâm, luôn được Bộ cung cấp thông tin cho các cơ quan thông tấn báo chí thông qua việc phát hành thông cáo báo chí, thông tin báo chí…

Được biết, vừa qua Bộ trưởng Bộ Tài chính đã ban hành Quyết định số 237/QĐ-BTC phê duyệt Đề án Tổ chức lại cơ quan báo, tạp chí thuộc Bộ Tài chính giai đoạn 2016 - 2025. Vậy, xin Thứ trưởng cho biết cụ thể mục tiêu của việc tổ chức lại báo, tạp chí của Bộ là gì?

Hội nghị Trung ương 10 đã chỉ rõ, sắp xếp hệ thống báo chí gắn với đổi mới mô hình, nâng cao hiệu quả lãnh đạo, quản lý báo chí… Bộ Tài chính là bộ quản lý đa ngành, đa lĩnh vực, là cơ quan của Chính phủ, thực hiện chức năng quản lý nhà nước về tài chính - NSNN và nhiều lĩnh vực có ảnh hưởng và tác động đến nhiều mặt kinh tế xã hội, do đó Ban Cán sự đảng Bộ Tài chính thường xuyên quan tâm đến công tác báo chí, tuyên truyền để phục vụ công tác nghiên cứu xây dựng chính sách và thực thi chính sách.

Tuy nhiên, hoạt động và hiệu quả của các đơn vị báo chí thuộc Bộ Tài chính còn chưa đồng đều, đặc biệt là các tạp chí chuyên ngành thuộc các cục trực thuộc Bộ.

Chính vì vậy, mục tiêu quy hoạch sắp xếp hệ thống báo chí của Bộ Tài chính là phù hợp với Luật Báo chí và các quy định của pháp luật nhằm nâng cao hiệu quả lãnh đạo, quản lý báo chí, phát triển hệ thống báo chí theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu thông tin truyền thông đa phương tiện theo chủ trương của Trung ương Đảng (Nghị quyết Trung ương 10 Khoá XI) và chỉ đạo của Chính phủ.

Căn cứ quy định của Trung ương và thực tế hoạt động của các báo, tạp chí, ấn phẩm thông tin truyền thông của ngành Tài chính, Bộ trưởng Bộ Tài chính quyết định nguyên tắc và điều kiện: Cơ quan Bộ Tài chính có 1 cơ quan báo in và 1 tạp chí in; mỗi tổng cục thuộc Bộ có 1 tạp chí in chuyên ngành hoặc báo in theo tính chất đặc thù; đơn vị nghiên cứu khoa học về tài chính có 1 tạp chí in nghiên cứu khoa học chuyên ngành và mỗi cơ sở giáo dục đào tạo (trường đại học, cao đẳng) có 1 tạp chí in nghiên cứu khoa học để phục vụ công tác nghiên cứu và giảng dạy. Không duy trì hoạt động đối với tạp chí in thuộc các cục trực thuộc Bộ.

Việc quy hoạch, sắp xếp lại hệ thống báo chí, tạp chí của Bộ Tài chính là hướng tới đảm bảo bộ máy tinh gọn, phù hợp với nhiệm vụ chính trị được giao của ngành, chuyên ngành, đơn vị, nhằm tập trung nâng cao được chất lượng, hiệu quả hoạt động, đảm bảo tính chuyên nghiệp của báo chí, xuất bản và phát huy được đầy đủ thế mạnh của ngành để đáp ứng tốt nhất yêu cầu về công tác thông tin tuyên truyền của Bộ.

Đồng thời, đa dạng hóa các ấn phẩm phát hành của từng cơ quan báo chí, tạp chí nghiên cứu khoa học, đảm bảo bao quát hết các lĩnh vực hoạt động của ngành đi đôi với việc tăng đầu tư nguồn lực tài chính, đổi mới, hiện đại hoá công nghệ làm báo, tạp chí, mở rộng quy mô hoạt động. Từng bước phấn đấu tự chủ về tài chính đối với cơ quan báo chí, tạp chí.

Đảm bảo ổn định việc làm và phát huy thế mạnh của đội ngũ phóng viên, biên tập viên; tiếp tục quan tâm đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ và năng lực hoạt động của cán bộ, phóng viên, biên tập viên của các cơ quan báo chí, xuất bản nhằm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn mới.

Như Thứ trưởng vừa nói, công tác tuyên truyền là một trong những nhiệm vụ quan trọng góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị của ngành. Vậy, Thứ trưởng có yêu cầu gì với đội ngũ các cơ quan báo chí ngành Tài chính thời gian tới trong công tác tuyên truyền, để góp phần không chỉ cổ vũ tinh thần người lao động ngành Tài chính phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ, mà còn là “cầu nối” với người dân, báo chí ngoài ngành… định hướng thông tin dư luận?

Báo chí ngành Tài chính cần chủ động thông tin kịp thời về cơ chế chính sách tài chính, công tác chỉ đạo, quản lý, điều hành và hoạt động của ngành Tài chính để tuyên truyền rộng rãi đến toàn xã hội. Đồng thời, đăng tải kịp thời, đầy đủ, chính xác về việc xử lý, phản hồi của Bộ đối với các thông tin liên quan đến ngành Tài chính được báo chí phản ánh, nhằm cung cấp đủ thông tin đa dạng, nhiều chiều đến xã hội.

Bên cạnh đó, báo chí ngành cần phối hợp với các đơn vị thuộc Bộ Tài chính trong công tác tuyên truyền để nâng cao tính chủ động về thông tin. Thường xuyên phối hợp chặt chẽ, trao đổi thông tin hai chiều giữa các đơn vị thuộc Bộ và cơ quan báo chí ngành Tài chính, kịp thời cung cấp đầy đủ chính xác các thông tin được dư luận xã hội quan tâm.

Ngoài ra, các cơ quan báo chí ngành cũng cần nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ lãnh đạo, phóng viên, biên tập viên, đẩy mạnh công tác phát hành báo, tạp chí rộng rãi ra công chúng, tạo hiệu quả trong công tác thông tin tuyên truyền.

Thưa Thứ trưởng, nhân dịp kỷ niệm 92 năm ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21/6/1925 - 21/6/2017), Thứ trưởng có lời gì nhắn nhủ tới đội ngũ làm báo trong và ngoài ngành Tài chính?

Nhân dịp kỷ niệm 92 năm ngày Báo chí cách mạng Việt Nam, thay mặt Lãnh đạo Bộ Tài chính, tôi xin gửi tới những người làm báo trong và ngoài ngành Tài chính lời chúc sức khỏe, thành công và hạnh phúc.

Mong rằng các cán bộ phóng viên, biên tập viên các cơ quan báo chí trong và ngoài ngành bám sát hơn nữa các sự kiện, hoạt động của ngành nhằm tuyên truyền cũng như cổ vũ, động viên những người làm công tác trong ngành Tài chính hăng hái thi đua lao động, phấn đấu hoàn thành các nhiệm vụ to lớn mà Đảng, nhân dân giao phó.

Xin trân trọng cảm ơn Thứ trưởng!