Bảo hiểm xã hội tự nguyện: Linh hoạt để thu hút đối tượng tham gia
Bảo hiểm xã hội (BHXH) nhiều địa phương đang gặp khó khăn trong công tác phát triển đối tượng tham gia BHXH tự nguyện, kết quả phát triển đối tượng tham gia chưa xứng với tiềm năng của địa phương. Đó là khẳng định được đưa ra tại Hội nghị trực tuyến về phát triển đối tượng và giảm nợ BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) năm 2018 do BHXH Việt Nam vừa tổ chức.
Phó Giám đốc BHXH tỉnh Lào Cai Đường Minh Tấn cho biết, BHXH tự nguyện giúp những đối tượng tham gia bớt khó khăn, rủi ro khi về già. Chính sách này cũng thể hiện sự tích cực, chủ động của người dân khi tự bảo đảm an sinh cho chính bản thân, góp phần chia sẻ với cộng đồng và phát triển xã hội.
Toàn tỉnh Lào Cai hiện có khoảng 1.500 người tham gia BHXH tự nguyện. Trong đó, phần lớn những người tham gia đã từng đóng BHXH khi còn làm việc ở các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp. Khi nghỉ việc, họ tìm tới BHXH tự nguyện để sau này được hưởng các chế độ phúc lợi từ BHXH.
“Mặc dù vậy, BHXH tự nguyện chưa thu hút được nhiều người tham gia. Bởi điều kiện kinh tế xã hội của Lào Cai còn nhiều khó khăn, thu nhập người lao động chưa cao” - Phó Giám đốc BHXH tỉnh Lào Cai Đường Minh Tấn chia sẻ.
Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Trần Đình Liệu thừa nhận, BHXH nhiều địa phương đang gặp khó khăn trong công tác phát triển đối tượng tham gia BHXH tự nguyện, kết quả phát triển đối tượng tham gia chưa xứng với tiềm năng của địa phương.
Theo khảo sát mới nhất của Viện Khoa học, Lao động và Xã hội, phần lớn nông dân, lao động tại nông thôn và lao động phi chính thức chưa tham gia BHXH tự nguyện.
Đây là nhóm đối tượng tiềm năng để phát triển BHXH tự nguyện. Có tới 35,2% lao động phi chính thức chưa tham gia BHXH mong muốn tham gia. Tuy nhiên, nhóm đối tượng này lại ít được tiếp cận các thông tin, chính sách về BHXH tự nguyện.
Theo Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Dân số, Lao động, Việc làm (Viện Khoa học, Lao động và Xã hội) Trịnh Thu Nga, qua khảo sát khoảng 8,5% lao động cho biết sẽ tham gia BHXH tự nguyện nếu có sự điều chỉnh, bổ sung các quy định được cho là hợp lý và nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ của ngành BHXH; 80% người lao động mong muốn giảm thời gian đóng để hưởng lương hưu; 55% mong muốn thông tin tư vấn rõ ràng, cụ thể và đổi mới thủ tục đóng hưởng thuận lợi, linh hoạt như bảo hiểm thương mại.
Không ít chuyên gia cho rằng, hiện nhiều người dân muốn đóng BHXH tự nguyện nhưng lại ngại chờ đợi tới 20 năm sau mới được hưởng chế độ.
Điểm kém hấp dẫn của BHXH tự nguyện so với các loại hình bảo hiểm tư nhân khác là BHXH tự nguyện chỉ quy định 2 chế độ hưởng dài hạn là hưu trí và tử tuất, trong khi các chế độ ngắn hạn mà người dân quan tâm như ốm đau, thai sản thì lại không được hưởng.
“Khoảng cách chế độ giữa BHXH tự nguyện và bắt buộc là một trong những hạn chế khiến cho người lao động chưa mặn mà với loại hình bảo hiểm này” - Phó Giám đốc BHXH tỉnh Lào Cai Đường Minh Tấn cho biết.
Theo Phó Tổng giám đốc BHXH Việt Nam Đào Việt Ánh, Nghị quyết 28 về cải cách chính sách BHXH được coi là “luồng gió mới” khi đề cập đến vấn đề từng bước mở rộng các chế độ hưởng của BHXH tự nguyện.
“BHXH Việt Nam sẽ chỉ đạo BHXH các địa phương bám sát tiến độ thực hiện việc giao chỉ tiêu phát triển đối tượng tham gia BHXH cho các địa phương; chủ động tham mưu với cấp ủy chính quyền địa phương thường xuyên sơ kết, tổng kết, đánh giá, kiểm điểm những tồn tại, hạn chế nguyên nhân chậm phát triển đối tượng tham gia BHXH tự nguyện; đưa ra các giải pháp nhằm tăng nhanh đối tượng tham gia BHXH” - Phó Tổng giám đốc BHXH Việt Nam Đào Việt Ánh cho biết thêm.