Ngành Bảo hiểm xã hội Việt Nam:

Thực hiện hiệu quả các chính sách hỗ trợ người lao động, doanh nghiệp gặp khó khăn do dịch COVID-19

Lê Hà

Ngày 10/01/2022, Bảo hiểm Xã hội (BHXH) Việt Nam tổ chức Hội nghị trực tuyến triển khai nhiệm vụ công tác năm 2022 tại điểm cầu BHXH Việt Nam và 63 điểm cầu tại BHXH các tỉnh, thành phố, cùng 672 điểm cầu tại BHXH các quận, huyện. Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái dự và chỉ đạo hội nghị.

Thực hiện thắng lợi mục tiêu “kép”

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh cho biết, năm 2021 đi qua với nhiều khó khăn, thách thức, nhưng cũng là năm để lại nhiều dấu ấn quan trọng đối với ngành BHXH Việt Nam.  

Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái phát biểu tại hội nghị.
Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái phát biểu tại hội nghị.

Dưới sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Hội đồng quản lý BHXH, của cấp ủy, chính quyền các cấp; sự phối hợp chặt chẽ của các Bộ, ngành; cùng với sự nỗ lực vượt khó của mỗi công chức, viên chức, người lao động, ngành BHXH Việt Nam đã thực hiện thắng lợi mục tiêu “kép”, vừa hoàn thành các nhiệm vụ được giao, vừa thực hiện hiệu quả các chính sách hỗ trợ người lao động (NLĐ) và người sử dụng lao động (NSDLĐ) gặp khó khăn do dịch COVID-19.

Báo cáo của BHXH Việt Nam cho thấy, trong năm 2021, đại dịch COVID-19 đã tác động rất lớn tới tình hình phát triển kinh tế - xã hội nói chung và việc thực hiện các mục tiêu của ngành BHXH Việt Nam nói riêng. Trước tình hình đó, ngành BHXH Việt Nam đã luôn chủ động, bám sát các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ; chỉ đạo của Lãnh đạo Chính phủ; phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành, địa phương, linh hoạt triển khai nhiều giải pháp và đã đạt được một số kết quả tích cực.

Theo thống kê, tính đến hết ngày 31/12/2021, số người tham gia BHXH đạt hơn 16,5 triệu người, tăng 2,2% so với năm 2020, đạt 33,77% lực lượng lao động trong độ tuổi. Số người tham gia bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) đạt gần 13,4 triệu người, tăng 0,4% so với năm 2020, đạt 27,34% lực lượng lao động trong độ tuổi; số người tham gia bảo hiểm y tế (BHYT) đạt hơn 88,8 triệu người, tăng 0,9% so với năm 2020, đạt tỷ lệ bao phủ 91,01% dân số.

Đáng chú ý, số người tham gia BHXH tự nguyện tiếp tục tăng trưởng mạnh, là một trong những điểm sáng của Ngành, được các đại biểu Quốc hội khóa XV ghi nhận, đánh giá cao. Trong năm 2021 có hơn 1,45 triệu người tham gia BHXH tự nguyện, tăng 28,9% so với cùng kỳ năm 2020, đạt 2,96% lực lượng lao động trong độ tuổi là nông dân và lao động khu vực phi chính thức, cao hơn 1,96% so với chỉ tiêu được giao tại Nghị quyết số 28-NQ/TW.

Cũng trong năm 2021, ngành BHXH Việt Nam đã thực hiện kịp thời việc chi trả chế độ, chính sách BHXH, BHYT, BHTN. Đặc biệt, trong thời gian dịch bệnh, cơ quan BHXH đã tổ chức triển khai đa dạng, linh hoạt các phương thức giải quyết chế độ và chi trả (chi trả gộp 02 tháng, chi trả tại nhà); đẩy mạnh chi trả không dùng tiền mặt (hết năm 2021 có khoảng 57% số người nhận các chế độ BHXH, BHTN qua tài khoản cá nhân tại khu vực đô thị, vượt 7% chỉ tiêu Chính phủ giao năm 2021 tại Nghị quyết số 02/NQ-CP).

Năm 2021, cơ quan BHXH đã đảm bảo chi trả đầy đủ, kịp thời, an toàn cho 3,3 triệu người hưởng lương hưu, trợ cấp BHXH hàng tháng với gần 15 nghìn điểm chi trả đến cấp xã; trên 738 nghìn người hưởng trợ cấp thất nghiệp; trên 7,8 triệu lượt người hưởng chế độ trợ cấp ốm đau, thai sản, dưỡng sức phục hồi sức khỏe; 125,96 triệu lượt người khám chữa bệnh BHYT…

Trong bối cảnh dịch bệnh, toàn Ngành đã chủ động rà soát để tiết kiệm từ 10-15% chi phí quản lý. Với phương châm quản lý quỹ an toàn, bền vững và hiệu quả, tổng số dư các Quỹ BHXH, BHYT, BHTN đến hết tháng 12/2021 tăng 9% so với cuối năm 2020...

Bên cạnh đó, ngành BHXH Việt Nam đã triển khai công tác thanh tra, kiểm tra phù hợp với diễn biến tình hình dịch bệnh; kết hợp giữa hình thức thanh tra, kiểm tra truyền thống với thanh tra, kiểm tra theo phương thức điện tử, từ đó giảm thời gian, thủ tục cho doanh nghiệp…

Trong năm 2021, toàn Ngành đã thực hiện thanh tra, kiểm tra tại 16.769 đơn vị, qua đó phát hiện 42.002 trường hợp sai phạm về đối tượng, mức đóng với số tiền phải truy thu là 127,6 tỷ đồng; thu hồi 1.852,2 tỷ đồng trên tổng số nợ của các đơn vị được thanh tra chuyên ngành là 2.537,8 tỷ đồng (đạt 72,9%); yêu cầu thu hồi 9,5 tỷ đồng về Quỹ BHXH; 0,9 tỷ đồng về Quỹ BHTN, 45,7 tỷ đồng về Quỹ BHYT.

Đặc biệt, năm 2021, với trách nhiệm là cơ quan tổ chức thực hiện chính sách, BHXH Việt Nam chủ động, tích cực phối hợp với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Tài chính, các Bộ, ngành liên quan kịp thời trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành chính sách hỗ trợ NLĐ, NSDLĐ gặp khó khăn do đại dịch COVID-19.

Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh phát biểu khai mạc hội nghị. 
Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh phát biểu khai mạc hội nghị. 

Kết quả, chỉ sau 7 ngày thực hiện Nghị quyết số 68/NQ-CP và Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg, hoàn thành việc điều chỉnh giảm mức đóng vào Quỹ Bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp cho 375 nghìn đơn vị, tương ứng 11,238 triệu lao động với số tiền khoảng 4.322 tỷ đồng; thành lập Đoàn công tác để trực tiếp kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn tại Hà Nội và 19 tỉnh, thành phố phía Nam; rút ngắn thời gian giải quyết hồ sơ từ 05 ngày còn 01 ngày làm việc.

Đến hết năm 2021, cơ quan BHXH đã giải quyết cho 851 đơn vị với 161.531 lao động tạm dừng đóng Quỹ Hưu trí và tử tuất với số tiền hơn 1.119,8 tỷ đồng; xác nhận danh sách cho 3.071.500 NLĐ của 71.142 đơn vị SDLĐ để hưởng các chính sách.

Thực hiện Nghị quyết số 116/NQ-CP, Quyết định số 28/2021/QĐ-TTg, trong vòng 5 ngày (đến ngày 5/10/2021), toàn Ngành đã hoàn thành gửi thông báo giảm mức đóng (1% xuống 0%) vào Quỹ BHTN đến 363,6 nghìn đơn vị SDLĐ, với số tiền trên 7.595 tỷ đồng; đến hết ngày 21/12/2021, đã chi trả chế độ hỗ trợ cho 12,94 triệu lao động, với tổng số tiền hỗ trợ là 30,73 nghìn tỷ đồng. Các thủ tục đảm bảo nhanh, đơn giản, được DN, NLĐ đánh giá cao.

Cùng với đó, phối hợp chặt chẽ với ngành Y tế đảm bảo quyền lợi cho người bệnh tại bệnh viện ở khu vực cách ly, bệnh viện dã chiến và tháo gỡ khó khăn trong thanh toán chi trả BHYT cho người bệnh trong điều kiện dịch bệnh tại các địa phương.

8 nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm trong năm 2022

Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái đã chúc mừng và biểu dương tập thể Lãnh đạo, công chức, viên chức, người lao động ngành BHXH Việt Nam vượt qua những khó khăn, thách thức để đạt được những thành tích đáng ghi nhận, góp phần ổn định, phát triển kinh tế - xã hội đất nước, đảm bảo an sinh xã hội cho Nhân dân.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái cũng chỉ rõ một số tồn tại, khó khăn, thách thức, đó là: Khuôn khổ pháp lý hiện hành còn có vướng mắc cần phải được rà soát, hoàn thiện, nhất là một số quy định tại các luật liên quan (BHXH, BHYT, việc làm, thanh tra…); tác động của dịch bệnh COVID-19 gây ra không ít khó khăn trong thực hiện nhiệm vụ phát triển người tham gia và một số chỉ tiêu về độ bao phủ.

Cùng với đó, tình trạng nợ đóng, chậm đóng BHXH có xu hướng tăng; việc giải quyết chế độ đối với NLĐ trong trong trường hợp DN nợ BHXH mà giải thể, phá sản hoặc chủ là người nước ngoài bỏ trốn còn vướng mắc; tình trạng lạm dụng, trục lợi quỹ BHXH, BHYT, BHTN vẫn còn xảy ra; một số nơi nhận thức về vai trò, trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền trong việc thực hiện chính sách, pháp luật về BHXH, BHYT chưa đầy đủ, ý thức chấp hành chính sách pháp luật của người sử dụng lao động chưa cao…

Để giải quyết những khó khăn, thách thức trên, cũng như thực hiện tốt nhiệm vụ được giao trong năm 2022, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái yêu cầu ngành BHXH Việt Nam tập trung thực hiện một số nhóm giải pháp trọng tâm sau:

Thứ nhất, tiếp tục bám sát chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và chỉ đạo của các cấp có thẩm quyền, trong đó chú trọng tinh thần chỉ đạo tại các Nghị quyết Trung ương; nhiệm vụ và giải pháp tại các Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ để đưa ra các giải pháp sát sao, đảm bảo hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao.

Thứ hai, phối hợp chặt chẽ với các bộ, cơ quan rà soát, hoàn thiện thể chế, chiến lược, quy hoạch trong lĩnh vực BHXH, BHYT, BHTN; rà soát các vướng mắc pháp luật liên quan đến quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành và đề xuất sớm với cơ quan có thẩm quyền sửa đổi, bảo đảm đồng bộ, khả thi, phù hợp với các nghị quyết của Trung ương và tháo gỡ được các khó khăn, vướng mắc trong lĩnh vực quản lý của BHXH Việt Nam.

Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái trao tặng Huân chương Lao động hạng Ba cho BHXH Việt Nam có thành tích xuất sắc trong công tác cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2011 - 2020.
Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái trao tặng Huân chương Lao động hạng Ba cho BHXH Việt Nam có thành tích xuất sắc trong công tác cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2011 - 2020.

Thứ ba, tiếp tục thực hiện các giải pháp để đẩy mạnh phát triển người tham gia BHXH, BHYT, BHTN; giải quyết chế độ đảm bảo chính xác, kịp thời, thuận tiện; tiếp tục đổi mới phương thức phục vụ người dân, khuyến khích giải quyết hồ sơ qua hệ thống dịch vụ công trực tuyến và chi trả không dùng tiền mặt. Triển khai kịp thời các chương trình hỗ trợ NLĐ, NSDLĐ bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 theo các nghị quyết của Chính phủ, Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, đánh giá kết quả thực hiện, tiếp tục chủ động rà soát, đề xuất sửa đổi, bổ sung các chính sách hỗ trợ NLĐ, NSDLĐ phù hợp.

Thứ tư, tăng cường công tác thanh tra kiểm tra bảo đảm linh hoạt, hiệu quả; kịp thời phát hiện, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật, tiêu cực, lãng phí, trốn đóng, gian lận, trục lợi quỹ BHXH, BHYT, BHTN. Tập trung thu hồi các khoản chi sai mục đích, sai quy định, các khoản nợ đóng, chậm đóng.

Thứ năm, quản lý Quỹ BHXH, BHYT, BHTN an toàn, bền vững và hiệu quả, đóng góp vào ổn định kinh tế vĩ mô. Hiện BHXH Việt Nam đã quản lý tốt các quỹ an sinh cần tiếp tục nghiên cứu để dành phần lớn nguồn quỹ tham gia vào chương trình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Thứ sáu, tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa cải cách thủ tục hành chính và chuyển đổi số, xây dựng cơ sở dữ liệu, nâng cao năng lực quản trị, chất lượng phục vụ, rút ngắn thời gian giải quyết các thủ tục hành chính; chống tiêu cực, tham nhũng.

Thứ bảy, phối hợp chặt chẽ với cơ quan truyền thông để đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác thông tin, truyền thông theo hướng đa dạng, linh hoạt, thiết thực, để người dân có thể tiếp cận tốt nhất mọi thông tin về chính sách BHXH, BHYT, BHTN.

Thứ tám, tiếp tục quan tâm rà soát, sắp xếp tổ chức bộ máy, biên chế theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Phân cấp, phân quyền, cá thể hóa trách nhiệm đi đôi với kiểm tra, giám sát. Đồng thời, tăng cường kỷ cương hành chính; phát huy vai trò của người đứng đầu; phân công rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ kết quả; kiện toàn tổ chức bộ máy; nâng cao chất lượng cán bộ; khen thưởng kịp thời; xử lý nghiêm các hành vi vi phạm...

Tại Hội nghị, thừa uỷ quyền của Chủ tịch nước, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái đã trao tặng Huân chương Lao động hạng Ba cho BHXH Việt Nam có thành tích xuất sắc trong công tác cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2011-2020. Đồng thời, trao tặng Huân chương Lao động hạng Nhất cho Văn phòng - BHXH Việt Nam; Huân chương Lao động hạng Nhì cho Ban Thực hiện chính sách BHYT (BHXH Việt Nam); Huân chương Lao động hạng Ba cho Trung tâm Lưu trữ (BHXH Việt Nam) và cho cá nhân ông Lê Hùng Sơn - Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam đã có thành tích xuất sắc trong công tác từ năm 2016 đến năm 2020.