Bến Tre đẩy nhanh tốc độ phát triển và chuyển dịch cơ cấu kinh tế

Theo K.V/dangcongsan.vn

Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Bến Tre lần thứ X đã xác định: “Tập trung phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp để đẩy nhanh tốc độ phát triển và chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Chính vì vậy, Đảng bộ và chính quyền các cấp của địa phương này đang quyết tâm đạt được mục tiêu đã đặt ra.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Xác định ngành công nghiệp chủ lực

Để tạo động lực phát triển công nghiệp, tỉnh Bến Tre đã ưu tiên bố trí ngân sách hợp lý và huy động các nguồn vốn hợp pháp khácđầu tư xây dựng hạ tầng khu công nghiệp Phú Thuận (huyện Bình Đại), cụm công nghiệp Phú Hưng (TP Bến Tre), cụm công nghiệp Phong Nẫm (huyện Giồng Trôm), cụm công nghiệp Thị Trấn-An Đức (huyện Ba Tri). Chú trọng phát triển công nghiệp vừa và nhỏ, xác định chuỗi sản phẩm công nghiệp chủ lực của tỉnh để tập trung đầu tư phát triển. Tăng cường các giải pháp để đưa tốc độ tăng giá trị sản xuất công nghiệp đạt 14,5%/năm. Tiếp tục củng cố, mở rộng qui mô, đa dạng hóa ngành nghề, sản phẩm nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của các hợp tác xã, làng nghề tiểu thủ công nghiệp, góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người lao động.

Từ nhiệm vụ, mục tiêu của Đại hội Đảng bộ tỉnh Bến Tre lần thứ X về phát triển công nghiệp, Tỉnh ủy đã chỉ đạo cụ thể hóa bằng Đề án phát triển công nghiệp tỉnh Bến Tre giai đoạn 2016 - 2020 và hướng tới năm 2030, đồng thời tỉnh cũng đã triển khai thực hiện nhiều chương trình, đề án trọng tâm nhằm định hướng phát triển cho toàn ngành công nghiệp: Kế hoạch phát triển ngành công nghiệp chế biến nông sản, thủy sản, thực phẩm đến năm 2020, kế hoạch phát triển các ngành công nghiệp mũi nhọn, ưu tiên giai đoạn 2016 - 2020, kế hoạch phát triển cụm công nghiệp giai đoạn 2016 - 2020, kế hoạch thực hiện Chương trình dừa giai đoạn 2016 - 2020, quy hoạch phát triển điện gió, quy hoạch phát triển điện lực trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2016 - 2025 và hướng đến năm 2035,…

Đặc biệt, luôn quan tâm tập trung chỉ đạo, kịp thời tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, nhà đầu tư; cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; thực hiện tốt chính sách khuyến khích ưu đãi đầu tư; ưu tiên bố trí ngân sách giải phóng mặt bằng, đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng công nghiệp để chủ động thu hút đầu tư trong và ngoài tỉnh.

Theo đồng chí Trần Ngọc Tam, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Bến Tre, thời gian qua, bên cạnh những thời cơ, thuận lợi, kinh tế của tỉnh cũng gặp không ít khó khăn. Tình hình thế giới, khu vực có nhiều diễn biến phức tạp, thị trường, giá cả các loại nông sản luôn biến động,…cùng với những khó khăn nội tại của địa phương, kết cấu hạ tầng yếu, nguồn lực đầu tư hạn chế, thiếu quỹ đất sạch, diễn biến bất thường của thời tiết,…những yếu tố bất lợi trên đã tác động mạnh đến sản xuất, kinh doanh, thu hút đầu tư và cũng là một trong những nguyên nhân góp phần làm một số chỉ tiêu kinh tế tăng trưởng chưa như kỳ vọng.

Mặc dù, gặp rất nhiều khó khăn, nhưng với sự hỗ trợ của Trung ương và sự nỗ lực của Đảng bộ và nhân dân tỉnh Bến Tre, ngành công nghiệp đã vượt qua khó khăn, thử thách, đạt được những mục tiêu quan trọng.

Giá trị sản xuất công nghiệp giai đoạn 2016-2020 tăng trưởng bình quân 12,32%/năm; giá trị tăng thêm tăng bình quân 11,64%/năm. Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo luôn chiếm ưu thế với tỷ trọng 97,56% so với toàn ngành công nghiệp. Kim ngạch xuất khẩu các sản phẩm công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp tăng bình quân 14,25%/năm, chiếm tỷ trọng 89,74% so với tổng kim ngạch xuất khẩu toàn tỉnh.

Bến Tre đã xác định được ngành công nghiệp chủ lực của tỉnh là ngành sản xuất chế biến dừa và ngành sản xuất chế biến thủy sản, để đầu tư và coi tăng trưởng xanh là trọng tâm ưu tiên để phát triển bền vững. Đồng thời, đẩy mạnh thu hút, kêu gọi đầu tư các dự án có trình độ công nghệ cao, sử dụng các nguồn năng lượng sạch (như điện gió, điện mặt trời…) và khuyến khích sử dụng khí biogas, chất ethanol… nhằm giảm thiểu tác hại của biến đổi khí hậu trong bối cảnh ô nhiễm môi trường hiện nay.

Hiện tại, trên địa bàn tỉnh có 6 nhà máy điện gió được phê duyệt phát triển đến năm 2020 với tổng công suất 179,7MW, 13 dự án điện gió khác đang được xem xét phê duyệt với tổng quy mô 818 MW và gần 30 dự án điện gió đã trình bổ sung Quy hoạch với tổng công suất xấp xỉ 3.200MW. Bên cạnh đó, tỉnh đã trình bổ sung Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 một Trung tâm điện khí LNG với công suất 4.800MW.

Các mục tiêu trong giai đoạn 2021 - 2025

Đồng chí Trần Ngọc Tam, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Bến Tre cho rằng, căn cứ tình hình phát triển công nghiệp thời gian qua và dự báo tiềm năng phát triển trong thời gian tới, Bến Tre xác định các ngành công nghiệp trọng điểm là ngành sản xuất chế biến dừa, chế biến thuỷ sản, công nghiệp hỗ trợ và năng lượng tái tạo.

Theo đó, phấn đấu thực hiện giá trị sản xuất công nghiệp- tiểu thủ công nghiệp đến năm 2025 đạt 75.000 tỷ đồng, giai đoạn 2021 - 2025 tăng trưởng bình quân 16,75%/năm. Phát triển được 2.000MW điện tái tạo; triển khai đầu tư dự án Điện khí hóa lỏng tại huyện Thạnh Phú và Ba Tri; hạ tầng lưới điện truyền tải đảm bảo giải phóng công suất kịp thời các dự án năng lượng tái tạo trên địa bàn.

Tỉnh cũng phấn đấu thực hiện kim ngạch xuất khẩu đến năm 2025 đạt 2.500 triệu USD; giai đoạn 2021 - 2025 tăng trưởng bình quân 15,81%/năm, trong đó: kim ngạch xuất khẩu các sản phẩm CN - TTCN tăng trưởng bình quân 16,97%/năm. Phát triển thêm khoảng 5.000doanh nghiệp mới, trong đó có khoảng 400 doanh nghiệp sản xuất công nghiệp. Kéo giảm tỷ lệ doanh nghiệp quy mô nhỏ, siêu nhỏ đến năm 2025 còn khoảng 75% số lượng doanh nghiệp đang hoạt động; hình thành các nhóm doanh nghiệp dẫn đầu trong các lĩnh vực, sản phẩm như: chế biến các sản phẩm từ dừa, thủy sản, cây ăn trái, giống, công nghiệp phụ trợ, dịch vụ du lịch, dịch vụ logistic.

Nhiệm vụ trọng tâm mang tính đột phá trong thời gian tới là tăng cường thu hút đầu tư, phát triển hạ tầng, trọng tâm là xây dựng hạ tầng các khu công nghiệp, cụm công nghiệp đã quy hoạch. Các dự án sản xuất ưu tiên dự án sử dụng công nghệ hiện đại, tạo ra giá trị tăng và đóng góp ngân sách cao, công nghiệp chế biến gắn với vùng nguyên liệu; hạn chế tối đa những dự án nhỏ có nguy cơ ô nhiễm môi trường, sử dụng nhiều đất đai, mạnh dạn thu hồi chứng nhận đầu tư đối với các dự án chậm triển khai.

Cũng theo đồng chí Trần Ngọc Tam, công tác hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp sẽ được tỉnh đặc biệt quan tâm, cùng với đó là hoạt động khuyến công, xúc tiến thương mại cũng được tập trung thực hiện với nhiều chương trình trọng tâm, trọng điểm, thiết thực và hiệu quả, nhằm tăng cường việc làm cho hơn lao động; thúc đẩy các doanh nghiệp quan tâm hơn về nhãn hiệu hàng hóa, cải tiến mẫu mã, chất lượng sản phẩm theo yêu cầu thị trường, đầu tư mở rộng quy mô và ứng dụng công nghệ tiên tiến vào sản xuất,…tăng năng lực cạnh tranh của sản phẩm, nhất là các sản phẩm công nghiệp chủ yếu của tỉnh.