Bị cạnh tranh gay gắt, Alibaba quay về “gốc rễ” thương mại điện tử


Bị các đối thủ mới nổi “hoành hành”, Alibaba quyết định quay trở về tập trung đẩy mạnh “cội nguồn” thương mại điện tử, với chiến lược khai thác những nhà sáng tạo nội dung và cung cấp ưu đãi giá rẻ.

Taobao của Alibaba bắt đầu phát sóng hàng loạt đoạn livestream bán hàng
Taobao của Alibaba bắt đầu phát sóng hàng loạt đoạn livestream bán hàng

Sau một thời gian khá im ắng, những ngày gần đây, ứng dụng thương mại điện tử (TMĐT) Taobao của Alibaba bắt đầu phát sóng hàng loạt đoạn livestream bán hàng trên khắp Trung Quốc. Đây là một phần thuộc nền tảng mới mà Taobao vừa ra mắt trong tháng 7, cho phép người sáng tạo nội dung bán hàng và kiếm tiền thông qua livestream và các nội dung khác.

Trong cuộc họp ngày 10/8, Trudy Dai, CEO của Taobao Tmall Commerce Group, khẳng định họ sẽ tiếp tục đầu tư phát triển nội dung xoay quanh mua sắm, tiêu dùng và cuộc sống hằng ngày.

Có thể hiểu chiến lược này là nhằm đáp lại sự nổi lên nhanh chóng của hai ứng dụng Douyin và Xiaohongshu ở Trung Quốc. Đây là hai ứng dụng tương tự TikTok và Instagram trên toàn cầu. Những app này tận dụng khả năng tương tác của người dùng để bành trướng sang TMĐT và các dịch vụ khác chuyên phục vụ người tiêu dùng trẻ tuổi.

Thống kê từ Moonfox Datach thấy người dùng sử dụng Douyin trung bình 133 phút mỗi ngày. Trong khi đó số liệu của Taobao thấp hơn rất nhiều, chỉ là 28 phút. Vậy nên Taobao hy vọng chiến lược nội dung sẽ giúp người dùng nhớ đến họ ngay cả khi không cần mua sắm, từ đó củng cố lợi thế cạnh tranh.

Không chỉ vậy, Alibaba còn tập trung vào chiến lược giá rẻ, mở hẳn một phần mới trên app Taobao chuyên dành riêng cho các sản phẩm có giá dưới 1 NDT hoặc được giảm giá mạnh.

Những động thái này diễn ra khi kinh tế Trung quốc đang không phát triển như kỳ vọng. Trước tình hình thị trường như thế, các nhà bán lẻ đang tăng cường giảm giá, đặc biệt là hàng hóa dùng lâu bền, với hy vọng kích thích nhu cầu mua sắm.

Trong ngành TMĐT, các nền tảng liên tục tung ra các đợt giảm giá, dù không nhằm bất kỳ sự kiện nào. Chẳng hạn JD.com, một đối thủ của Taobao, cũng quay lại với chiến lược giảm giá kể từ tháng 3.

Taobao vẫn đang nỗ lực tìm kiếm các đối tác mới có thể hỗ trợ họ trong chiến lược giá rẻ. Họ thu hút được thêm 5,12 triệu nhà bán trong năm vừa qua, đa số là các doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Dai cho biết số lượng người dùng trung bình của Taobao tăng ít nhất 6% trong quý 2 và hơn 7% trong tháng 7.

Hồi cuối tháng 5, trong cuộc họp lãnh đạo Taobao Tmall Commerce Group, Jack Ma, người đồng sáng lập Alibaba, đã kêu gọi tập đoàn nên tập trung trở lại vào phát triển Taobao, người dùng và internet. Ông cũng cảnh báo với hai ví dụ rằng Nokia và Kodak, những công ty từng dẫn đầu ngành của họ, sụp đổ chỉ trong vòng một năm.

Quý từ tháng 4 đến tháng 6 năm 2022 là lần đầu tiên Alibaba ghi nhận doanh thu sụt giảm kể từ khi lên sàn chứng khoán Mỹ vào năm 2014.

Tuy nhiên đến quý 2 năm nay, doanh thu của họ tăng 14% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt mức 234,1 tỷ NDT. Alibaba muốn tận dụng sự phục hồi này để phát triển toàn diện tập đoàn. Họ chia tập đoàn ra làm sáu nhóm, với mục tiêu là mỗi nhóm, ngoại trừ bộ phận TMĐT, đều phải cố gắng gây quỹ và IPO.

Ngoài TMĐT, Alibaba đang cố gắng quay trở lại gốc rễ theo nhiều cách khác nhau. Chẳng hạn khi ông Daniel Zhang, chủ tịch kiêm CEO Alibaba, từ chức vào ngày 10/9 tới đây, thì hai nhân vật thay thế ông là Joseph Tsai và Eddie Wu. Cả hai đều là người đồng sáng lập Alibaba, và Tsai vẫn giữ quan hệ rất tốt với Jack Ma.

Mặc dù nỗ lực chuyển hướng để phát triển, thế nhưng có thể những cố gắng của Alibaba sẽ gặp phải nhiều khó khăn, đặc biệt khi chính phủ Trung Quốc ngày càng siết chặt các quy định. Ngày 2/8/2023, giới chức nước này công bố kế hoạch hạn chế quyền truy cập internet đối với trẻ vị thành niên.

Trong những năm qua, các quy định chặt chẽ của chính quyền Trung Quốc được cho là rào cản rất lớn đối với các công ty công nghệ. Lực lượng lao động của Alibaba giảm 7% trong năm nay, chỉ còn khoảng 228.000 nhân viên tính đến cuối tháng 6.

NHƯ VẬY LÀ

Mỗi một công ty lớn đều có một “gốc rễ”, một “DNA” của mình. Đó là lĩnh vực đã tạo nên sự lớn mạnh của công ty. Lịch sử thương trường cho thấy, khi gặp khó khăn, rất nhiều các công ty quay về “vun đắp” lại “gốc rễ” của mình và vượt được khó. Microsoft quay về mảng phần mềm doanh nghiệp lớn và trở thành công ty trị giá cao bậc nhất thế giới. Lego quay về những miếng gạch và thoát khỏi phá sản. Và bây giờ đến lượt Alibaba.

Theo Quân Bảo/Diendandoanhnghiep.vn