Bình Phước phát huy tiềm năng kinh tế trang trại
Với lợi thế về quỹ đất, đặc điểm thổ nhưỡng và tiểu vùng khí hậu phù hợp với cây trồng, chủ yếu là cây lâu năm, lại có nguồn nhân công giá rẻ nên Bình Phước có nhiều lợi thế để phát triển kinh tế trang trại.
Hiện toàn tỉnh Bình Phước có trên 1 nghìn trang trại, trong đó bao gồm trang trại trồng trọt, trang trại chăn nuôi, trang trại kinh doanh tổng hợp…, các trang trại chủ yếu tập trung nhiều ở huyện Hớn Quản, Chơn Thành, Đồng Phú, Lộc Ninh và Bù Đăng. Tổng diện tích đất các trang trại đang sử dụng ở Bình Phước là trên 17 nghìn ha.
Các trang trại ở Bình Phương cho thấy hiệu quả sản xuất tăng đáng kể. Đặc biệt tính chuyên môn hóa trong sản xuất kinh tế trang trại ngày càng được nâng lên. Thời gian qua, các ngành chức năng tỉnh Bình Phước đã có nhiều giải pháp hỗ trợ để kinh tế trang trại ở tỉnh này phát triển. Hầu hết các chủ trang trại được hưởng chính sách hỗ trợ tín dụng phục vụ nông nghiệp, nông thôn.
Bình Phước cũng đẩy nhanh tiến độ giấy chứng nhận kinh tế trang trại. Điều này giúp cho các chủ trang trại có điều kiện huy động nguồn vốn để đầu tư phát triển sản xuất và thuận lợi hơn trong quá trình tiêu thụ sản phẩm. Đồng thời, tỉnh đã đầu tư xây dựng, sửa chữa, nâng cấp đưa vào vận hành nhiều công trình thủy lợi phục vụ nông nghiệp.
Hằng năm, tỉnh đã quan tâm tổ chức hội chợ trái cây và hàng nông sản kết hợp quảng bá các sản phẩm nông nghiệp; trình diễn những tiến bộ khoa học - kỹ thuật được áp dụng trong nông nghiệp, ngư nghiệp để hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất; quảng bá, tư vấn, giới thiệu tạo mối liên kết giữa các doanh nghiệp và nông dân nhằm tìm đầu ra cho nông sản.
Thông qua các hội chợ đã tạo điều kiện cho nông dân gặp gỡ, giao lưu trực tiếp với người tiêu dùng, các nhà khoa học, doanh nghiệp để trao đổi thông tin, tiếp cận thành tựu khoa học công nghệ mới; tăng cường xúc tiến thương mại trong lĩnh vực nông nghiệp, khai thác mọi nguồn lực để hỗ trợ kinh tế nông nghiệp, nông thôn của tỉnh phát triển bền vững.
Các trang trại đã tạo việc làm cho hàng chục nghìn lao động, với mức thu nhập ổn định. Hiện nay, nhiều trang trại trên địa bàn tỉnh Bình Phước đã đầu tư phát triển theo hướng bền vững. Kinh tế trang trại ở Bình Phước đã đóng góp đáng kể vào tăng trưởng kinh tế của địa phương, góp phần tích cực vào chuyển dịch cơ cấu cây trồng và vật nuôi, tạo việc làm, góp phần xoá đói giảm nghèo. Quan trọng hơn, kinh tế trang trại đã mở ra hướng làm ăn mới, hình thành đội ngũ nông dân năng động, dám nghĩ, dám làm. Nếu tổ chức tốt thì trong thời gian tới, kinh tế trang trại sẽ là nguồn thu tương đối lớn của tỉnh.
Để định hướng cho phát triển kinh tế trang trại trong thời gian tới, Bình Phước đưa ra nhiều giải pháp như xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng nâng cao kiến thức khoa học - kỹ thuật, quản lý, nhất là kiến thức tiếp thị, hạch toán kinh tế cho các chủ trang trại. Bên cạnh đó, việc duy trì và tổ chức sinh hoạt định kỳ Câu lạc bộ trang trại để cung cấp thông tin thị trường, mở rộng cơ hội tiếp cận tiến bộ khoa học kỹ thuật cho các chủ trang trại cũng rất cần thiết. Ngoài ra, tỉnh Bình Phước cũng đưa ra chính sách khuyến khích các doanh nghiệp ký hợp đồng tiêu thụ sản phẩm với trang trại theo Quyết định 80 của Thủ tướng Chính phủ, để việc liên kết “bốn nhà” có hiệu quả.