Bộ Tài chính đề xuất đưa hai ngân hàng chính sách vào phạm vi điều chỉnh của Luật
Tại Phiên họp thứ 23 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi), Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi cho biết, Bộ Tài chính đã đề xuất nghiên cứu đưa quy định về Ngân hàng Chính sách xã hội và Ngân hàng Phát triển Việt Nam vào phạm vi điều chỉnh của Luật.
Theo Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi, hai tổ chức tài chính này đã thực hiện một số hoạt động như là các tổ chức tín dụng, ngân hàng thương mại, vì vậy, cần đưa ra quy định có tính nguyên tắc để xử lý các vấn đề thuộc hoạt động của hai ngân hàng này.
Góp ý về một số nội dung khác của dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi), Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi cho biết, về xử lý tài sản đảm bảo thông qua nội luật hóa một số nội dung của Nghị quyết số 42/2017/QH14, cơ quan soạn thảo đã đưa ra quy định về ưu tiên thanh toán, thuế. Bộ Tài chính đã kiến nghị tính toán thật kỹ, ưu tiên thanh toán cho tổ chức tín dụng trước, phân biệt rõ các loại thuế để có phương án sắp xếp giải quyết phù hợp.
Liên quan đến nội dung quy định về các khoản vay đặc biệt của các tổ chức tín dụng, Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi nêu rõ, dự thảo luật hiện tại chưa thể hiện rõ nguyên tắc, do đó cần đưa các quy định mang tính ổn định, tính nguyên tắc ở các nghị định về doanh thu, chi phí, trích lập dự phòng rủi ro, lỗ lãi, chế độ kế toán, kiểm toán vào luật, để đảm bảo tính đặc thù hoạt động của các tổ chức tín dụng.
Đối với quy định về các khoản vay đặc biệt của các tổ chức tín dụng, Bộ Tài chính đồng tình với nhiều vấn đề trong báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế. Về nội dung liên quan giữa các hoạt động của tổ chức tín dụng, ngân hàng thương mại với thị trường chứng khoán, bảo hiểm, Bộ Tài chính đề nghị Ngân hàng Nhà nước có những quy định cụ thể, hợp lý, đảm bảo quản lý được vấn đề này, đặc biệt là phải thống nhất với Luật Chứng khoán, Luật Kinh doanh bảo hiểm.
Đáng chú ý, Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi nhấn mạnh, Bộ Tài chính đề nghị Ngân hàng Nhà nước nghiên cứu, thiết kế các quy định điều chỉnh việc các ngân hàng kết hợp cùng lĩnh vực bảo hiểm, để đảm bảo các hoạt động của các tổ chức tín dụng, các doanh nghiệp bảo hiểm được an toàn, minh bạch. Bộ Tài chính sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Ngân hàng Nhà nước để hoàn thiện dự án Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi).
Trong báo cáo thẩm tra của Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho hay, một số ý kiến cho rằng, nhiều nội dung quy định điều chỉnh hoạt động của hai ngân hàng chính sách vượt quá thẩm quyền quyết định của Chính phủ, cần phải được luật hóa, bổ sung thêm tại Luật Các tổ chức tín dụng để bảo đảm căn cứ pháp lý khi triển khai thực hiện.
Bên cạnh đó, cũng có ý kiến cho rằng, nên giao Chính phủ xây dựng cơ chế riêng, đặc thù đối với Ngân hàng Chính sách xã hội, phù hợp với đối tượng là hộ nghèo, đối tượng chính sách, vùng sâu, vùng xa.
Bày tỏ đồng tình với nhiều ý kiến tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ ghi nhận nhiều nội dung phát biểu xác đáng làm cơ sở để các cơ quan nghiên cứu tiếp thu hoàn thiện hồ sơ dự án luật và báo cáo thẩm tra.
Về phạm vi điều chỉnh, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ Luật Các tổ chức tín dụng nên có chương riêng để quy định về Ngân hàng Chính sách xã hội và Ngân hàng Phát triển Việt Nam để luật hóa quy định trong nghị định để xác định địa vị pháp lý, bảo đảm công khai, minh bạch, tạo điều kiện thuận lợi cho tái cơ cấu phát triển các ngân hàng này. Với vị trí vai trò của mình, Ngân hàng Chính sách xã hội và Ngân hàng Phát triển xứng đáng có một chương trong luật.
Phát biểu kết luận nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn nêu rõ, qua thảo luận Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá cao, trách nhiệm của Chính phủ trong quá trình xây dựng dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi); tán thành với nhiều nội dung trong báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế.
Để đảm bảo đủ điều kiện trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị Chính phủ tích cực tiếp thu tối đa ý kiến của Chủ tịch Quốc hội, Phó Chủ tịch Quốc hội, các thành viên của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, ý kiến thẩm tra sơ bộ của Ủy ban Kinh tế để hoàn thiện hồ sơ dự án luật.