Bộ Tài chính đề xuất mở rộng đối tượng, thời gian gia hạn nộp thuế và tiền thuê đất


Bộ Tài chính vừa có tờ trình Chính phủ về tình hình triển khai thực hiện Nghị định số 41/2020/NĐ-CP ngày 8/4/2020 về gia hạn thời hạn nộp thuế, tiền thuê đất và đề xuất điều chỉnh thời gian, bổ sung đối tượng gia hạn.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Đã gia hạn 66.713 tỷ đồng tiền thuế và tiền thuê đất

Thực hiện Nghị định số 41/2020/NĐ-CP ngày 8/4/2020 về gia hạn thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất, đến ngày 22/9/2020, số tiền thuế và tiền thuê đất được gia hạn là 66.713 tỷ đồng. Chính sách này đã góp phần tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, hộ gia đình kinh doanh, hoàn thành mục tiêu kép vừa phòng chống dịch, vừa phát triển kinh tế. 

Tuy nhiên, theo Bộ Tài chính, hiệu quả của chính sách giãn, hoãn thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất bị hạn chế do tác động của dịch bệnh khiến doanh thu sụt giảm nghiêm trọng, số thuế phát sinh thấp. Nhiều doanh nghiệp, hộ kinh doanh không có doanh thu để nộp thuế và hưởng lợi từ chính sách.

Theo tính toán của Bộ Tài chính, tổng hợp gia hạn thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất theo đề xuất thì dự kiến tổng số thuế được gia hạn khoảng 36.000 tỷ đồng.

Thêm vào đó, tại thời điểm xây dựng và ban hành chính sách thì chưa có thông tin đầy đủ về tác động của dịch bệnh và không dự báo hết được diễn biến khó lường, phức tạp của dịch bệnh (làn sóng dịch bệnh thứ hai diễn ra trên thế giới và phát sinh trở lại tại Việt Nam vào tháng 7), dẫn đến chính sách hỗ trợ chưa bao quát hết các đối tượng gặp khó khăn, thời gian gia hạn ngắn so với diễn biến của dịch bệnh nên chưa thực sự giải quyết căn bản những nội dung cần tháo gỡ.

Luật Quản lý thuế quy định, Chính phủ gia hạn nộp thuế không dẫn đến điều chỉnh dự toán thu ngân sách nhà nước đã được Quốc hội quyết định. Do đó, chính sách gia hạn tại Nghị định số 41/2020/NĐ-CP phải đảm bảo phù hợp trong phạm vi thẩm quyền của Chính phủ đã được quy định tại Luật nên thời gian gia hạn phải thuộc năm ngân sách 2020, chưa đáp ứng được nguyện vọng, mong muốn của cộng đồng doanh nghiệp, người nộp thuế.

Tiếp tục mở rộng đối tượng và thời gian gia hạn

Để phát huy những kết quả đã đạt được và khắc phục những hạn chế gặp phải, trên cơ sở kiến nghị của các cơ quan, tổ chức và doanh nghiệp, Bộ Tài chính trình Chính phủ cho phép mở rộng đối tượng và thời hạn thực hiện chính sách gia hạn nộp thuế và tiền thuê đất để tiếp tục tháo gỡ khó khăn, duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh, góp phần hồi phục nền kinh tế.

Theo đó, Bộ Tài chính đề xuất bổ sung đối tượng được gia hạn nộp thuế và tiền thuê đất đối với tổ chức, doanh nghiệp, hộ gia đình, cá nhân hoạt động sản xuất, kinh doanh trong các lĩnh vực: Hoạt động xuất bản; Hoạt động điện ảnh, sản xuất chương trình truyền hình, ghi âm và xuất bản âm nhạc; Hoạt động phát thanh, truyền hình; Lập trình máy vi tính, dịch vụ tư vấn và các hoạt động khác liên quan đến máy vi tính; Hoạt động dịch vụ thông tin.

Các khoản thu được gia hạn gồm: Thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp và tiền thuê đất như quy định tại Nghị định số 41/2020/NĐ-CP. Trong đó, gia hạn thời hạn nộp thuế đối với số thuế giá trị gia tăng phát sinh phải nộp của kỳ tính thuế tháng 10, tháng 11 năm 2020 (đối với trường hợp kê khai thuế giá trị gia tăng theo tháng) và kỳ tính thuế quý 3 năm 2020 (đối với trường hợp kê khai thuế giá trị gia tăng theo quý); Gia hạn nộp thuế đối với số thuế TNDN tạm nộp của quý 3 năm 2020; Gia hạn thời hạn nộp tiền thuê đất đối với số tiền thuê đất phải nộp kỳ thứ hai năm 2020 chậm nhất là ngày 30/12/2020.

Theo tính toán của Bộ Tài chính, tổng hợp gia hạn thời hạn nộp thuế đối với 3 sắc thuế, khoản thu nêu trên thì dự kiến tổng số thuế được gia hạn khoảng 36.000 tỷ đồng. Thời gian gia hạn đối với các kỳ tính thuế từ nay đến cuối năm 2020 ít nhất là được 1 tháng, nhiều nhất là được 2 tháng. Thực hiện theo phương án này không làm giảm số thu ngân sách trong năm 2020. Tuy nhiên, việc dồn vào thời điểm cuối năm người nộp thuế phải nộp số thuế lớn sẽ dẫn đến khó thu, nếu không thu được sẽ thành nợ đọng gây rủi ro trong quản lý và điều hành thu ngân sách.

Ảnh hưởng của dịch covid-19 tác động tiêu cực đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp qua đó sẽ ảnh hưởng đến nguồn thu ngân sách nhà nước; trong khi ngân sách vẫn phải đảm bảo nhu cầu chi cho các hoạt động thường xuyên, đảm bảo nguồn vốn cho đầu tư phát triển và đặc biệt là việc tăng nhu cầu chi về an sinh xã hội, chi cho công tác phòng chống dịch bệnh.

Vì vậy, trong thời gian tới, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục theo dõi sát tình hình thực tế, tổng hợp các kiến nghị của cơ quan, tổ chức và doanh nghiệp để nghiên cứu, rà soát đánh giá tổng thể, đề xuất giải pháp, báo cáo cơ quan có thẩm quyền xem xét, quyết định nhằm tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh và hỗ trợ thị trường.