Bộ Tài chính: Đến năm 2021 nâng chỉ số giao dịch thương mại qua biên giới từ 10 – 15 bậc


Ngày 27/5/2019, Bộ Tài chính vừa ban hành kế hoạch triển khai các giải pháp nâng cao xếp hạng chỉ số Giao dịch thương mại qua biên giới của Việt Nam giai đoạn 2019 - 2021.

Ảnh minh họa. Nguồn: interrnet
Ảnh minh họa. Nguồn: interrnet

Theo kế hoạch của Bộ Tài chính, kể từ năm 2019, sẽ phấn đấu nâng xếp hạng chỉ số Giao dịch thương mại qua biên giới tăng từ 3 – 5 bậc so với năm 2018, đến năm 2021 tăng từ 10 – 15 bậc.

Theo đó, để đạt được mục tiêu trên cần có sự tham gia tích cực của các cơ quan liên quan gồm: Bộ Tài chính (cơ quan Hải quan); Các cơ quan quản lý, kiểm tra chuyên ngành; Các Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố; Cộng đồng doanh nghiệp xuất nhập khẩu, doanh nghiệp kinh doanh kho bãi cảng, doanh nghiệp vận tải, logistic...

Bên cạnh đó, Bộ Tài chính cũng đưa ra các nhóm nhiệm vụ chủ yếu đối với các Bộ, ngành, đơn vị, doanh nghiệp như sau:

Một là, nâng cao hiệu quả hoạt động của cơ quan Hải quan, trong đó, thực hiện hoàn thiện hệ thống các văn bản quy định chi tiết Luật Hải quan, Luật Thuế xuất khẩu, nhập khẩu, Luật Quản lý thuế. Đẩy mạnh triển khai thanh toán điện tử; mở rộng số lượng ngân hàng tham gia phối hợp thu thuế điện tử 24/7; nâng cấp hệ thống nộp thuế điện tử nhằm hỗ trợ tối đa người nộp thuế...

Hai là, triển khai các giải pháp nhằm nâng hạng chỉ số Giao dịch thương mại qua biên giới (cụ thể là các giải pháp giảm thời gian, chi phí thực hiện thủ tục quản lý, kiểm tra chuyên ngành; giảm thời gian, chi phí thực hiện thủ tục hải quan; giảm thời gian, chi phí thực hiện thủ tục với công ty kinh doanh cảng, kho, bãi, hãng tày, giao thông vận tải ...).

Ba là, theo dõi, chỉ đạo các sở ban ngành, Ủy ban nhân dân cấp huyện đảm bảo thực thi đầy đủ các quy định về cắt giảm danh mục mặt hàng và cải cách thủ tục hành chính về kiểm tra chuyên ngành.

Bốn là, kiến nghị và phối hợp với các Bộ, ngành liên quan thực hiện nâng cấp hệ thống hạ tầng giao thông quanh các cảng biển, cảng hàng không, cửa khẩu đường bộ quốc tế, thực hiện kết nối với các trung tâm logistics. Đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại cho dịch vụ logistics tăng cường hợp tác quốc tế và phát triển dịch vụ logistics xuyên biến giới, trước hết là thị trường các nước làng giềng và ASEAN…