Bộ Tài chính làm tốt công tác tiếp dân, giải quyết dứt điểm các vụ việc khiếu nại, tố cáo
Lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ, Bộ Tài chính đã chỉ đạo các đơn vị trong ngành Tài chính làm tốt công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, đối thoại với người dân, doanh nghiệp để giải quyết dứt điểm các vụ việc phức tạp, không để tồn đọng, kéo dài.
Không để đơn thư tồn đọng
Bộ Tài chính là bộ đa ngành, đa lĩnh vực, trong đó có nhiều lĩnh vực liên
quan trực tiếp đến quyền và nghĩa vụ của công dân, nên việc phát sinh khiếu nại, tố cáo là điều khó tránh khỏi. Nhận thức được điều này, Bộ Tài chính và các đơn vị thuộc Bộ đã giao cho cơ quan thanh tra và cơ quan kiểm tra nội bộ làm đầu mối tiếp công dân, tiếp nhận đơn thư và tham mưu giúp bộ và thủ trưởng đơn vị giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của công dân.
Để công tác này phát huy hiệu quả, Bộ Tài chính đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ đẩy mạnh tuyên truyền, bồi dưỡng kiến thức pháp luật nói chung và pháp luật về khiếu nại, tố cáo nói riêng. Đồng thời, có biện pháp cụ thể nhằm nâng cao hiệu quả và tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong công tác tiếp công dân, xử lý đơn thư và giải quyết khiếu nại, tố cáo; chủ động xử lý và hạn chế thấp nhất các trường hợp khiếu nại, tố cáo đông người, khiếu nại vượt cấp; giải quyết dứt điểm các vụ việc khiếu nại, tố cáo tồn đọng, kéo dài.
Các đơn vị thuộc Bộ Tài chính đã tăng cường bồi dưỡng, cập nhật văn bản quy phạm pháp luật mới ban hành, trong đó chú trọng Luật Thanh tra năm 2022 và các nghị định hướng dẫn. Đồng thời, tập huấn nghiệp vụ cho cán bộ công chức, nhất là đối với cán bộ công chức làm công tác tiếp công dân, giải quyết đơn thư khiếu nại tố cáo, nhằm đào tạo, nâng cao trình độ, kiến thức và nhận thức về quan điểm cơ bản của Đảng, Nhà nước và các quy định hiện hành đối với công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo.
Cùng với đó, các đơn vị thực hiện niêm yết công khai nội quy, lịch tiếp công dân đúng quy định; bố trí cán bộ tiếp công dân có năng lực, phẩm chất đạo đức, am hiểu chuyên môn và pháp luật; đơn thư khiếu nại, tố cáo, phản ánh, kiến nghị đều được xử lý theo đúng trình tự thủ tục và quy định của pháp luật về tiếp nhận, phân loại, xử lý đơn thư, vào sổ theo dõi, lưu trữ đơn thư, phân cấp giải quyết…
Nhờ đó, công tác tiếp công dân và giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo ngành Tài chính ngày càng đi vào nề nếp. Theo thống kê, quý I/2024, Bộ Tài chính đã tổ chức tiếp công dân tại trụ sở 134 lượt với 248 người đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh.
Công dân đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh tại trụ sở cơ quan Bộ Tài chính và các đơn vị thuộc Bộ Tài chính đều được tiếp đón, hướng dẫn tận tình, chu đáo và xem xét giải quyết theo đúng quy định của pháp luật. Các đơn khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của công dân gửi đến Bộ Tài chính và các đơn vị thuộc Bộ đều được theo dõi tập trung và xem xét xử lý dứt điểm, không để đơn thư tồn đọng, kéo dài.
Giải quyết kịp thời ngay từ khi mới phát sinh
Để công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo ngày càng hiệu quả, Bộ Tài chính tiếp tục chỉ đạo các đơn vị đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo cho cán bộ công chức và công dân. Nội dung tuyên truyền phải cụ thể, ngắn gọn, dễ hiểu; ngoài việc giải thích, phân tích cho người dân hiểu các quy định về quyền, nghĩa vụ, trình tự giải quyết, cần hướng dẫn, làm rõ thẩm quyền giải quyết, các hành vi nghiêm cấm, các trường hợp khiếu nại, tố cáo không xem xét, thụ lý giải quyết.
Các đơn vị cũng cần chú trọng đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ, năng lực cho đội ngũ cán bộ, công chức, nhất là những người trực tiếp làm công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo. Đồng thời, tăng cường thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo đối với cấp dưới; kiểm tra cụ thể các vụ việc khiếu nại, tố cáo đơn vị đã thụ lý.
Đặc biệt, Bộ Tài chính yêu cầu các đơn vị giải quyết kịp thời, đúng pháp luật, phù hợp thực tế đối với các vụ việc khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền ngay từ khi mới phát sinh tại cơ sở, thực hiện tốt các quyết định giải quyết khiếu nại, quyết định xử lý tố cáo đã có hiệu lực pháp luật.
Song song với các nội dung trên, Bộ Tài chính tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện thể chế, chính sách; đa dạng hóa sản phẩm, đa dạng hóa cơ sở nhà đầu tư, nhất là nhà đầu tư tổ chức, nhà đầu tư chuyên nghiệp; nâng cấp hạ tầng công nghệ thông tin và dữ liệu, trình Chính phủ ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung các nghị định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm… kịp thời đưa ra các giải pháp để thị trường trái phiếu doanh nghiệp, thị trường bảo hiểm phát triển lành mạnh.
Được biết, Bộ Tài chính đã và đang tiếp tục theo dõi, làm việc trực tiếp với các doanh nghiệp có trái phiếu đến hạn lớn và nhóm các doanh nghiệp có khó khăn trong thanh toán nợ trái phiếu doanh nghiệp đến hạn; yêu cầu các doanh nghiệp ưu tiên mọi nguồn lực, có trách nhiệm đến cùng về việc thanh toán đầy đủ nghĩa vụ trái phiếu theo hợp đồng đã ký kết và đảm bảo an ninh trật tự; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm trên thị trường chứng khoán, thị trường trái phiếu, trường hợp cần thiết chuyển cơ quan điều tra để xử lý theo quy định của pháp luật.