Bộ Tài chính thông tin về chính sách thuế giá trị gia tăng và thuế thu nhập doanh nghiệp

Thùy Linh

Bộ Tài chính vừa có phản hồi liên quan đến chính sách thuế giá trị gia tăng (GTGT) và thu nhập doanh nghiệp (TNDN) đối với cơ quan báo chí.

Bộ Tài chính vừa có phản hồi liên quan đến chính sách thuế giá trị gia tăng và thu nhập doanh nghiệp đối với cơ quan báo chí.
Bộ Tài chính vừa có phản hồi liên quan đến chính sách thuế giá trị gia tăng và thu nhập doanh nghiệp đối với cơ quan báo chí.

Trong thời gian vừa qua, Bộ Tài chính nhận được thông tin phản ánh từ một số cơ quan báo chí về việc ban hành Thông tư số 19/2023/TT-BTC ngày 03/4/2023 bãi bỏ Thông tư số 150/2010/TT-BTC ngày 27/9/2010 của Bộ Tài chính hướng dẫn về thuế GTGT và thuế TNDN đối với các cơ quan báo chí, gây khó khăn cho cơ quan báo chí.

Thông tin về vấn đề này, Bộ Tài chính cho biết, căn cứ Luật Thuế GTGT số 13/2008/QH12, Luật Thuế TNDN số 14/2008/QH12; Nghị định số 43/2006/NĐ-CP của Chính phủ quy định quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ tổ chức bộ máy, biên chế và tài chính đối với đơn vị sự nghiệp công lập (SNCL), Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 150/2010/TT-BTC hướng dẫn về thuế GTGT và thuế TNDN đối với các cơ quan báo chí.

Tuy nhiên, ngày 21/6/2021, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 60/2021/NĐ-CP (có hiệu lực từ ngày 15/8/2021) quy định cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị SNCL, trong đó bổ sung nhiều quy định mới về cơ chế tài chính. Theo đó, Nghị định số 60/2021/NĐ-CP quy định, kể từ thời điểm thực hiện chế độ tiền lương mới theo Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 21/5/2018 của Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương, thì đơn vị SNCL tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư (nhóm 1) và đơn vị SNCL tự bảo đảm chi thường xuyên (nhóm 2) được trả lương theo kết quả hoạt động như doanh nghiệp.

Còn đơn vị tự đảm bảo một phần chi thường xuyên (nhóm 3), đơn vị do NSNN đảm bảo chi thường xuyên (nhóm 4) chi trả tiền lương theo vị trí việc làm, chức danh, chức vụ và các khoản đóng góp theo tiền lương theo quy định của Nhà nước đối với đơn vị SNCL; chi tiền công theo hợp đồng, vụ việc (nếu có).

Trong thời gian Chính phủ chưa ban hành chế độ tiền lương theo Nghị quyết số 27-NQ/TW, thì đơn vị SNCL chi trả tiền lương theo ngạch, bậc, chức vụ, các khoản đóng góp theo lương và các khoản phụ cấp do Nhà nước quy định đối với đơn vị SNCL; chi tiền công theo hợp đồng, vụ việc (nếu có).

Mặt khác, ngày 19/6/2013, Quốc hội ban hành Luật Thuế GTGT số 31/2013/QH13 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế GTGT số 13/2008/QH12 và Luật thuế TNDN số 32/2013/QH13 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế TNDN số 14/2008/QH12. Theo đó, quy định tại Thông tư số 150/2010/TT-BTC không còn phù hợp với quy định của các Luật thuế GTGT, thuế TNDN hiện hành.

Bộ Tài chính cho biết, căn cứ quy định về quy trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, ngày 15/11/2022, Bộ Tài chính đã có Công văn số 11892/BTC-CST gửi xin ý kiến các bộ, ngành có liên quan, UBND các địa phương, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam về dự thảo thông tư bãi bỏ Thông tư số 150/2010/TT-BTC. Dự thảo này cũng đồng thời được đăng tải trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Tài chính và Cổng thông tin điện tử Chính phủ để lấy ý kiến tổ chức, cá nhân theo quy định.

Ngày 3/4/2023, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 19/2023/TT-BTC bãi bỏ Thông tư số 150/2010/TT-BTC.

Thực hiện Nghị quyết số 116/NQ-CP ngày 5/9/2022 Nghị quyết của Chính phủ về phương án phân loại tự chủ tài chính của đơn vị SNCL trong năm 2022, hiện nay Bộ Tài chính đang tiếp tục lấy ý kiến các đơn vị liên quan để rà soát, sửa đổi bổ sung quy định tại Nghị định số 60/2021/NĐ-CP.

Bộ Tài chính rất mong nhận được ý kiến đóng góp của các bộ, ngành, địa phương, đặc biệt là các cơ quan báo chí trong quá trình xây dựng dự thảo nghị định, trong đó có ý kiến về cơ chế tiền lương theo cơ chế như doanh nghiệp phù hợp với Nghị quyết số 27-NQ/TW về cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp để trình Chính phủ ban hành dự kiến trong tháng 12/2023.