Ngành Tài chính cải cách, hiện đại hóa mọi quy trình, thủ tục hành chính
Cải cách, hiện đại hóa quy trình, thủ tục hành chính nhất là những thủ tục hành chính liên quan trực tiếp đến người dân, doanh nghiệp được Bộ Tài chính xác định là một trong những nội dung trọng tâm trong công tác cải cách hành chính. Theo đó, Bộ Tài chính tiếp tục đẩy mạnh thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường điện tử để người dân và doanh nghiệp có thể thực hiện dịch vụ mọi lúc, mọi nơi, trên các phương tiện khác nhau.
Cải cách thủ tục liên quan trực tiếp đến người dân, doanh nghiệp
Chú trọng công tác cải cách hành chính, ngay từ cuối năm 2021, Bộ Tài chính đã khẩn trương ban hành Kế hoạch cải cách hành chính năm 2022 của Bộ. Tính đến ngày 28/02/2022, Bộ Tài chính đã triển khai thực hiện 117/159 nhiệm vụ trong công tác cải cách hành chính và kiểm soát thủ tục hành chính.
Trong cải cách thủ tục hành chính, Bộ Tài chính chú trọng đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính liên quan trực tiếp đến người dân, doanh nghiệp; thủ tục hành chính nội bộ giữa cơ quan hành chính nhà nước.
Đồng thời, tập trung rà soát, cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện kinh doanh, thành phần hồ sơ và tối ưu hóa quy trình giải quyết thủ tục hành chính, số hóa kết quả giải quyết thủ tục hành chính trên cơ sở ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin; đổi mới và nâng cao hiệu quả thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính.
Đến hết tháng 2/2022, tổng số thủ tục hành chính thuộc lĩnh vực quản lý của Bộ Tài chính là 876 thủ tục. Tổng số dịch vụ công trực tuyến thực tế triển khai là 868 thủ tục. Trong đó, số dịch vụ công trực tuyến mức độ 1 là 91 (10,48%); số dịch vụ công trực tuyến mức độ 2 là 258 (29,73%); số dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 là 78 (8,98%); số dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 là 441 (50,81%). Tổng số dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 là 519 (59,79%).
Bộ Tài chính tiếp tục vận hành Bộ phận Một cửa của Bộ ổn định, hiệu quả. Tính từ đầu năm hết tháng 2/2022, Bộ Tài chính đã tiếp nhận 138 hồ sơ, trong đó đã trả kết quả 70 hồ sơ và đang giải quyết trọng hạn 68 hồ sơ và không có hồ sơ quá hạn.
Nội dung trọng tâm trong các kế hoạch cải cách hành chính
Không chỉ trong năm 2022, công tác cải cách thủ tục hành chính luôn được Bộ Tài chính đề ra trong các kế hoạch cải cách hành chính dài hạn của Bộ. Giai đoạn 2021-2025, Bộ Tài chính đặt mục tiêu 100% thủ tục hành chính tại cơ quan Bộ Tài chính đủ điều kiện theo quy định của pháp luật được cung cấp dưới hình thức dịch vụ công trực tuyến mức độ 4; 100% dịch vụ công trực tuyến tại cơ quan Bộ Tài chính được thiết kế, thiết kế lại nhằm tối ưu hóa trải nghiệm người dùng, khi sử dụng được điền sẵn dữ liệu mà người dùng đã cung cấp trước đó theo thỏa thuận, phù hợp với tiêu chuẩn chất lượng; 100% giao dịch trên Cổng Dịch vụ công và Hệ thống thông tin một cửa điện tử của Bộ Tài chính được xác thực điện tử, ngoại trừ các dịch vụ yêu cầu sự hiện diện bắt buộc theo quy định của pháp luật.
Bộ Tài chính cũng đặt mục tiêu Cổng Dịch vụ công và Hệ thống thông tin một cửa điện tử Bộ Tài chính được kết nối, chia sẻ dữ liệu với Cổng Dịch vụ công quốc gia; 100% dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 phổ biến, liên quan tới nhiều người dân, doanh nghiệp của cơ quan Bộ Tài chính được tích hợp lên Cổng Dịch vụ công quốc gia; tối thiểu 80% hồ sơ thủ tục hành chính tại cơ quan Bộ Tài chính được xử lý hoàn toàn trực tuyến.
Đặc biệt, Bộ Tài chính cũng phấn đấu tối thiểu 90% người dân và doanh nghiệp hài lòng về việc giải quyết thủ tục hành chính của cơ quan Bộ Tài chính; các hệ thống thông tin của Bộ Tài chính có liên quan đến người dân, doanh nghiệp đã đưa vào vận hành, khai thác được kết nối, liên thông qua nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu; thông tin của người dân, doanh nghiệp đã được số hóa và lưu trữ tại các cơ sở dữ liệu quốc gia không phải cung cấp lại...
Để công tác cải cách thủ tục hành chính tiếp tục mang lại hiệu quả, Bộ Tài chính xác định cần tăng cường việc ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết thủ tục hành chính; đổi mới phương thức làm việc, thúc đẩy việc thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường điện tử.
Đồng thời, đẩy mạnh phân cấp trong giải quyết thủ tục hành chính trong lĩnh vực tài chính theo hướng cấp nào sát cơ sở, sát nhân dân nhất thì giao cho cấp đó giải quyết, đảm bảo nguyên tắc quản lý ngành, lãnh thổ, không để tình trạng nhiều tầng nấc, kéo dài thời gian giải quyết và gây nhũng nhiễu, tiêu cực, phiền hà cho người dân, doanh nghiệp.
Có thể thấy, cải cách thủ tục hành chính luôn được Bộ Tài chính chú trọng thực hiện quyết liệt, là nhiệm vụ thường xuyên, liên tục trong hoạt động. Việc cải cách hiện đại hóa quy trình, thủ tục hành chính sẽ tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân, doanh nghiệp, tổ chức thực hiện các cơ chế, chính sách liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh và đời sống thuộc phạm vi quản lý của Bộ Tài chính.