Các chuyên gia đã từng cảnh báo gì về condotel?
Condotel hiện đã và đang nở rộ trên khắp các tỉnh, thành cả nước với hàng trăm dự án giúp khách hàng được sở hữu phong cách sống mới, cao cấp hơn. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia đã cảnh báo rằng quảng cáo về loại hình condotel có thể sẽ khiến người mua nhà rơi vào bẫy của chủ đầu tư.
Với mức cam kết lợi nhuận dao động ở mức 8 - 12%/năm trong vòng 5 - 10 năm, condotel đã hút lượng khách hàng khủng và trở thành phân khúc hot nhất trong dòng bất động sản nghỉ dưỡng. Tuy nhiên, sau quãng thời gian phát triển rầm rộ khắp cả nước, các dự án condotel đang dần bộc lộ nhiều bất cập, vướng mắc, nhiều khách hàng đã rơi vào tình trạng "tiến thoái lưỡng nan" khi một số chủ đầu tư không bảo đảm cam kết lợi nhuận.
Trường hợp mới đây nhất là chủ đầu tư dự án Cocobay Đà Nẵng (CTCP Đầu tư phát triển và Xây dựng Thành Đô) cho biết, việc kinh doanh loại hình condotel thời gian qua gặp nhiều khó khăn do tính pháp lý chưa được hoàn thiện, thủ tục tại địa phương có nhiều vướng mắc đã làm ảnh hưởng đến hoạt động khai thác vận hành của dự án. Do vậy, công ty này đã thông báo chấm dứt chi trả lãi suất 12%/năm từ ngày 1/1/2020 cho khách hàng đã lỡ mua condotel ở dự án này bất chấp hợp đồng đã cam kết.
Trong quá khứ, không ít chuyên gia bất động sản đã đưa ra khuyến cáo về tính rủi ro khi đầu tư vào loại hình condotel nhưng dường như nhà đầu tư vẫn "bỏ ngoài tai" vì điều khoản "lợi nhuận cam kết" lên tới 12% như dự án Cocobay Đà Nẵng nói trên.
Chuyên gia kinh tế Vũ Tú Thành từng cảnh báo rằng, mối quan hệ giữa chủ đầu tư, bộ ngành quản lý chưa rõ ràng, người đầu tư không được đảm bảo quyền lợi. Nhiều dự án chủ đầu tư condotel vẫn đang lợi dụng sự non nớt, thiếu hiểu biết của khách hàng tại Việt Nam.
“Nhà đầu tư cần minh bạch thông tin hơn với khách hàng chứ không phải cách làm ăn chộp giật như hiện nay”, ông Thành cảnh báo.
Ông Ngô Văn Giang - Phó Giám đốc Trung tâm bồi dưỡng cán bộ kinh tế - kế hoạch (Bộ KH&ĐT) cũng từng cảnh báo rằng condotel là xu hướng đầu tư giúp khách hàng được sở hữu phong cách sống mới, cao cấp hơn nhưng tồn tại khá nhiều bất cập. Đặc biệt, khách hàng cần cẩn trọng để không vướng bẫy quảng cáo của nhà đầu tư. Nhà đầu tư cam kết mua condotel có sổ hồng nhưng hiện nay chưa có quy định pháp luật nào cho phép cấp sổ hồng cho condotel. Không có sổ hồng, khách hàng sẽ khó chuyển nhượng hay thế chấp condotel.
Cùng quan điểm, ông Nguyễn Hoàng Hà, Trưởng ban Tổng hợp (Viện Chiến lược phát triển - Bộ KH&ĐT) cho rằng, condotel tiềm ẩn nhiều rủi ro. Đã có rất nhiều nhà đầu tư thua lỗ khi rót tiền do nhu cầu thuê condotel không cao như dự kiến.
Còn theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP.HCM (HoREA) thì cho rằng, condotel còn tiềm ẩn rủi ro về pháp lý bởi chưa có đơn vị việc kiểm soát giao dịch giữa chủ đầu tư và người mua. Từ đó tiềm ẩn nguy cơ rửa tiền và trốn thuế. Khung pháp lý về sở hữu, đánh thuế còn nhiều khoảng trống dễ dẫn đến khiếu kiện giữa các bên.
Cách đây không lâu, tại một hội nghị về bất động sản, CEO DKRA Việt Nam Phạm Lâm cũng cho biết, condotel dường như đang là "game" của các chủ đầu tư, khi đua nhau cam kết tỉ suất lợi nhuận 10-15%. Thậm chí để thu hút, các chủ đầu tư cũng không ngần ngại nhìn sang đối thủ để đưa ra cam kết lợi nhuận hấp dẫn hơn.
"Một chủ đầu tư tiết lộ với tôi rằng trên thị trường ai cũng cam kết lợi nhuận nếu mình đầu tư bài bản, chắc chắn, nên không cam kết lợi nhuận thì lại lo sợ, nên nhiều khi phải điều chỉnh theo", CEO Phạm Lâm nói.
Tuy nhiên, theo chuyên gia này, đây là một "game" không dễ chơi. Bởi nếu không chuyên nghiệp, bền vững và có kế hoạch kinh doanh không chắc chắn sẽ dễ "game over".