Các quan chức Fed bị chia rẽ về quan điểm lạm phát và bất ổn tài chính
Triển vọng lạm phát và sự ổn định tài chính trong tương lai đang nổi lên như những mối lo ngại kéo dài trong cuộc tranh luận tại ngân hàng trung ương Mỹ về tốc độ tăng lãi suất trong tương lai.
Đó là một sự thay đổi lớn so với những năm trước đây, khi mà tỷ lệ thất nghiệp cao đứng đầu danh sách quan ngại của Fed về nền kinh tế Mỹ. Nhưng hiện tỷ lệ thất nghiệp ở Mỹ đã giảm xuống mức 4,3%, hầu hết các quan chức của Fed hiện tin tưởng rằng gần như tất cả những người Mỹ muốn làm việc đều có thể có được.
Đó là lý do chính khiến Fed đưa ra quyết định tăng lãi suất cho vay qua đêm lần thứ hai trong năm nay, mặc dù lạm phát đang có dấu hiệu chậm lại trong những tháng gần đây và ngày càng rời xa mục tiêu 2% của Fed. Vì lẽ đó quyết định của Fed đã gây bất ngờ cho các kỳ vọng dựa trên lịch sử và lý thuyết.
Chủ tịch Fed Janet Yellen bày tỏ niềm tin rằng lạm phát cuối cùng sẽ tăng lên, nhưng một số nhà hoạch định chính sách vẫn tỏ ra hoài nghi.
Chủ tịch Fed Chicago ông Charles Evans, quan chức Fed đầu tiên lên tiếng sau cuộc họp chính sách tuần trước, hôm thứ Ba đã bày tỏ lo lắng về vấn đề này khi nói rằng ông lo ngại rằng lạm phát lạm phát gần đây là dấu hiệu cho thấy ngân hàng trung ương Mỹ sẽ phải rất nỗ lực để đẩy lạm phát đạt được mục tiêu 2%.
“Tôi sẽ nói rằng những dữ liệu về lạm phát gần đây khiến cho tôi có một chút lo lắng về điều đó. Tôi nghĩ rằng thách thức sẽ lớn hơn kể từ bây giờ”, Evans nói trong một cuộc phỏng vấn với đài phát thanh CNBC.
Evans, là một quan chức của Fed có quyền bỏ phiếu quyết định lãi suất trong năm nay, nói rằng các yếu tố toàn cầu, nhưng không chỉ một lý do cụ thể nào, có thể đứng đằng sau sự giảm tốc của lạm phát trong 3 tháng qua. Ông cũng cho biết hôm thứ Hai rằng, ông ủng hộ việc chờ đợi cho đến cuối năm trước khi xem xét lần tăng lãi suất tiếp theo.
Một quan chức khác của Fed, Chủ tịch Fed Dallas Robert Kaplan cũng nói với các phóng viên sau một bài phát biểu tại Câu lạc bộ Khối thịnh vượng chung của California rằng, ông muốn chờ thêm nhiều bằng chứng cho thấy sự chậm lại của lạm phát thời gian qua chỉ là tạm thời.
Mặc dù Kaplan cho biết ông vẫn giữ một thái độ “cởi mở” về việc có thể có thêm nhiều lần tăng lãi suất nữa trong năm nay, ông cũng nhấn mạnh thêm nỗi lo: Có thể trong tâm trí của ông rằng ngay cả khi nền kinh tế Mỹ hồi phục, vẫn cần lãi suất để ở dưới 3%.
Với mức lợi suất trái phiếu Kho bạc kỳ hạn 10 năm gần 2%, ông nói, các thị trường đang dự báo tăng trưởng chậm lại trong thời gian tới, và Fed nên “cẩn thận” trong việc nâng lãi suất ngắn hạn, hiện ở mức từ 1% đến 1,25%. Kaplan, giống như Evans, là một quan chức có quyền bỏ phiếu quyết định chính sách tiền tệ trong năm nay.
Trong khi đó, hai nhà hoạch định chính sách khác của Fed, phát biểu tại một hội nghị về chính sách vĩ mô ở Amsterdam do các ngân hàng trung ương Hà Lan và Thụy Điển tổ chức, cho thấy họ không quan tâm tới việc tăng lãi suất quá nhanh hoặc quá cao so với việc giữ lãi suất quá thấp trong thời gian dài.
Chủ tịch Fed Boston Eric Rosengren nói hôm thứ Tư rằng, kỷ nguyên lãi suất thấp ở Mỹ và nhiều nơi khác trên thế giới đã đặt ra rủi ro về ổn định tài chính và các nhà quản lý ngân hàng trung ương phải lưu tâm tới những vấn đề đó trong quá trình ra quyết định.
“Hành vi tiếp cận dựa trên lợi suất có thể làm cho các nhà trung gian tài chính và nền kinh tế có nhiều rủi ro hơn”, Rosengren nói. Ông lưu ý các nhà trung gian tài chính sẽ cần phải tính đến khả năng hạ thấp hơn nữa lãi suất, đặc biệt là trong thời kỳ suy thoái kinh tế.
Trước đó, tại cuộc họp tương tự, Phó Chủ tịch Fed Stanley Fischer cũng cảnh báo rằng trong khi Mỹ và các nước khác đã thực hiện các bước để làm cho hệ thống tài chính nhà ở của mình mạnh hơn, việc lãi suất thấp được duy trì trong một thời gian dài đã đẩy tăng giá nhà, và đó là tiền thân của khủng hoảng tài chính.
Tuy nhiên cả Rosengren lẫn Fischer đều không đề cập đến triển vọng kinh tế hay chính sách tiền tệ hiện tại của Mỹ trong các bài phát biểu của mình.