Các ứng cử viên nên vận động bầu cử tại hội nghị tiếp xúc cử tri

PV.

Theo ông Nguyễn Văn Pha, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, người ứng cử nên tận dụng tối đa việc vận động bầu cử tại hội nghị tiếp xúc cử tri, vì tại hội nghị tiếp xúc cử tri chỉ có khoảng 20% cử tri đến dự, nên hình thức vận động thông qua phương tiện thông tin đại chúng cũng rất quan trọng.

Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Nguyễn Văn Pha phát biểu tại buổi làm việc với Ủy ban bầu cử đại biểu HĐND quận 11, TP Hồ Chí Minh, ngày 23/4.
Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Nguyễn Văn Pha phát biểu tại buổi làm việc với Ủy ban bầu cử đại biểu HĐND quận 11, TP Hồ Chí Minh, ngày 23/4.

Các ứng cử viên đều bình đẳng dù họ ở cương vị nào

Ông Pha cho rằng, trong quá trình vận động bầu cử, các ứng cử viên đều bình đẳng, cho dù họ là lãnh đạo Trung ương hay chỉ là người ở cơ sở.

Sau hội nghị hiệp thương lần 3, Hội đồng bầu cử Quốc gia sẽ công bố danh sách chính thức người ứng cử đại biểu Quốc hội, Ủy ban bầu cử các cấp sẽ công bố danh sách chính thức người ứng cử đại biểu HĐND. Từ lúc danh sách này được công bố, các ứng viên có thể vận động bầu cử.

Tuy nhiên, các ứng cử viên nên tận dụng tối đa việc vận động bầu cử tại hội nghị tiếp xúc cử tri. Theo Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân, có hai hình thức vận động bầu cử, đó là thông qua hội nghị tiếp xúc cử tri nơi mình ứng cử và qua các phương tiện thông tin đại chúng. Với cả hai hình thức vận động này, người ứng cử sẽ trình bày chương trình hành động của mình nếu trúng cử trước cử tri, đồng thời sẽ có sự đối thoại giữa người ứng cử và cử tri.

“Người ứng cử dù là lãnh đạo Trung ương hay người ứng cử là người ở cơ sở thì đều bình đẳng về thời gian, tư cách khi trình bày chương trình hành động tại hội nghị tiếp xúc cử tri; bình đẳng khi đưa thời lượng lên các phương tiện thông tin đại chúng”, ông Pha nói.

Dẫn chứng cụ thể hơn, ông Pha nêu ví dụ, trong đơn vị vận động bầu cử đại biểu Quốc hội có 5 người ứng cử, bao gồm 1 bộ trưởng, 1 giám đốc sở, 1giáo viên, 1 bộ đội, 1 cán bộ cơ sở. Thông thường tâm lý của người tổ chức bao giờ cũng ưu ái, đồng chí lãnh đạo Trung ương sẽ được ưu tiên phát biểu trước, thậm chí phát biểu dài. Vì vậy, Ủy ban mặt trận các cấp phải hướng dẫn làm sao để đảm bảo sự bình đẳng giữa các ứng cử viên.

“Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân không quy định vận động bầu cử phải theo thứ tự A, B, C (chỉ quy định danh sách trong phiếu bầu cử theo thứ tự A,B,C), nhưng nếu địa phương nào tổ chức được theo thứ tự này thì chúng tôi hoan nghênh”, ông Pha cho biết.

Luật bầu cử hiện không cấm vận động bầu cử qua mạng xã hội, nhưng người ứng cử nên cân nhắc vì việc vận động qua trang mạng xã hội sẽ khó có hiệu quả vì thực tế việc vận động chỉ là ở địa phương nơi mình ứng cử.

Tại buổi làm việc với Ủy ban bầu cử đại biểu HĐND quận 11, TP. Hồ Chí Minh, ông Nguyễn Văn Pha, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cũng lưu ý, cần quan tâm đến thái độ và ý thức của cử tri trong vấn đề bầu cử, để tránh hình thức, cần tìm hiểu rõ hơn nữa về ý kiến cử tri trong các hội nghị tiếp xúc cử tri. Bởi có tình trạng ở một số địa phương, có những hội nghị tiếp xúc cử tri có rất ít ý kiến phát biểu.

Hiện nay, có hai hình thức vận động bầu cử. Thứ nhất là thông qua hội nghị tiếp xúc cử tri do Mặt trận tổ chức, thứ hai vận động qua các phương tiện truyền thông.

Tuy nhiên cũng theo Phó Chủ tịch Nguyễn Văn Pha, vấn đề cần lưu tâm là sau hội nghị cử tri, nội dung của cuộc tiếp xúc này có được người đi dự nói lại cho người không được dự, vì không phải cử tri nào cũng được mời tại hội nghị tiếp xúc cử tri, trong khi đó mỗi địa phương chỉ có khoảng 10- 15% cử tri được mời dự trực tiếp các hội nghị tiếp xúc cử tri.

“Để đảm bảo tính công bằng cho cả người ứng cử và cử tri, nên chăng, địa phương tiếp tục tuyên truyền bằng những hình thức sáng tạo đưa chương trình hành động của người ứng cử lên các phương tiện truyền thanh của quận, phường để tất cả cử tri hiểu thêm về người ứng cử”, Phó Chủ tịch Nguyễn Văn Pha nhấn mạnh.

Không được hứa những điều không làm được

Lưu ý với các ứng cử viên, ông Nguyễn Văn Pha nhấn mạnh, người ứng cử cần đặc biệt lưu ý, không được hứa những điều mình không làm được. “Lời hứa tốt nhất là hứa phải thường xuyên tiếp xúc, lắng nghe ý kiến của cử tri và nhân dân nơi mình ứng cử, mọi vấn đề bức xúc của địa phương phải được phản ánh trung thực tới các cơ quan có thẩm quyền”, ông Pha khẳng định.

Hiện nay, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc các cấp đã có hướng dẫn và khuyến nghị với người ứng cử về cách thức vận động bầu cử. Tuy nhiên, để cử tri hiểu rõ và ủng hộ thì người ứng cử cần nắm vững quy định của pháp luật về quyền và nghĩa vụ của người ứng cử, của công dân, đặc biệt nắm vững quy định về vận động bầu cử. Người ứng cử phải dành thời gian thích đáng tìm hiểu kỹ địa phương nơi mình ứng cử, đặc biệt với người ứng cử đại biểu Quốc hội lần đầu.

“Trong cuộc bầu cử này thuận lợi hơn bao giờ hết, hầu như tỉnh nào, thậm chí các huyện đều có website. Trước mỗi cuộc tiếp xúc cử tri, lãnh đạo các tỉnh bao giờ cũng có cuộc họp với những người ứng cử, lãnh đạo tỉnh sẽ khái quát nhất về tình hình kinh tế - xã hội, dân cư, địa lý của địa phương. Người ứng cử cần nắm rõ những điều này để làm sao khi về trình bày chương trình hành động người dân cảm giác như anh đã hiểu người ta rồi, như đã sống ở đây rồi”, ông Pha nói./.