Các yếu tố ảnh hưởng đến hiệu quả chuyển đổi số trong doanh nghiệp nhỏ và vừa
Chuyển đổi số giúp các doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) hội nhập chuỗi giá trị toàn cầu, từ đó giúp nhóm doanh nghiệp phát triển và đóng góp vào sự phát triển chung của cả nước. Bài viết này kết hợp mô hình mức độ phù hợp – khả năng duy trì, học thuyết thể chế và quan điểm về nguồn lực để xây dựng mô hình các yếu tố ảnh hưởng đến hiệu quả chuyển đổi số trong doanh nghiệp nhỏ và vừa. Đây là khung phân tích tiền đề để cộng đồng học thuật và DN áp dụng, phát triển thêm.

Giới thiệu
Chuyển đổi số là chìa khóa giúp các DNNVV hội nhập quốc tế để phát triển bền vững và nâng cao đóng góp cho cộng đồng với chi phí thấp (OECD, 2017). Nhận thức được tầm quan trọng của vấn đề, nhiều nghiên cứu thực nghiệm đã tìm hiểu các yếu tố thúc đẩy hiệu quả chuyển đổi số trong doanh nghiệp vừa và nhỏ. Tuy vậy, những nghiên cứu đi trước còn ít đề cập tới những yếu tố bên ngoài doanh nghiệp (Tarutė, et al., 2018), đồng thời chủ yếu dựa trên thực tiễn thay vì nền tảng lý thuyết.
Bài viết xây dựng mô hình lý thuyết các yếu tố ảnh hưởng đến hiệu quả chuyển đổi số trong DNNVV, bao gồm cả yếu tố bên ngoài và bên trong DN. Những nghiên cứu tương lai có thể áp dụng mô hình đề xuất này để phân tích định tính hoặc định lượng, đồng thời, các DN cũng có thể ứng dụng mô hình để tìm ra những yếu tố thuận lợi và khó khăn ảnh hưởng đến quá trình chuyển đổi số, từ đó xây dựng giải pháp và phương hướng triển khai phù hợp hơn.
Cơ sở lý thuyết
Mỗi tổ chức và quốc gia lại có những tiêu chí khác nhau để phân loại DN theo quy mô. Tiêu chí phổ biến nhất là số lượng lao động, sau đó là doanh thu và tài sản (Gonzales và cộng sự, 2014). OECD (2023) định nghĩa DNNVV là DN có tổng số lao động dưới 250 người. Tuy vậy, ở những quốc gia có thu nhập thấp hơn, ngưỡng phân loại có thể được giảm xuống 200, 100 hay thậm chí là 50 (Gonzales và cộng sự, 2014).
Ví dụ, tại Việt Nam, DN được phân loại theo số lượng lao động và tổng nguồn vốn hoặc doanh thu. Cụ thể, DNNVV phải, có số lao động tham gia bảo hiểm xã hội bình quân năm từ 200 người trở xuống; Có tổng nguồn vốn không quá 100 tỷ đồng hoặc tổng doanh thu năm gần nhất không quá 300 tỉ đồng (Quốc hội Việt Nam, 2017).
DNNVV sở hữu vị trí then chốt trong nền kinh tế toàn cầu, chiếm khoảng 90% hoạt động kinh doanh và hơn 50% lượng việc làm trên toàn thế giới (World Bank). Nhóm DN này góp phần quan trọng trong việc giải quyết các vấn đề cấp quốc gia như tạo việc làm, tăng trưởng kinh tế, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, phát triển sinh kế cộng đồng bền vững, thu hẹp khoảng cách giàu nghèo, bảo vệ môi trường... (OECD, 2017).
Theo OECD (2017), chuyển đổi số là chìa khóa để nâng cao khả năng này ở mức chi phí tương đối thấp, nhưng hiện tại nhiều DN còn chưa bắt đầu công cuộc này hoặc tiến hành chậm chạp.
Chuyển đổi số trong doanh nghiệp nhỏ và vừa
Định nghĩa chuyển đổi số
Chuyển đổi số là quá trình áp dụng các công nghệ số để tối ưu hóa việc sử dụng nguồn lực và quy trình vận hành nhằm đáp ứng nhu cầu khách hàng (Nadkarni và Prügl, 2020). Quá trình này giúp chuyển đổi mô hình kinh doanh truyền thống thành mô hình kinh doanh số bằng cách thay đổi tương tác giữa khách hàng, doanh nghiệp và nhà cung ứng một cách đáng kể và toàn diện (Nadkarni và Prügl, 2020; Feliciano-Cestero, et al., 2023).
Quy trình chuyển đổi căn bản số có bốn giai đoạn chính: (1) Hoạch định, (2) Triển khai, (3) Tăng tốc, (4) Đánh giá (Nadkarni và Prügl, 2020).
Vai trò của chuyển đổi số
Chuyển đổi số giúp tăng hiệu suất, khả năng vận hành linh hoạt, tối ưu hóa quy trình và nguồn lực, tạo ra những giá trị đổi mới sáng tạo cũng như đáp ứng nhu cầu thị trường kịp thời (Queiroz, et al., 2020). Bên cạnh đó, chuyển đổi số giúp DN có thêm cơ hội thiết lập các mối quan hệ hợp tác toàn cầu, hội nhập mạng lưới kinh doanh, công nghệ và tri thức, tiếp cận thị trường mới, phát triển phương thức cung cấp giá trị mới, tham gia chuỗi giá trị toàn cầu... (Nambisan và cộng sự, 2019).
Đã có nhiều nghiên cứu về đề tài này, tuy vậy, vẫn tồn tại một số khoảng trống nghiên cứu. Thứ nhất, các yếu tố bên ngoài và ảnh hưởng của chúng chưa nhận được nhiều sự quan tâm (Tarutė và cộng sự, 2018). Thứ hai, các nghiên cứu đi trước chủ yếu dựa trên quan sát, kinh nghiệm thực tế hoặc nghiên cứu điển hình để đề xuất các yếu tố ảnh hưởng mà không dựa trên một lý thuyết cụ thể.
Nền tảng lý thuyết
Nghiên cứu kết hợp mô hình mức độ phù hợp – khả năng duy trì (Fit - Viability Model – FVM), học thuyết thể chế và quan điểm về nguồn lực (Resource-Based View – RBV). Mô hình FVM cho rằng, sự phù hợp giữa yêu cầu của nhiệm vụ và năng lực cá nhân sẽ dẫn tới hiệu quả hoạt động tốt hơn, đồng thời DN cần sẵn sàng áp dụng công nghệ một cách hiệu quả (Liang và cộng sự, 2007). Nhìn chung, nhiệm vụ của mọi DN là tăng năng suất và lợi nhuận. Theo học thuyết thể chế, hiệu quả hoạt động của DN chịu tác động từ các áp lực bên ngoài, bao gồm áp lực cưỡng chế (VD: chính sách nhà nước), áp lực quy phạm (VD: kỳ vọng xã hội) và áp lực mô phỏng (VD: thông lệ của ngành) (DiMaggio và Powell, 1983). Do đó, quá trình chuyển đổi số cần phải phù hợp với môi trường bên ngoài, từ đó có khả năng đáp ứng mục tiêu của DN và nâng cao hiệu quả chuyển đổi số. Khả năng duy trì có thể được phân tích cụ thể hơn dựa trên lý thuyết RBV.
Mô hình và giả thuyết nghiên cứu đề xuất
Quy định pháp lý
Chuyển đổi số có thể được thúc đẩy nhanh chóng nhờ những quy định chính sách cập nhật, phù hợp, nhưng cũng có thể bị trì hoãn bởi những ràng buộc về pháp lý (Mukherjee, 2018; Pamula, 2020). Để có thể chuyển đổi số thuận lợi và hiệu quả, DN cần đảm bảo quá trình này diễn ra phù hợp với khuôn khổ pháp lý và tận dụng những hỗ trợ chính sách liên quan.
Xu thế chung của ngành
Theo học thuyết thể chế, các thông lệ và xu hướng trong ngành tác động tới hiệu quả hoạt động của DN. DNNVV thường hoạt động trong môi trường có tính cạnh tranh cao, đòi hỏi họ phải bắt kịp với xu thế của ngành. DN có thể rút kinh nghiệm từ những trường hợp tiên phong, trao đổi, học hỏi lẫn nhau để tìm ra các thông lệ tốt nhất trong ngành (Krüger và Teuteberg, 2016).
Kỳ vọng của khách hàng
Kỳ vọng của khách hàng là một trong những động lực chính thúc đẩy quá trình chuyển đổi số trong DN (Abed, 2020). Dựa trên nhu cầu và mong muốn của khách hàng, DN có thể nhận diện những điểm cần chú trọng trong quá trình chuyển đổi số để phân bổ nguồn lực phù hợp, từ đó đạt được thành công (Vogelsang và cộng sự, 2018). Điều này đặc biệt quan trọng đối với những DNNVV với hạn chế về nguồn lực. Thêm vào đó, nhiều nghiên cứu chỉ ra vai trò đồng sáng tạo của khách hàng trong quá trình hoạch định chiến lược và vận hành DN (Zhou, et al., 2014; Guinan, et al., 2019).
Nhóm yếu tố về khả năng duy trì dựa trên nguồn lực nội bộ
Tài chính
DN cần có nguồn vốn đủ để phát triển và duy trì công nghệ, thiết bị và hệ thống mới (Liang, et al., 2007). Bên cạnh các khoản đầu tư vào công nghệ, chi phí chuyển đổi số còn bao gồm chi phí đào tạo nhân lực, chi phí cơ hội khi thay đổi mô hình kinh doanh truyền thống... Theo Pamula (2020), thiếu hụt tài chính là một rào cản lớn đối với các DNNVV trong quá trình chuyển đổi số. Để khắc phục vấn đề này, DN có thể bắt đầu ở quy mô nhỏ để thử nghiệm với chi phí thấp, hợp tác với đối tác bên ngoài hoặc cùng chia sẻ các nguồn lực công nghệ thông tin tiêu chuẩn (Benitez, et al., 2020; Tóth, et al., 2020).
Hạ tầng công nghệ số
Hạ tầng công nghệ số là điều kiện tiên quyết để DN chuyển đổi số thành công. Nếu thiếu các công cụ và hệ thống công nghệ thông tin cần thiết, DN sẽ không thể số hóa hay chuyển đổi số (Benitez, et al., 2020). DNNVV có thể tận dụng hạ tầng công nghệ sẵn có trong ngành để giảm chi phí nghiên cứu và phát triển. Tuy vậy, cần tích hợp chúng một cách có chọn lọc, sao cho phù hợp với hạ tầng hiện tại của công ty, đồng thời đảm bảo những công cụ, hệ thống số này vận hành ăn khớp với nhau (Dörr, et al., 2023). Vogelsang và cộng sự (2018) đưa ra những đặc điểm cần có của hệ thống công nghệ thông tin tại DN: đáng tin cậy, linh hoạt, chính xác, bảo mật, toàn vẹn, dễ dàng truy cập và cung cấp thông tin theo thời gian thực. DN cần thường xuyên kiểm tra, đánh giá và nâng cấp hạ tầng công nghệ số để quá trình chuyển đổi số diễn ra thuận lợi và hiệu quả.
Nhân lực số
Nhân lực là tài sản quý giá nhất của bất kỳ DN nào. Vì chuyển đổi số không đơn thuần là áp dụng công nghệ số mà là thay đổi cả mô hình kinh doanh, thậm chí là văn hóa doanh nghiệp (Vogelsang, et al., 2018), toàn bộ nhân viên công ty cần có đủ năng lực để thích nghi với môi trường làm việc mới, cũng như chia sẻ chung tầm nhìn chiến lược của DN. Về phía đội ngũ quản lý, cần tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình đào tạo, khuyến khích các sáng kiến đổi mới, tinh thần tự chủ của nhân viên (Vogelsang, et al., 2018; Dörr, et al., 2023). Sau cùng, nguồn lực tài chính và hạ tầng công nghệ số đều do con người sử dụng, bởi vậy nhân lực số là yếu tố không thể thiếu nếu DN muốn chuyển đổi số thành công.
Mô hình tổng quan
Hình 1: Mô hình các yếu tố ảnh hưởng đến hiệu quả chuyển đổi số trong doanh nghiệp nhỏ và vừa
Nguồn: Tác giả đề xuất
H1. Mức độ phù hợp với quy định pháp lý ảnh hưởng đến hiệu quả chuyển đổi số trong DNNVV.
H2. Mức độ phù hợp với xu thế chung của ngành ảnh hưởng đến hiệu quả chuyển đổi số trong DNNVV.
H3. Mức độ phù hợp với kỳ vọng của khách hàng ảnh hưởng đến hiệu quả chuyển đổi số trong DNNVV.
H4. Nguồn lực tài chính ảnh hưởng đến hiệu quả chuyển đổi số trong DNNVV.
H5. Hạ tầng công nghệ số ảnh hưởng đến hiệu quả chuyển đổi số trong DNNVV.
H6. Nhân lực số ảnh hưởng đến hiệu quả chuyển đổi số trong DNNVV.
Kết luận và khuyến nghị
Bài viết này kết hợp các lý thuyết phổ biến về DN nhằm cung cấp nền tảng lý thuyết vững chắc hơn để xác định và phân tích những yếu tố ảnh hưởng. Dựa trên mô hình mức độ phù hợp – khả năng duy trì, học thuyết thể chế và quan điểm về nguồn lực, có thể chia những yếu tố này thành hai nhóm: mức độ phù hợp với môi trường bên ngoài và khả năng duy trì dựa trên nguồn lực nội bộ. Tuy chỉ dừng lại ở bước xây dựng mô hình lý thuyết, nghiên cứu có đóng góp về cả phương diện học thuật và thực tiễn. Về mặt học thuật, nghiên cứu tổng hợp những lý thuyết phổ biến, đồng thời xây dựng mô hình cơ sở tiềm năng để các nghiên cứu khác tham khảo trong tương lai. Về mặt thực tiễn, DNNVV có thể dựa vào khung phân tích này để đánh giá thực trạng các yếu tố cũng như tình hình chuyển đổi số hiện tại, từ đó tập trung tận dụng những thuận lợi và khắc phục các bất lợi còn tồn đọng.
Tài liệu tham khảo:
- Abed, S. S., 2020. Social commerce adoption using TOE framework: An empirical investigation of Saudi Arabian SMEs. International Journal of Information Management, Volume 53;
- Barney, J., 1991. Firm Resources and Sustained Competitive Advantage. Journal of Management, 17(1), pp. 99-120;
- Benitez, G. B., Ayala, N. F. & Frank, A. G., 2020. Industry 4.0 innovation ecosystems: An evolutionary perspective on value cocreation. International Journal of Production Economics, Volume 228;
- Dörr, L. et al., 2023. A Taxonomy on Influencing Factors Towards Digital Transformation in SMEs. Journal of Small Business Strategy, 33(1), pp. 53-69;