Các yếu tố ảnh hưởng đến ý định tham gia nền kinh tế tuần hoàn của doanh nghiệp vừa và nhỏ tại TP. Hà Nội

TS. Nguyễn Danh Nam – Trường Đại học Thành Đông Đỗ Thị Tuệ Minh – Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội

Nghiên cứu này khám phá các yếu tố ảnh hưởng đến ý định tham gia vào nền kinh tế tuần hoàn của các doanh nghiệp nhỏ và vừa tại TP. Hà Nội trên cơ sở kế thừa và phát triển mô hình Lý thuyết ý định hành vi. Dựa vào kết quả phân tích, một số hàm ý quản trị được đề xuất nhằm thúc đẩy ý định tham gia nền kinh tế tuần hoàn của các doanh nghiệp nhỏ và vừa tại TP. Hà Nội trong thời gian tới.

Đặt vấn đề

Quá trình phát triển nhanh chóng của các quốc gia trên thế giới đã gây ra những hệ quả nghiêm trọng, đe doạ đối với môi trường sống như: ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu, khai thác cạn kiệt nguồn tài nguyên thiên nhiên, suy giảm đa dạng sinh học và đặc biệt là sự bùng nổ dân số (George và cộng sự, 2015). Trong bối cảnh đó, sự phát triển của nền kinh tế tuần hoàn là giải pháp quan trọng để giải quyết các vấn đề trong nền kinh tế truyền thống. Khái niệm nền kinh tế tuần hoàn được hiểu là sự kết hợp hài hoà giữa kinh tế với việc khai thác, sử dụng tài nguyên có hiệu quả, cũng như bảo vệ môi trường và quá trình này được liên kết chặt chẽ với nhau như một vòng tròn khép kín (Geng và Doberstein, 2008).

TP. Hà Nội nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc, được đánh giá là một trong những khu vực năng động và tốc độ tăng trưởng cao nhất cả nước. Tuy nhiên, các ngành sản xuất của Thành phố đang đứng trước những thách thức không nhỏ về ô nhiễm môi trường. Hiện nay, chỉ có một số doanh nghiệp (DN) lớn như: Vingroup, Vinamilk… chuyển dịch sang hướng sản xuất của nền kinh tế tuần hoàn, trong khi đối tượng DN nhỏ vừa và vừa (DNNVV) vốn chiếm đến 97,2% tổng số DN trên địa bàn TP. Hà Nội lại chưa quan tâm đến điều này.

Bên cạnh đó, khảo sát của nhóm tác giả cũng cho thấy, các nghiên cứu về vấn đề chuyển dịch sang nền kinh tế tuần hoàn của các DNNVV trên địa bàn TP. Hà Nội là không nhiều. Do đó, việc thực hiện nghiên cứu các yếu tố ảnh hưởng đến ý định tham gia nền kinh tế tuần hoàn của các DNNVV tại Hà Nội là cần thiết, giúp nhà quản lý của các DN hiểu rõ được lợi ích của kinh tế tuần hoàn đối với mục tiêu phát triển bền vững của Việt Nam.

Xây dựng mô hình nghiên cứu

Nghiên cứu này dựa vào Lý thuyết ý định hành vi (TPB) của Ajzen (1991) được xây dựng từ lý thuyết hành vi hợp lý (TRA) của Fishbein và Ajzen (1975) để phát triển các yếu tố ảnh hưởng đến ý định tham gia vào quá trình chuyển đổi sang kinh tế tuần hoàn của các DNNVV tại TP. Hà Nội. Qua lược khảo các tài liệu liên quan tới chủ đề phát triển kinh tế tuần hoàn trong bối cảnh thực tế tại Việt Nam kết hợp với các nhận định của một số chuyên gia về ý định tham gia vào quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế tuần hoàn của các DNNVV, nhóm tác giả đã xây dựng mô hình và đề xuất các giả thuyết nghiên cứu như Hình 1 và Bảng 1.

Hình 1: Mô hình nghiên cứu đề xuất. Nguồn: Đề xuất của nhóm tác giả  
Hình 1: Mô hình nghiên cứu đề xuất. Nguồn: Đề xuất của nhóm tác giả  

Bảng 1: Giả thuyết nghiên cứu đề xuất

Nội dung các yếu tố

Giả thuyết nghiên cứu

Chuẩn chủ quan thể hiện mức độ ảnh hưởng của mọi người xung quanh đến việc đưa ra quyết định, hành vi cụ thể

H1: Chuẩn chủ quan có ảnh hưởng chiều dương đến ý định tham gia vào nền kinh tế tuần hoàn

Thái độ là tác động tích cực về mặt tình cảm đối với các quyết định, hành vi nhất định

H2: Thái độ có ảnh hưởng chiều dương đến ý định tham gia vào nền kinh tế tuần hoàn

Nhận thức kiểm soát hành vi là đánh giá chủ quan về mức độ chấp nhận của cá nhân về việc thực hiện quyết định, hành vi nào đó

H3: Nhận thức kiểm soát hành vi có ảnh hưởng chiều dương đến ý định tham gia vào nền kinh tế tuần hoàn

Nhận thức đối với môi trường là sự quan tâm đối với việc bảo vệ môi trường và tài nguyên tự nhiên

H4: Nhận thức đối với môi trường có ảnh hưởng chiều dương đến ý định tham gia vào nền kinh tế tuần hoàn

Nhận thức hình ảnh của doanh nghiệp là ý định xây dựng doanh nghiệp theo xu hướng phát triển bền vững và gây thiện cảm trong mắt khách hàng

H5: Nhận thức hình ảnh doanh nghiệp có ảnh hưởng chiều dương đến ý định tham gia vào nền kinh tế tuần hoàn

Các vấn đề liên quan đến tài chính là mức chi phí mà doanh nghiệp và khách hàng sẵn sàng chi trả để sử dụng sản phẩm, dịch vụ an toàn với môi trường

H6: Các vấn đề liên quan đến tài chính có ảnh hưởng chiều dương đến ý định tham gia vào nền kinh tế tuần hoàn

Nguồn: Đề xuất của nhóm tác giả

Nghiên cứu sử dụng phương pháp hồi quy Binary Logistics để đo lường mức độ ảnh hưởng của các yếu tố độc lập đến yếu tố phụ thuộc trong mô hình nghiên cứu. Trong đó, yếu tố phụ thuộc nhận giá trị 1 khi các DNNVV có ý định tham gia vào nền kinh tế tuần hoàn và nhận giá trị 0 khi các DNNVV không có ý định tham gia vào nền kinh tế tuần hoàn. Phương trình hồi quy Binary Logistics có dạng như sau:

LOG (P*(Y=1)/ P*(Y=0)) = a + b*X1 + c*X2 + d*X3 + e*X4 + f*X5 + g*X6

Trong đó:

Y: Yếu tố phụ thuộc trong mô hình nghiên cứu

Xi: Yếu tố độc lập trong mô hình nghiên cứu

a, b, c, d, c, f, g… là hệ số ảnh hưởng Beta

Phương pháp nghiên cứu

Thang đo chính thức được xây dựng bao gồm 7 yếu tố tương ứng với 23 biến quan sát được kế thừa từ nghiên cứu của Ajzen (1991) và ý kiến của các thành viên trong quá trình nghiên cứu định tính. Phương pháp chọn mẫu thuận tiện được sử dụng để phát 230 phiếu khảo sát dựa theo cỡ mẫu tốt nhất khi phân tích nhân tố khám phá (Hair và cộng sự, 2010) với đối tượng là các chủ DNNVV trên địa bàn TP. Hà Nội. Kết quả thu về được 219 phiếu hợp lệ, dữ liệu thu thập được phân tích bằng phần mềm SPSS26 để kiểm định các giả thuyết nghiên cứu với mức ý nghĩa 5%.

Kết quả nghiên cứu

Bảng 2: Kết quả phân tích độ tin cậy

Các yếu tố

Mã hoá

Số biến quan sát

Hệ số tương quan biến-tổng nhỏ nhất

Cronbach’s Alpha

Chuẩn chủ quan

CQ

3

0,568

0,774

Thái độ

3

0,621

0,822

Nhận thức kiểm soát hành vi

HV

3

0,559

0,807

Nhận thức đối với môi trường

MT

4

0,590

0,715

Nhận thức hình ảnh của doanh nghiệp

HA

4

0,605

0,759

Các vấn đề liên quan đến tài chính

TC

3

0,712

0,836

Ý định tham gia nền kinh tế tuần hoàn

3

0,685

0,789

Nguồn: Kết quả phân tích của nhóm tác giả

Bảng 3: Kết quả phân tích hồi quy Binary Logistics

 

B

S.E.

Wald

df

Sig.

Hằng số

3,731

0,789

8,992

1

0,000

CQ

0,493

0,054

2,307

1

0,000

0,827

0,050

3,006

1

0,011

HV

0,675

0,049

3,575

1

0,009

MT

1,360

0,055

4,139

1

0,033

HA

1,108

0,057

5,345

1

0,000

TC

1,286

0,054

3,741

1

0,027

Nguồn: Kết quả phân tích SPSS

Bảng 4: Kiểm định sự phù hợp của mô hình

 

Chi-square

df

Sig.

Step

12.700

6

0,013

Block

12.700

6

0,013

Model

12.700

6

0,013

Nguồn: Kết quả phân tích SPSS

Kết quả Bảng 2 cho thấy, hệ số tương quan biến tổng nhỏ nhất, Cronbach’s Alpha có giá trị lớn hơn 0,5 và đạt yêu cầu phân tích nhân tố khám phá (Hair và cộng sự, 2010). Kết quả phân tích nhân tố khám phá các yếu tố độc lập và yếu tố phụ thuộc cho thấy các hệ số KMO hệ số Chi-square và hệ số Sig của kiểm định Bartlett’s Test; hệ số tải nhân tố; hệ số Eigenvalue đều đạt giá trị phù hợp với quy định (Hair và cộng sự, 2010).

Ngoài ra, khi phân tích nhân tố khám phá các yếu tố độc lập đã rút ra được 6 yếu tố từ 20 biến quan sát đúng với dự đoán ban đầu với tỷ lệ 68,231%. Đồng thời, yếu tố phụ thuộc giữ nguyên 3 biến quan sát với tổng phương sai trích đạt giá trị 71,703%.

Kết quả Bảng 3 cho thấy, 6 yếu tố độc lập đều có ý nghĩa thống kê trong việc giải thích sự ảnh hưởng đến yếu tố phụ thuộc với hệ số Sig. đều nhỏ hơn 0,05. Như vậy, phương trình hồi quy Binary Logistics được viết lại như sau:

LOG (P*(Y=1)/ P*(Y=0)) = 3,731 + 1,360*MT + 1,286*TC + 1,108*HA + 0,827*TĐ + 0,675*HV + 0,493*CQ

Kết quả Bảng 4 cho thấy, hệ số Sig. đạt giá trị nhỏ hơn 0,05, đã chứng tỏ tổ hợp liên hệ tuyến tính của toàn bộ các hệ số trong mô hình đều có ý nghĩa thống kê trong việc giải thích cho yếu tố phụ thuộc và khẳng định sự phù hợp của mô hình nghiên cứu.

Kết luận và hàm ý quản trị

Nghiên cứu này tập trung khám phá các yếu tố ảnh hưởng đến ý định tham gia vào nền kinh tế tuần hoàn của các DNNVV tại TP. Hà Nội. Kết quả cho thấy, các giả thuyết nghiên cứu đều được chấp nhận và các yếu tố độc lập đều có ảnh hưởng tích cực đến yếu tố phụ thuộc, trong đó yếu tố nhận thức môi trường có ảnh hưởng mạnh nhất, tiếp đến là các yếu tố các vấn đề liên quan đến tài chính, yếu tố nhận thức hình ảnh DN, yếu tố thái độ, yếu tố nhận thức kiểm soát hành vi và yếu tố chuẩn chủ quan có ảnh hưởng yếu nhất. Từ đó, nhóm tác giả tập trung đưa ra một số hàm ý quản trị như sau:

Một là, xây dựng chiến lược truyền thông về kinh tế tuần hoàn nhằm nâng cao nghĩa vụ của DNNVV về trách nhiệm của họ đối với các sản phẩm, dịch vụ trong suốt vòng đời của chúng. Cần xây dựng kế hoạch thực hiện nền kinh tế tuần hoàn, tạo dựng văn hoá trong sản xuất, kinh doanh về tính cấp thiết phải bảo vệ môi trường và tài nguyên thiên nhiên. Cần đưa ra các chế tài tài chính rằng buộc các DNNVV phải có trách nhiệm đối với sản phẩm, dịch vụ do mình cung cấp.

Hai là, ban hành các chủ trương, chính sách thúc đẩy các DNNVV sử dụng nguyên liệu đầu vào từ các sản phẩm, dịch vụ thân thiện với môi trường. Đồng thời, hỗ trợ giá, ưu đãi thuế và các chính sách hỗ trợ khác đối với các DNNVV sử dụng và ứng dụng công nghệ tái chế vật liệu và năng lượng mới từ chất thải thoả mãn các yêu cầu về bảo vệ môi trường.

Ba là, công khai rõ ràng các DNNVV tham gia vào nền kinh tế tuần hoàn trên các phương tiện truyền thông đại chúng kết hợp với gắn nhãn mác xanh độc quyền kết hợp với tuyên truyền, khuyến khích người dân về việc nên sử dụng các sản phẩm, dịch vụ của các DNNVV trên để giảm thiểu phát thải cho môi trường.

Tài liệu tham khảo:

  1. Ajzen, I. (1991), The theory of planned behavior. Organizational Behavior and Human Decision Processes, 50(2), pp. 179-211;
  2. Fishbein, M., & Ajzen, I. (1975), Belief, Attitude, Intention, and Behavior: An Introduction to Theory and Research. Reading, MA: Addison-Wesley;
  3. Geng, Y., & Doberstein, B. (2008), Developing the circular economy in China: Challenges and opportunities for achieving ‘leapfrog development’. International Journal of Sustainable Development & World Ecology, 15(3), pp. 231-239;
  4. George. D.A.R., Lin, B.C., & Chen, Y. (2015), A circular economy model of economic growth. Environmental Modelling & Software, 73, pp. 60-63;
  5. Hair, J.F., Black, W.C., Babin, B.J., & Anderson, R.E. (2010), Multivariate Data Analysis (7th Edition). New York: Pearson.
Bài đăng trên Tạp chí Tài chính kỳ 2 tháng 7/2024