Cách nào tăng nhanh năng suất lao động?
Nhà nước, các ban, ngành đã đưa ra khá nhiều giải pháp để tăng năng suất lao động, từ đào tạo nhân lực, thay đổi chính sách cho tới áp dụng công nghệ… “Tuy nhiên tôi nghĩ việc thực thi mới quan trọng”, TS. Đặng Đức Anh - Trưởng ban Phân tích và dự báo, Trung tâm Thông tin và Dự báo Kinh tế - Xã hội quốc gia nói.
Có tăng nhưng vẫn ở mức thấp
Phóng viên: Ông đánh giá thế nào về tổng thể “bức tranh” năng suất lao động của nước ta thời gian qua?
Ông Đặng Đức Anh: Năng suất lao động nước ta đang cải thiện đáng kể. Có thể thấy rằng, khi có những chính sách đúng và tích cực dẫn đến những chuyển biến mạnh, năng suất lao động được thúc đẩy thêm rất nhiều.
Năng suất lao động của khu vực nông nghiệp vừa qua tăng rất mạnh do quá trình tái cơ cấu nông nghiệp, ảnh hưởng của biến đổi khí hậu buộc người dân phải chuyển từ trồng lúa sang cây ăn quả, thủy sản, nông nghiệp sạch. Đối với khu vực công nghiệp, nếu có thể đẩy mạnh tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước thì sẽ tăng được năng suất lao động lên nữa. Dịch vụ với các ngành như bán buôn, bán lẻ, lưu trú, lữ hành… cũng tăng trưởng rất tốt trong những năm qua.
Tuy nhiên năng suất lao động của nước ta nhìn chung vẫn ở mức thấp so với các nước. Nếu có được những cải thiện thực chất hơn về tái cơ cấu nền kinh tế, cải thiện môi trường kinh doanh, cổ phần hóa thì có khả năng năng suất lao động tăng cao hơn trong những năm tới.
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, năng suất lao động của Việt Nam hiện thấp hơn cả Lào và chỉ bằng 7% của Singapore. Nguyên nhân là gì thưa ông?
Thực chất, số liệu năng suất lao động mà Tổng cục Thống kê công bố được tính dựa trên tổng giá trị sản phẩm tạo ra trong năm chia cho số lao động trong độ tuổi, vì vậy không phản ánh đúng được năng suất lao động cá nhân.
Tuy nhiên, nhìn tổng thể, năng suất lao động của một người Việt Nam còn thấp là đúng. Nguyên nhân có thể do trình độ cơ giới hóa, trình độ sử dụng máy móc còn thấp chứ không hẳn là năng lực bản thân người lao động chưa cao. Tức là khả năng làm việc của một lao động Việt Nam chưa chắc đã kém hơn so với các quốc gia khác nhưng do yếu tố khách quan thiếu máy móc, thiếu điều kiện, không được trang bị đầy đủ công cụ lao động nên năng suất kém hơn người được trang bị đầy đủ là điều tất yếu.
Bên cạnh đó, một tỷ lệ lớn dân số nước ta đang hoạt động trong ngành nông nghiệp, nơi có năng suất đầu người thấp. Ngoài ra, trong những nghiên cứu mang tính định lượng vừa qua, chúng tôi phát hiện ra một số nguyên nhân góp phần làm giảm năng suất của người lao động như yếu tố thể chế, chất lượng quản trị của chính quyền địa phương còn hạn chế, tính công khai, minh bạch còn thấp…
Nếu chênh lệch về năng suất lao động giữa Việt Nam và các nước trong khu vực tiếp tục gia tăng, hậu quả sẽ là gì?
Năng suất lao động kém thì giá trị gia tăng trên đầu người cũng kém, dẫn đến tốc độ tăng trưởng tụt hậu, khả năng bắt kịp các nước sẽ ngày càng xa, ảnh hưởng tới tổng thể nền kinh tế.
Cần yếu tố nội lực
Theo Nghị định số 141/2017/NĐ-CP do Chính phủ ban hành, từ 1.1.2018 lương tối thiểu vùng với người lao động làm việc theo hợp đồng đã được tăng thêm. Có thể thấy việc tăng năng suất lao động và tăng lương tối thiểu đang không cùng vận tốc. Ông đánh giá thế nào về điều này?
Những năm trước đây, lạm phát của Việt Nam khá cao nên việc tăng lương tối thiểu chỉ đủ để bù đắp phần mất giá, chứ không có nhiều ý nghĩa. Bên cạnh đó, những khoản thu khác như điện nước, dịch vụ y tế, giáo dục… cũng tăng cao nên tăng lương nhiều hơn là điều có thể hiểu. Có nhiều ý kiến cho rằng tăng lương tối thiểu phải đi kèm với tăng năng suất, nhưng câu chuyện ở đây là xác định thế nào về mức lương tối thiểu hợp lý lại chưa rõ ràng.
Một số nghiên cứu cho thấy mức lương tối thiểu chỉ đáp ứng 70 - 80% nhu cầu sinh hoạt tối thiểu của người lao động. Theo tôi, chỉ khi đề ra được mức lương tối thiểu hợp lý, tạo động lực cho người lao động thì việc bàn tới tăng năng suất lao động đi đôi với tăng tiền lương mới có ý nghĩa. Phải tính toán dài hơi cả một giai đoạn chứ nếu so sánh một vài năm với nhau thì chưa hoàn toàn phản ánh đúng thực tế. Nhiều khi cũng là chuyện con gà, quả trứng, nếu lương không đủ thì sao tăng được năng suất.
Cần làm gì để cải thiện năng suất lao động, thưa ông?
Tôi hy vọng việc ký kết các hiệp định thương mại thế hệ mới có thể tác động thêm vào việc tăng năng suất. Tuy nhiên những tác động bên ngoài cũng chỉ là chất xúc tác, quan trọng là nội lực bên trong, từng ngành có dám đổi mới, tự cải thiện để nâng cao năng suất hay không.
Để cải thiện năng suất lao động còn liên quan tới chính sách đi liền với nó. Nôm na là nếu có sự cải thiện tốt hơn trong từng lĩnh vực thì sẽ tốt hơn nhiều.
Với nông nghiệp, bước tiếp theo cần phải cải thiện môi trường kinh doanh, tích tụ ruộng đất, thu hút đầu tư, khơi thông thị trường xuất khẩu… Với công nghiệp thì phải có sự liên kết mạnh hơn giữa doanh nghiệp trong nước với doanh nghiệp nước ngoài. Những điều đang làm đúng như cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước phải tiếp tục thực hiện, thúc đẩy doanh nghiệp nhỏ và vừa phát triển tốt hơn.
Dịch vụ phải cải thiện chất lượng, nâng cao giá trị gia tăng của ngành, áp dụng các công nghệ hiện đại để tăng năng suất lao động. Đơn cử như tình trạng dịch vụ các sân bay đang quá tải, nhưng một phần là do năng suất lao động của mình quá kém, quy trình làm thủ tục tại các quầy còn chậm, phải làm sao cải thiện, đơn giản hóa các quy trình giúp các dịch vụ nhanh chóng, thuận tiện hơn.
Nhà nước, các ban, ngành cũng đưa ra khá nhiều giải pháp, từ đào tạo nguồn nhân lực, thay đổi chính sách cho tới áp dụng công nghệ… Tuy nhiên tôi nghĩ việc thực thi mới quan trọng. Đơn cử như chiến lược tái cơ cấu kinh tế khởi nguồn từ 2012 - 2013 nhưng sau 5 năm vẫn không có quá nhiều thay đổi.
Bất ngờ năm vừa qua, nông nghiệp lại có bước đột phá, nhiều khi cũng do thời điểm đúng và trúng sẽ mang lại những kết quả bất ngờ. Nhìn chung vẫn còn nhiều việc phải làm, nhưng trước mắt hãy tiếp tục phát huy những việc đã làm tốt thời gian qua đi đã.
Xin cảm ơn ông!