Cách thức thực hiện mua sắm tài sản nhà nước tập trung?
Tại cuộc họp báo chuyên đề do Bộ Tài chính tổ chức hôm 23/10/2015, đại diện Cục Quản lý Cộng sản cho biết, việc mua sắm tập trung sẽ được thực hiện theo cách thức ký thỏa thuận khung hoặc theo cách thức ký hợp đồng trực tiếp.
Theo quy định tại khoản 3 Điều 44 Luật Đấu thầu số 43/2013/QH13 ngày 26/11/2013, việc mua sắm tập trung được thực hiện theo một trong hai cách là: Đơn vị mua sắm tập trung tập hợp nhu cầu mua sắm, tiến hành lựa chọn nhà thầu, trực tiếp ký hợp đồng với nhà thầu được lựa chọn cung cấp hàng hóa, dịch vụ; hoặc Đơn vị mua sắm tập trung tập hợp nhu cầu mua sắm, tiến hành lựa chọn nhà thầu, ký văn bản thỏa thuận khung với một hoặc nhiều nhà thầu được lựa chọn làm cơ sở để các đơn vị có nhu cầu mua sắm trực tiếp ký hợp đồng với nhà thầu được lựa chọn cung cấp hàng hóa, dịch vụ.
Tại cuộc họp báo chuyên đề do Bộ Tài chính hôm 23/10/2015, thông báo về cách thức thực hiện mua sắm tập trung, đại diện Cục Quản lý Cộng sản cho biết, việc mua sắm tập trung cũng sẽ được thực hiện theo một trong hai cách thức, gồm: Mua sắm tập trung theo cách thức ký thỏa thuận khung và mua sắm tập trung theo cách thức ký hợp đồng trực tiếp, trong đó, cách thức ký thỏa thuận khung là cách thức chủ yếu được áp dụng theo quy định tại Điều 44 Luật Đấu thầu số 43/2013/QH13, cụ thể:
Thứ nhất, mua sắm tập trung theo cách thức ký thỏa thuận khung. Theo đó, đơn vị mua sắm tập trung tổng hợp nhu cầu mua sắm, tiến hành lựa chọn nhà thầu theo quy định của pháp luật về đấu thầu hoặc thuê tổ chức đấu thầu chuyên nghiệp lựa chọn nhà thầu, ký thỏa thuận khung với nhà thầu được lựa chọn.
Cơ quan, tổ chức, đơn vị sử dụng tài sản đề xuất nhu cầu mua sắm, lập dự toán mua sắm trình cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước, trực tiếp ký hợp đồng mua sắm với nhà thầu được lựa chọn, trực tiếp thanh toán cho nhà thầu được lựa chọn (trừ trường hợp cơ quan nhà nước có thẩm quyền giao dự toán cho đơn vị mua sắm tập trung), tiếp nhận tài sản, hồ sơ về tài sản và thực hiện nghĩa vụ hợp đồng, chế độ bảo hành, bảo trì từ nhà thầu được lựa chọn;
Thứ hai, mua sắm tập trung theo cách thức ký hợp đồng trực tiếp: Đơn vị mua sắm tập trung tổng hợp nhu cầu mua sắm, tiến hành lựa chọn nhà thầu theo quy định của pháp luật về đấu thầu hoặc thuê tổ chức đấu thầu chuyên nghiệp lựa chọn nhà thầu, trực tiếp ký hợp đồng với nhà thầu được lựa chọn và trực tiếp thanh toán cho nhà thầu. Cơ quan, tổ chức, đơn vị sử dụng tài sản tiếp nhận tài sản, hồ sơ về tài sản và thực hiện chế độ bảo hành, bảo trì từ nhà thầu được lựa chọn.
Được biết, “ký hợp đồng trực tiếp” là cách thức hiện nay nước ta đã áp dụng trong quá trình thí điểm. Theo cách thức này, đơn vị mua sắm tập trung sẽ phải thực hiện toàn bộ các công đoạn trong quá trình mua sắm, còn cơ quan, đơn vị trực tiếp sử dụng tài sản chỉ nhận tài sản về sử dụng. Tuy nhiên, cách thức này chỉ phù hợp với việc mua sắm với quy mô nhỏ còn nếu áp dụng với quy mô lớn thì sẽ phát sinh nhiều vấn đề bất cập.
Do vậy, tại dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về Quy chế mua sắm tài sản nhà nước theo phương pháp tập trung hướng thì chỉ áp dụng cách thức này đối với các Bộ, ngành, địa phương trong trường hợp giao dự toán cho đơn vị mua sắm tập trung, không giao dự toán mua sắm cho các cơ quan, đơn vị, tổ chức trực tiếp sử dụng tài sản, hàng hóa, dịch vụ và được áp dụng chủ yếu đối với các chương trình, dự án do nhiều đơn vị cùng thực hiện.
Đối với các trường hợp khác phải thực hiện mua sắm tập trung sẽ áp dụng cách thức “ký văn bản thỏa thuận khung”. Theo đó, đơn vị mua sắm tập trung chỉ tổng hợp nhu cầu và tiến hành lựa chọn nhà thầu tập trung để mua sắm với số lượng lớn, các bước còn lại (lập dự toán, đề xuất kế hoạch mua sắm, ký hợp đồng mua sắm, bàn giao, tiếp nhận và chế độ bảo hành, bảo dưỡng tài sản) đều do đơn vị trực tiếp sử dụng tài sản thực hiện. Các khoản kinh phí tiết kiệm được thông qua mua sắm tập trung, đơn vị trực tiếp sử dụng tài sản được phép sử dụng theo quy định của pháp luật.
Nhiều ý kiến cũng khẳng định, mua sắm tập trung theo cách thức “ký thỏa thuận khung” chính là sự thay đổi căn bản về mua sắm tập trung. Cách thức này đang được áp dụng thành công ở nhiều nước do có thể mua sắm với quy mô lớn mà không đòi hỏi bộ máy lớn, không làm hạn chế quyền tự chủ của các đơn vị trong việc lập dự toán, quyết toán mua sắm tài sản, quyền ký hợp đồng cung cấp, thụ hưởng các dịch vụ sau bán hàng và sử dụng số tiền tiết kiệm được qua mua sắm.