Cải cách thể chế pháp luật hải quan phù hợp với cam kết quốc tế
Trao đổi với Tạp chí Tài chính, bà Trần Thị Thuý Hoà - Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Tổng cục Hải quan) cho biết, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật hải quan được ban hành trong thời gian qua đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ, minh bạch, đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước về hải quan, góp phần nâng cao ý thức tuân thủ và chấp hành pháp luật của người dân, doanh nghiệp.
Phóng viên: Bà có thể đánh giá những kết quả nổi bật trong công tác xây dựng chính sách pháp luật hải quan trong thời gian qua?
Bà Trần Thị Thuý Hoà: Trong thời gian qua, ngành Hải quan luôn xác định công tác xây dựng, hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật là nhiệm vụ trọng tâm.
Do đó, trong bối cảnh hoạt động thương mại quốc tế của Việt Nam gia tăng nhanh với nhiều đối tác thương mại trên toàn cầu, hệ thống văn bản pháp luật hải quan được xây dựng, bổ sung, hoàn thiện theo hướng đơn giản hóa thủ tục hành chính, tạo cơ sở pháp lý cho hoạt động xuất nhập khẩu diễn ra thuận lợi. Qua đó, góp phần bảo đảm nguồn thu ngân sách, phòng, chống buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới, gian lận thương mại…
Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật hải quan đã bao quát các mảng nghiệp vụ hải quan, tạo cơ sở pháp lý đầy đủ cho hoạt động quản lý hải quan; xử lý, giải quyết kịp thời những quy định còn mâu thuẫn, chồng chéo, chưa thống nhất giữa văn bản trong lĩnh vực hải quan với luật, nghị định trong các lĩnh vực chuyên ngành khác có liên quan.
Các văn bản bổ sung, nội luật hóa những quy định mới phù hợp với thông lệ và các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.
Cơ quan hải quan đã kịp thời sửa đổi, bãi bỏ những quy định về thủ tục hành chính không còn cần thiết hoặc lãng phí thời gian, chi phí cho doanh nghiệp, qua đó góp phần thúc đẩy hoạt động thương mại và đầu tư.
Bên cạnh đó, chất lượng văn bản ngày càng được nâng cao đáp ứng yêu cầu hiện đại hóa hải quan. Văn bản được ban hành đã bảo đảm về kỹ thuật soạn thảo, sử dụng ngôn ngữ rõ ràng, nội dung minh bạch, hạn chế tình trạng văn bản vừa mới ban hành đã phải sửa đổi, bổ sung.
Nhìn chung, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật hải quan được ban hành luôn hướng tới mục tiêu cải cách, đơn giản hóa thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho hoạt động thương mại quốc tế.
Phóng viên: Nhiều ý kiến cho rằng, việc Tổng cục Hải quan xây dựng, trình cấp có thẩm quyền ban hành chính sách pháp luật hải quan đã kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo thuận lợi cho hoạt động xuất nhập khẩu, xuất nhập cảnh của người dân, doanh nghiệp?
Bà Trần Thị Thuý Hoà: Đúng vậy! Từ năm 2020 đến nay, Tổng cục Hải quan đã chủ trì xây dựng, trình Bộ Tài chính trình cấp có thẩm quyền ban hành 26 văn bản quy phạm pháp luật, gồm: 1 nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; 6 nghị định của Chính phủ; 3 quyết định của Thủ tướng Chính phủ; 16 thông tư của Bộ Tài chính. Trong đó, 7 văn bản quy phạm pháp luật sửa đổi, bổ sung; 17 văn bản quy phạm pháp luật ban hành mới; 2 văn bản quy phạm pháp luật bãi bỏ.
Các văn bản sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới đều được xây dựng trên nguyên tắc phù hợp với yêu cầu mục tiêu chung của cải cách nền hành chính quốc gia; đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ, minh bạch; đơn giản hóa thủ tục hành chính đảm bảo vừa tạo thuận lợi hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu, xuất cảnh, nhập cảnh, vừa đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước về hải quan góp phần nâng cao ý thức tuân thủ và chấp hành pháp luật của doanh nghiệp.
Đặc biệt, trong bối cảnh đại dịch COVID-19 ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, Tổng cục Hải quan kịp thời tham mưu, đề xuất chính sách hỗ trợ cho các hoạt động xuất nhập khẩu; trình cấp có thẩm quyền ban hành 4 văn bản quy phạm pháp luật (Nghị quyết số 10/2021/UBTVQH15 ngày 8/12/2021; Thông tư số 47/2020/TT-BTC ngày 27/5/2020; Thông tư số 82/2021/TT-BTC ngày 30/9/2021; Thông tư số 121/2021/TT-BTC ngày 24/12/2021). Các văn bản này đã kịp thời tháo gỡ vướng mắc về chính sách tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp trong việc thực hiện thủ tục hải quan.
Ngoài ra, Tổng cục Hải quan cũng đã tiến hành soạn thảo các nghị định về: Kiểm tra chất lượng, an toàn thực phẩm đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu; về chia sẻ, kết nối thông tin thông qua Cổng thông tin một cửa quốc gia; về quản lý đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu giao dịch qua thương mại điện tử.
Các nghị định được ban hành tạo cơ sở pháp lý cải cách kiểm tra chất lượng, an toàn thực phẩm, xây dựng cơ sở dữ liệu tập trung trên Cổng thông tin một cửa quốc gia, ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động kiểm tra chuyên ngành.
Phóng viên: Trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng hiện nay, yêu cầu đặt ra là phải thường xuyên cải cách thể thế pháp luật hải quan theo hướng hiện đại, đồng bộ phù hợp với cam kết quốc tế. Để đạt được mục tiêu này, Tổng cục Hải quan sẽ triển khai các nhiệm vụ, giải pháp gì, thưa bà?
Bà Trần Thị Thuý Hoà: Trong thời gian tới, bối cảnh kinh tế trong và ngoài nước diễn biến phức tạp và khó dự đoán, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, xung đột thương mại giữa các quốc gia lớn, cũng như tác động của Cách mạng công nghệ 4.0.
Bối cảnh đó đặt ra những thuận lợi, cũng như thách thức đối với ngành Hải quan. Cùng với quá trình hội nhập ngày càng sâu rộng, các hiệp định thương mại tự do, đặc biệt là các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới mà Việt Nam đã ký kết bắt đầu có hiệu lực, do đó tăng trưởng kinh tế sẽ chịu nhiều tác động từ cạnh tranh chiến lược giữa các cường quốc đang ngày một gay gắt.
Chiến lược phát triển ngành Hải quan đến năm 2030 xác định mục tiêu là xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật hải quan theo hướng hiện đại, đồng bộ, thống nhất, minh bạch, phù hợp với cam kết quốc tế; trọng tâm là xây dựng Luật Hải quan thay thế Luật Hải quan hiện hành, đảm bảo cơ sở pháp lý đầy đủ để thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về hải quan; xây dựng mô hình hải quan số, hải quan thông minh, biên giới thông minh, hải quan xanh...
Song song với việc xây dựng Luật Hải quan, cần rà soát toàn bộ hệ thống văn bản pháp luật về hải quan hiện hành, hoạch định tổng thể hệ thống văn bản pháp luật dưới luật, xác định các văn bản quy định chi tiết Luật Hải quan để kịp thời soạn thảo, ban hành đồng bộ với Luật Hải quan sửa đổi, bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật hải quan.
Đồng thời, rà soát các điều ước quốc tế có liên quan đến lĩnh vực hải quan để nội luật hóa đầy đủ vào pháp luật hải quan; tham khảo phương thức quản lý của hải quan các nước tiên tiến.
Cơ quan hải quan cần tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật ngay từ khi xây dựng, phân tích chính sách để kịp thời thông tin đến doanh nghiệp; lấy ý kiến tham gia của các chuyên gia, các nhà khoa học, các đơn vị hải quan địa phương để bảo đảm văn bản quy phạm pháp luật được ban hành có tính khả thi; chống tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm trong xây dựng thể chế.
Các đơn vị thuộc Tổng cục Hải quan phải nhận thức đầy đủ, xác định rõ trách nhiệm của mình đối với xây dựng, hoàn thiện thể chế, pháp luật hải quan; huy động các cơ quan hữu quan phối hợp chặt chẽ, thực chất trong quá trình xây dựng pháp luật; thực hiện đúng quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Đồng thời, chú trọng nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ làm công tác xây dựng pháp luật; tăng cường thu hút chuyên gia, nhà khoa học, cán bộ hoạt động thực tiễn có kinh nghiệm, kiến thức chuyên môn sâu, công tâm, khách quan trong quá trình xây dựng pháp luật trong lĩnh vực hải quan.
Phóng viên: Trân trọng cảm ơn Bà!