Cải cách thủ tục hành chính nhìn từ xây dựng chế độ, chính sách làm việc tại bộ phận một cửa
Việc thực hiện cơ chế “một cửa”, “một cửa liên thông” trong giải quyết thủ tục hành chính góp phần quan trọng phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, bên cạnh đó, vẫn tồn tại một số hạn chế như còn quá hạn giải quyết một số thủ tục trong lĩnh vực đất đai, xây dựng chưa minh bạch… Một trong những nguyên nhân dẫn đến thực trạng này là do cơ chế, chính sách hỗ trợ người trực tiếp làm việc tại bộ phận một cửa chưa đủ để tạo động lực và yên tâm làm việc… Bài viết đánh giá thực trạng công việc tại bộ phận một cửa và đề xuất một số giải pháp về chế độ, chính sách phù hợp với mục tiêu cải cách hành chính…
Trách nhiệm, quyền lợi và nghĩa vụ của cán bộ làm việc tại bộ phận một cửa
Theo Nghị định số 61/2018/NĐ-CP ngày 23/04/2018 của Chính phủ về thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính: Bộ phận một cửa là tên gọi chung của bộ phận tiếp nhận và trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) hoặc trung tâm phục vụ hành chính công cấp tỉnh, thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn hướng dẫn, tiếp nhận, giải quyết hoặc chuyển hồ sơ giải quyết, trả kết quả giải quyết TTHC, theo dõi, giám sát, đánh giá việc giải quyết TTHC cho tổ chức, cá nhân. Cán bộ, công chức, viên chức làm việc tại bộ phận một cửa là những người được các sở, ban, ngành cử ra làm việc tại bộ phận một cửa phải đảm bảo đầy đủ những tiêu chuẩn chung về phẩm chất đạo đức công vụ theo quy định của pháp luật như: đã được bổ nhiệm vào ngạch chuyên viên hoặc tương đương trở lên; có thâm niên công tác tối thiểu 03 năm trong ngành, lĩnh vực được phân công; được đánh giá là hoàn thành tốt nhiệm vụ...
Nhiệm vụ của cán bộ, công chức, viên chức làm việc tại bộ phận một cửa
Thực hiện quy trình, tiếp nhận, chuyển giao, trả kết quả, thu phí, lệ phí (nếu có); Hướng dẫn, tiếp nhận hồ sơ yêu cầu giải quyết TTHC của tổ chức, cá nhân theo quy định của pháp luật hiện hành; Chuyển giao hồ sơ TTHC của tổ chức, cá nhân đến các phòng chuyên môn và thực hiện việc trả kết quả cho tổ chức, cá nhân; Hướng dẫn và phối hợp thu phí, lệ phí (nếu có) theo quy định; Lưu trữ hồ sơ, tài liệu, thông tin theo quy định của pháp luật và bằng công nghệ thông tin theo quy định; Theo dõi, đôn đốc việc giải quyết TTHC; Quản lý, sử dụng một số loại sổ sách, biểu thống kê theo quy định.
Thực hiện nghiêm túc, đầy đủ quy chế hoạt động của bộ phận tiếp nhận và trả kết quả; Tạo điều kiện thuận lợi cho cá nhân, tổ chức thực hiện các giao dịch hành chính; Hướng dẫn cá nhân, tổ chức thực hiện TTHC đầy đủ, rõ ràng, chính xác đảm bảo cá nhân, tổ chức chỉ phải bổ sung hồ sơ một lần; Tiếp nhận hồ sơ hành chính của cá nhân, tổ chức theo quy định; Chủ động tham mưu, đề xuất sáng kiến cải tiến việc thực hiện TTHC, kịp thời phát hiện, kiến nghị với cơ quan, người có thẩm quyền để sửa đổi, bổ sung, thay đổi hoặc hủy bỏ, bãi bỏ các quy định về TTHC không khả thi, hoặc không phù hợp với tình hình thực tế của địa phương; Mặc đồng phục hoặc trang phục ngành theo quy định; Đeo Thẻ công chức, viên chức trong quá trình thực thi nhiệm vụ; Sinh hoạt chuyên môn, đảng, đoàn thể, bình xét thi đua, khen thưởng, kỷ luật tại cơ quan đã cử đến bộ phận một cửa; Thực hiện các quy định của pháp luật có liên quan.
Quyền lợi của cán bộ, công chức, viên chức làm việc tại bộ phận một cửa
Được tập huấn về chuyên môn nghiệp vụ, công nghệ thông tin và văn hóa ứng xử, giao tiếp với tổ chức, cá nhân; Được tham gia các khóa học lý luận chính trị, quản lý nhà nước, ngoại ngữ, tin học và các lĩnh vực khác ở trong nước, nước ngoài theo quy định của pháp luật; Được nghỉ bù (nếu làm việc thêm giờ, làm vào ngày nghỉ lễ, thứ Bảy, Chủ nhật); Nhận lương, phụ cấp, bồi dưỡng và chế độ, chính sách khác (nếu có) tại cơ quan đã cử đến bộ phận một cửa.
Thời gian làm việc của cán bộ, công chức, viên chức được cử đến bộ phận một cửa không ít hơn 06 tháng và không nhiều hơn 24 tháng (trừ các trường hợp nghỉ phép, nghỉ bù, nghỉ ốm, nghỉ việc riêng, đi học, đi công tác hoặc không hoàn thành nhiệm vụ hoặc có mức độ hài lòng thấp).
Kết quả thực hiện chế độ của cán bộ làm việc tại bộ phận một cửa
Tính đến hết năm 2018, hầu hết các tỉnh/thành trong cả nước đã thành lập Trung tâm phục vụ hành chính công theo mô hình của Nghị định số 61/2018/NĐ-CP với phương châm làm việc “chuyên nghiệp – thân thiện – trách nhiệm”. Theo mô hình Trung tâm phục vụ hành chính công cấp tỉnh, số lượng cán bộ, công chức, viên chức làm việc tại bộ phận một cửa là tương đương với số lượng các sở, ngành làm việc tại Trung tâm, bao gồm cả các cơ quan ngành dọc.
Chế độ hỗ trợ đối với công chức, viên chức làm việc tại bộ phận một cửa có ý nghĩa quan trọng, đặc biệt đối với chính sách cải cách TTHC, làm cho cán bộ làm việc tại bộ phận một cửa có động lực làm việc, năng suất hiệu quả cao, từ đó làm cho việc giải quyết TTHC của người dân, tổ chức, doanh nghiệp thuận tiện, nhanh chóng, giảm các chi phí liên quan…
Đánh giá được vai trò, vị trí của bộ phận một cửa, dựa trên cơ sở mức chi theo Thông tư số 172/2012/TT-BTC ngày 22/10/2012 của Bộ Tài chính quy định về việc lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí, đảm bảo công tác cải cách hành chính, các tỉnh đều quan tâm, thực hiện theo đúng quy định. Riêng một số tỉnh như Quảng Ninh, Hà Tĩnh, Đà Nẵng có mức chi cao hơn.
Phân tích cho thấy, số lượng TTHC trong cơ quan Nhà nước là khá nhiều, bao gồm tất cả các lĩnh vực, đòi hỏi cán bộ tại bộ phận một cửa, trong quá trình tiếp nhận hồ sơ phải có kiến thức tổng hợp về tất cả các lĩnh vực quản lý; công chức, viên chức làm việc tại phòng chuyên môn lại chỉ cần nắm các kiến thức thuộc lĩnh vực công tác.
Thống kê cho thấy, số lượng hồ sơ phải giải quyết của các sở ngành, phận một cửa là rất lớn. Ngoài ra, với việc bổ sung các dịch vụ công các ngành lĩnh vực thuộc các sở, ngành dọc vào cung cấp tại bộ phận một cửa, cộng với việc ứng dụng công nghệ thông tin vào giải quyết TTHC, thực hiện hệ thống giám sát camera, ghi nhận các phản ánh kiến nghị của người dân qua hệ thống tổng đài dịch vụ công… đã dẫn đến những áp lực công việc khi làm tại vị trị một cửa.
Đề xuất một số giải pháp
Những người làm việc tại vị trí một cửa của các cấp chịu áp lực của công việc rất lớn. Vị trí một cửa là đầu mối duy nhất tiếp nhận hồ sơ của công dân, tổ chức, cá nhân và trả kết quả giải quyết TTHC.
Từ thực tế này, tác giả đề xuất một số giải pháp sau:
Thứ nhất, tăng cường đào tạo, bồi dưỡng đối với cán bộ công chức, viên chức làm việc tại bộ phận một cửa. Tổ chức đào tạo, bồi dưỡng công chức làm việc tại bộ phận một cửa để nâng cao chất lượng giải quyết các TTHC. Trong đó, tập trung bồi dưỡng các kiến thức chuyên môn, nhất là những trường hợp được bố trí tiếp nhận thêm hồ sơ ở các lĩnh vực khác với chuyên môn nghiệp vụ hiện đang đảm nhiệm. Các hình thức đào tạo, bồi dưỡng như tập trung; Tổ chức các chuyến thăm quan, học hỏi kinh nghiệm các đơn vị có bộ phận một cửa thực hiện theo cơ chế một cửa, cơ chế một cửa liên thông tốt để công chức, viên chức có cơ hội học hỏi kinh nghiệm thực tế.
Thứ hai, các sở ngành, cơ quan ngành dọc phải dựa trên chức năng, nhiệm vụ, số TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết của đơn vị mình, để từ đó bố trí cán bộ, công chức, viên chức làm tại vị trí bộ phận một cửa; Rà soát đội ngũ công chức làm việc tại bộ phận một cửa nhằm mục đích bố trí đúng quy định và đúng năng lực; Phải xác định rõ, ai là người trực chính, ai là người trực phụ, từ đó sẽ có cơ sở để chi trả mức hỗ trợ chính xác với trách nhiệm công việc.
Thứ ba, xây dựng mức hỗ trợ hoàn chỉnh, lấy năng suất lao động làm căn cứ, có thể áp dụng theo mức giao dịch số hồ sơ của các sở ngành.
Thứ tư, hoàn thiện vị trí việc làm tại bộ phận một cửa, coi đó là một vị trí quan trọng trong chuỗi giải quyết TTHC. Từ đó, các cơ quan, đơn vị xây dựng và thực hiện các cơ chế như: Luân chuyển, đề bạt, bổ nhiệm nhằm khuyến khích, động viên đối với công chức, viên chức làm việc tại bộ phận một cửa có thành tích trong thực hiện nhiệm vụ.
Thứ năm, thực hiện giải pháp tài chính, ngân sách nhằm tìm nguồn hợp lý cho chi hỗ trợ công chức, viên chức làm việc tại bộ phận một cửa. Các địa phương cần phải phân bổ thu, chi hợp lý và phải xác định đây là một mục chi quan trọng, mang tầm chiến lược cho công cuộc cải cách hành chính nói chung và cải cách TTHC nói riêng.
Tài liệu tham khảo:
- Nghị quyết số 30C/NQ-CP ngày 08/11/2011 của Chính phủ về Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2011 – 2020;
- Nghị định số 61/NĐ-CP ngày 23/4/2018 của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính;
- Hội nghị đánh giá kết quả Chỉ số cải cách hành chính năm 2017, phương hướng, nhiệm vụ công tác cải cách hành chính năm 2018 của Bộ Nội vụ;
- Bộ Tài chính (2012), Thông tư số 172/2012/TT-BTC ngày 22/10/2012.