Cải cách thuế, hải quan góp sức quan trọng phòng ngừa tham nhũng
Ủy ban Tư pháp tán thành với nhiều chuyển biến tích cực trong triển khai các biện pháp phòng ngừa tham nhũng. Đó là cải cách thủ tục hành chính được tăng cường, nhất là một số lĩnh vực như thuế, hải quan, đầu tư, bảo hiểm xã hội… góp phần quan trọng vào việc phòng ngừa tham nhũng.
Đây là đề nghị được Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp (UBTP) Lê Thị Nga nêu ra trong phần trình bày báo cáo thẩm tra về công tác phòng, chống tham nhũng (PCTN) năm 2016, trong phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội chiều 21/9.
Số vụ tham nhũng được phát hiện chưa tương xứng với tình hình tham nhũng
Qua thẩm tra, UBTP đánh giá Báo cáo của Chính phủ đã phản ánh khá đầy đủ công tác PCTN, Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương đã có nhiều nỗ lực trong PCTN và đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, thực tiễn cho thấy, nhiều tồn tại, hạn chế đã được UBTP nêu ra từ những năm trước vẫn chưa có nhiều chuyển biến. Đó là: thể chế, chính sách trên nhiều lĩnh vực vẫn còn sơ hở; việc thực hiện một số biện pháp PCTN còn hình thức, chưa hiệu quả; người đứng đầu các cơ quan, tổ chức một số nơi chưa thực hiện đầy đủ trách nhiệm trong PCTN; việc “hành chính hóa” quan hệ hình sự trong xử lý tham nhũng vẫn diễn ra; số vụ tham nhũng được phát hiện còn ít và tiếp tục giảm, chưa tương xứng với tình hình tham nhũng, tiến độ xử lý một số vụ còn để kéo dài; thu hồi tài sản đạt tỷ lệ rất thấp...
Đáng lưu ý, người dân, doanh nghiệp ngày càng có tư tưởng chấp nhận, chịu đựng tham nhũng trong giải quyết công việc có liên quan đến chính quyền. Tâm lý thờ ơ, ngại đấu tranh với tiêu cực, tham nhũng phổ biến ngay cả ở cán bộ, công chức...
Thực trạng này, theo cơ quan thẩm tra là do nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân từ tâm lý thiếu tin tưởng vào hiệu quả đấu tranh PCTN, vào tính nghiêm minh trong xử lý tham nhũng… Đây là những vấn đề Chính phủ cần phải tập trung để khắc phục trong thời gian tới.
Chuyển biến tích cực trong cải cách thủ tục hành chính
Đánh giá về các biện pháp PCTN, UBTP tán thành với nhiều chuyển biến tích cực trong triển khai các biện pháp phòng ngừa tham nhũng (PNTN). Đó là cải cách thủ tục hành chính tiếp tục được tăng cường, nhất là trên một số lĩnh vực như thuế, hải quan, đầu tư, đăng ký kinh doanh, bảo hiểm xã hội….; các chế độ, định mức, tiêu chuẩn đang dần được sửa đổi chặt chẽ hơn và phù hợp hơn với tình hình thực tiễn; thanh toán không dùng tiền mặt ngày càng rộng rãi... đã góp phần quan trọng vào công tác PCTN.
Tuy vậy, một số biện pháp PNTN còn hình thức, chưa hiệu quả. Trong đó, UBTP nhấn mạnh cải cách thủ tục hành chính trên một số lĩnh vực như nhà đất, cấp phép xây dựng… hiệu quả còn thấp. Ở một số nơi, lĩnh vực mặc dù đã thực hiện cơ chế “một cửa”, “một cửa liên thông” nhưng vẫn còn tình trạng phát sinh “thủ tục con”...
Liên quan đến biện pháp chuyển đổi vị trí công tác, báo cáo nêu ra việc đại biểu Quốc hội, dư luận cử tri và báo chí phản ánh công tác điều động, bổ nhiệm cán bộ có một số trường hợp lạm dụng để điều động, bổ nhiệm cán bộ không đủ điều kiện, tiêu chuẩn, là người trong gia đình, người thân; có trường hợp bổ nhiệm ồ ạt vào thời điểm chuyển giao nhiệm kỳ; có trường hợp bổ nhiệm cả cán bộ có trách nhiệm trong việc làm thua lỗ, thất thoát lớn vốn, tài sản nhà nước..., gây bức xúc, bất bình trong dư luận.
“Thủ tướng đã nói, chúng ta tìm người tài không tìm người nhà. Chúng tôi đề nghị Chính phủ xem xét kỹ các phản ánh, chỉ đạo người có trách nhiệm kiểm tra và giải trình về các trường hợp cụ thể được nêu, từ đó đề ra giải pháp xử lý, khắc phục trong thời gian tới”, bà Lê Thị Nga nói.
Số người đứng đầu bị xử lý ngày càng giảm
Về xử lý trách nhiệm của người đứng đầu để xảy ra tham nhũng, theo UBTP, việc xử lý vẫn còn bị xem nhẹ và chưa tương xứng với số vụ án tham nhũng được xét xử. Năm 2016, chỉ có 18 người đứng đầu thiếu trách nhiệm để xảy ra tham nhũng bị xử lý trong khi đó có tới 159 vụ/402 bị cáo được xét xử sơ thẩm. Số người đứng đầu bị xử lý cũng giảm mạnh so với năm 2015 (có 46 người đứng đầu bị xử lý trong năm 2015).
Đáng lưu ý, thời quan qua xảy ra một số vụ tham nhũng ngay trong chính lực lượng có chức năng chống tham nhũng. Đây là vấn đề rất nghiêm trọng làm ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả PCTN mà UBTP đề nghị Chính phủ, VKSNDTC có giải pháp khắc phục, xử lý.
Ngoài ra, báo cáo cũng cho biết trong nhiều năm nay, báo cáo của Chính phủ không xác định cụ thể số tài sản tham nhũng, không tách biệt giữa tài sản do hành vi tham nhũng gây ra với tài sản do hành vi vi phạm pháp luật khác.
Đáng lưu ý, qua giám sát của UBTP thì trong ba năm gần đây số vụ án tham nhũng được phát hiện, xử lý giảm dần. Các vụ tham nhũng được phát hiện và xử lý chủ yếu là tham nhũng nhỏ ở cấp xã hoặc những vụ tham nhũng đặc biệt nghiêm trọng được dư luận quan tâm, còn nhìn chung ở cấp tỉnh, huyện, bộ, ngành thì việc phát hiện và xử lý tham nhũng còn rất ít trong khi theo phản ánh của dư luận thì tình hình tham nhũng ở những nơi này vẫn còn nghiêm trọng.
Vẫn còn một số vụ án tham nhũng xử lý kéo dài, hình phạt trong một số trường hợp có biểu hiệu chưa nghiêm; tỷ lệ cho hưởng án treo, phạt tiền, cải tạo không giam giữ hoặc xử dưới mức thấp nhất của khung hình phạt đối với các vụ án tham nhũng tại một số địa phương còn cao.
Chính phủ thẳng thắn nhìn nhận về nguyên nhân tham nhũng
Đặc biệt, UBTP đánh giá lần đầu tiên Chính phủ đã nhìn nhận thẳng thắn trước Quốc hội về nguyên nhân tham nhũng là: “Một bộ phận không nhỏ cán bộ, công chức, trong đó có những người giữ vị trí lãnh đạo, quản lý, kể cả một số cán bộ cao cấp thiếu tu dưỡng, rèn luyện, giảm sút ý chí chiến đấu, không hoàn thành trách nhiệm, bổn phận trước Đảng, trước nhân dân và có những trường hợp phạm tội tham nhũng phải xử lý trước pháp luật”.
Bên cạnh những nguyên nhân đã được nêu trong Báo cáo của Chính phủ, UBTP nhấn mạnh thêm nguyên nhân quan trọng là một số nơi chưa thực hiện đúng chủ trương của Đảng về chống tham nhũng, nói không đi đôi với làm, quyết tâm chống tham nhũng chỉ nằm trên văn bản còn hành động trên thực tế lại chưa tương xứng; có một số cán bộ còn bao che, “bảo kê” cho vi phạm.
UBTP cho rằng để xây dựng một Chính phủ liêm chính, cơ quan tư pháp liêm chính như cam kết trước Quốc hội của Thủ tướng Chính phủ và Chánh án TANDTC thì trước hết phải có thay đổi đột phá trong đánh giá đúng, thực chất tình hình tham nhũng, thẳng thắn chỉ ra địa chỉ cụ thể của những tồn tại, hạn chế trong ngành, lĩnh vực nào, địa phương nào và trách nhiệm thuộc về cá nhân nào./.