Cải tạo chung cư cũ: Gắn chặt với chính sách quy hoạch
Thực tế tại Hà Nội còn tồn tại nhiều nhà chung cư cũ xuống cấp nghiêm trọng, thậm chí một số nhà hư hỏng nặng, nguy hiểm. Tuy nhiên, việc cải tạo, nâng cấp, chỉnh trang các Khu chung cư cũ (CCC) trong nội thành mới chỉ được thực hiện đơn lẻ, chưa hiệu quả khi còn nhiều vướng mắc về cơ chế, chính sách…
Mới chỉ thực hiện đơn lẻ
Thời gian qua, TP. Hà Nội đã tiến hành rà soát xác định trên địa bàn hiện có 1.579 nhà CCC, quy mô từ 2 đến 5 tầng, tập trung chủ yếu tại 4 quận nội thành cũ. Trong đó, Hà Nội đã kiểm định được 340 CCC; đang tổ chức triển khai lập quy hoạch cải tạo 28 CCC, đồng thời đề xuất các cơ chế, chính sách để thực hiện, và đã có 16 nhà đầu tư đề xuất ý tưởng quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 đối với một số khu CCC.
Tuy nhiên, tính đến nay, cả thành phố mới hoàn thành cải tạo, xây dựng lại 14 trên tổng số hơn 1.500 khối nhà, chiếm khoảng 1% so với kế hoạch. Có 4 khu CCC nguy hiểm cấp D đang tổ chức di dời nhưng chưa có phương án xây dựng lại. Như tại CCC C1 khu tập thể Thành Công (quận Ba Đình) tổ chức di dân từ năm 2011 nhưng đến 2019, Khu chung cư này mới chuẩn bị hoàn thành; Hay, dự án cải tạo nhà B1, khu tập thể Văn Chương (quận Đống Đa) vẫn đang vướng do chưa thống nhất được chỉ tiêu quy hoạch, về vấn đề tái định cư…
Theo đánh giá khách quan thì việc cải tạo, nâng cấp, chỉnh trang các khu chung cư này còn chậm do vướng mắc về cơ chế, chính sách; năng lực của một số chủ đầu tư, nhà đầu tư, nhà thầu, tư vấn ở một số dự án còn hạn chế; công tác rà soát, đánh giá, lập danh mục Khu CCC, nhà cũ xuống cấp để công bố thu hút đầu tư còn chậm…
Trước thực trạng trên, nhiều chuyên gia quy hoạch đô thị cho rằng, về nguyên tắc quy hoạch, các dự án cải tạo, tái phát triển CCC phải được lập quy hoạch 1/500 cho toàn khu, tuân thủ quy hoạch chung của thành phố, quy hoạch phân khu với các tiêu chí cần quan tâm là dân số, mật độ xây dựng, hệ số sử dụng đất, khả năng kết nối, chịu tải của hạ tầng. Tuy nhiên, do việc cải tạo CCC mới chỉ được thực hiện cho từng tòa nhà đơn lẻ tại các khu như: Giảng Võ, Kim Liên, Nam Đồng… dẫn đến hạ tầng tiếp tục “khập khiễng”, quy hoạch lộn xộn…
Tuân thủ chặt chẽ nguyên tắc quy hoạch
Các chuyên gia quy hoạch, hạ tầng cho rằng, để đẩy nhanh tiến độ cải tạo CCC hiệu quả thì giải pháp quan trọng mà TP. Hà Nội cần thực chính là có quyết sách mạnh mẽ, đột phá từ chính sách quy hoạch, trong đó phải tuân thủ chặt chẽ nguyên tắc quy hoạch. Đây là nhân tố hàng đầu quyết định sự thành công của một dự án tái thiết Khu CCC.
Theo TS. kiến trúc sư Trương Văn Quảng - Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam cho biết, các Khu CCC sau cải tạo không nhất thiết phải là mô hình đơn vị ở phổ biến trước đây, mà có thể là Khu đô thị đa chức năng theo xu hướng phát triển mới, với điều kiện bảo toàn được các không gian công cộng, không gian chung như: Trường mẫu giáo, trường học, dịch vụ thương mại, vườn hoa, cây xanh, mặt nước… hiện hữu trước đây. Ví dụ như với các khu tập thể lớn, gồm nhiều khối nhà như: Khu Kim Liên, Trung Tự, Bách Khoa, Phương Mai, Giảng Võ, Thành Công, Nguyễn Công Chứ… nên xây dựng theo tiêu chuẩn đô thị mới đồng bộ. Còn các khu chung cư cũ riêng lẻ như: Khu nhà ở dệt 8 - 3, các khu thuộc Hà Tây cũ… nên tuân thủ theo quy chuẩn xây dựng…
Đồng quan điểm trên, PGS.,TS. Nguyễn Quang Đạo - Khoa Cầu đường, Đại học Xây dựng Hà Nội cũng cho rằng, để cải tạo, xây dựng lại số lượng lớn CCC đang hư hỏng, xuống cấp hiện nay là việc không hề đơn giản. Hà Nội cần xây dựng một đề án tổng thể tái thiết các khu vực này, trong đó quy hoạch được định hướng bởi giao thông công cộng (TOD). Riêng với các khu vực trung tâm hạn chế phát triển, nên bố trí sử dụng quỹ đất sau khi phá dỡ nhà chung cư cũ theo hướng sử dụng để xây dựng các công trình công cộng hoặc thực hiện đấu giá theo phương án quy hoạch để hoàn trả khoản ngân sách đã chi để đầu tư xây dựng quỹ nhà ở tái định cư…
Nhằm đẩy nhanh tiến độ cải tạo, xây dựng lại CCC, UBND TP. Hà Nội vừa ban hành Văn bản số 268/BC-UBND, báo cáo Bộ Kế hoạch và Đầu tư về tình hình, kết quả thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TƯ của Ban Chấp hành Trung ương khóa XI về “Xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ nhằm đưa nước ta trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020”.
Theo đó, tại báo cáo UBND thành phố cho biết, 15/20 CCC trên địa bàn thành phố, cơ quan chức năng đã báo cáo ý tưởng quy hoạch với UBND thành phố, là cơ sở để triển khai thủ tục tiếp theo, 5 khu còn lại đang được nghiên cứu lập phương án. Hà Nội hiện có 28 khu chung cư tập trung như: Kim Liên, Trung Tự, Thanh Xuân Bắc, Thanh Xuân Nam, Nam Thành Công… Trong đó, đã có 24 nhà đầu tư đăng ký để bỏ ra hàng trăm tỷ đồng để thiết kế quy hoạch lại đồng bộ.
Trước đó, TP. Hà Nội cũng đã có kiến nghị Bộ Xây dựng phối hợp với địa phương đề xuất với Trung ương cho phép Hà Nội thực hiện cơ chế đặc thù để giải quyết việc cải tạo CCC. Bên cạnh đó, UBND TP. Hà Nội đã giao 19 nhà đầu tư triển khai lập Quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 để cải tạo, xây dựng lại các Khu CCC trên địa bàn đảm bảo khớp nối đồng bộ hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội khu vực, đồng thời nhằm khắc phục những bất cập, hạn chế trước đây…