Cân đối thu, chi ngân sách, đáp ứng yêu cầu chi các nhiệm vụ quan trọng, cấp bách
Mặc dù chịu nhiều tác động bởi dịch bệnh COVID-19 nhưng công tác tài chính - ngân sách vẫn được điều hành chủ động, linh hoạt, hiệu quả; cân đối thu, chi ngân sách nhà nước được bảo đảm, đáp ứng yêu cầu chi phòng, chống dịch và các nhiệm vụ quan trọng, cấp bách khác. Trên cơ sở đó, Bộ Tài chính phấn đấu hoàn thành cao nhất nhiệm vụ tài chính – ngân sách nhà nước năm 2021, góp phần kiểm soát dịch bệnh, phục hồi phát triển kinh tế.
Đảm bảo bội chi ngân sách năm 2021 trong phạm vi 4%GDP
Công tác điều hành tài chính - ngân sách nhà nước năm 2021 chịu tác động lớn bởi đợt bùng phát dịch COVID-19 cuối tháng 4/2021. Do ảnh hưởng bởi dịch bệnh, diễn biến thu ngân sách có xu hướng giảm rõ rệt qua từng tháng.
Trong đó, thu nội địa từ thuế, phí tháng 7 giảm 10,8%, tháng 8 giảm 21% và tháng 9 giảm 26,5% so với cùng kỳ năm 2020; thu từ hoạt động xuất nhập khẩu tháng 8 giảm khoảng 31,4% so tháng 7, sang tháng 9 giảm 13,6% so tháng 8 và giảm 22,3% so bình quân 9 tháng đầu năm.
Với dự toán thu ngân sách năm 2021 là 1.343,3 nghìn tỷ đồng, trên cơ sở kết quả thu đã thực hiện, phấn đấu quyết liệt những tháng cuối năm, tại dự thảo “Báo cáo công khai dự toán ngân sách nhà nước năm 2022 Chính phủ trình Quốc hội”, Bộ Tài chính đánh giá thực hiện cả năm thu ngân sách nhà nước ước đạt 1.365,5 nghìn tỷ đồng, tăng 1,7% so với dự toán, giảm 9,4% so với thực hiện năm 2020; tỷ lệ huy động vào ngân sách nhà nước đạt 16,1% GDP, riêng huy động từ thuế, phí đạt 13,2% GDP.
Trong công tác chi ngân sách nhà nước, dự toán chi cân đối ngân sách nhà nước là 1.687 nghìn tỷ đồng, ước chi ngân sách nhà nước cả năm đạt 1.709,2 nghìn tỷ đồng, tăng 1,3% so dự toán. Trong chi đầu tư phát triển, dự toán chi là 477,3 nghìn tỷ đồng. Tiến độ giải ngân vốn đầu tư phát triển 9 tháng đầu năm vẫn chậm, mới đạt 47,38% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao.
Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 63/NQ-CP ngày 29/6/2021, đưa ra các nhiệm vụ, giải pháp thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công trong năm 2021. Đồng thời, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ họp trực tuyến với các bộ, cơ quan trung ương và địa phương để chỉ đạo, xử lý tháo gỡ các vướng mắc nhằm thúc đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công.
Bộ Tài chính cũng đã tổ chức hội nghị trực tuyến với các bộ, cơ quan trung ương và địa phương để rà soát, tháo gỡ khó khăn và đề xuất giải pháp thúc đẩy giải ngân nguồn vốn ODA năm 2021; đồng thời, chỉ đạo hệ thống Kho bạc Nhà nước rút ngắn thời gian xử lý hồ sơ, thủ tục giải ngân, tạo thuận lợi cho các chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ thực hiện và nghiệm thu khối lượng hoàn thành, gửi hồ sơ thanh toán đến Kho bạc Nhà nước.
Với tinh thần đó, phấn đấu đến hết thời gian chỉnh lý quyết toán (31/01/2022) giải ngân vốn đầu tư đạt khoảng 76% kế hoạch; Kế hoạch vốn còn lại của các dự án có khả năng thực hiện sẽ được chuyển nguồn sang năm 2022 theo quy định. Theo đó, ước thực hiện chi đầu tư phát triển cả năm đạt 489,9 nghìn tỷ đồng, tăng 2,6% so với dự toán.
Dự toán chi thường xuyên năm 2021 là 1.036,7 nghìn tỷ đồng. Theo Bộ Tài chính, ước thực hiện chi cả năm đạt 1.059,2 nghìn tỷ đồng, tăng 2,2% so dự toán, chủ yếu là tăng chi của ngân sách địa phương và được bổ sung từ nguồn dự phòng ngân sách trung ương, dự phòng, dự trữ và các nguồn lực khác của ngân sách địa phương để chi cho công tác phòng, chống dịch COVID-19, khắc phục hậu quả thiên tai cũng như thực hiện các chế độ, chính sách đã ban hành, đảm bảo an sinh xã hội.
Dự toán bội chi ngân sách nhà nước năm 2021 là 343,67 nghìn tỷ đồng, bằng 4%GDP. Phấn đấu điều hành bảo đảm bội chi ngân sách nhà nước năm 2021 trong phạm vi 4%GDP. Dự kiến đến cuối năm 2021, dư nợ công khoảng 43,7%, dư nợ Chính phủ khoảng 39,5%, dư nợ vay nước ngoài của quốc gia khoảng 38,8% so với GDP ước thực hiện, nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ khoảng 24,8% tổng thu ngân sách nhà nước.
Phấn đấu hoàn thành cao nhất nhiệm vụ tài chính – ngân sách nhà nước
Với quyết tâm phấn đấu hoàn thành cao nhất nhiệm vụ tài chính – ngân sách nhà nước năm 2021, góp phần kiểm soát dịch bệnh, phục hồi phát triển kinh tế, trong thời gian còn lại của năm 2021, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục điều hành chính sách tài khóa chủ động, phối hợp chặt chẽ với chính sách tiền tệ nhằm ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ phục hồi và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Kiểm soát chặt chẽ bội chi ngân sách nhà nước, giữ mức nợ công không vượt quá giới hạn cho phép.
Cùng với đó, tập trung triển khai các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp và người dân bị ảnh hưởng của đại dịch COVID-19; tiếp tục rà soát, trình cấp có thẩm quyền ban hành và hướng dẫn, tổ chức triển khai có hiệu quả các giải pháp về kinh tế, tiền tệ và tài khóa để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, người dân, ứng phó với đại dịch COVID-19, khôi phục sản xuất, kinh doanh, đảm bảo an sinh xã hội.
Bộ Tài chính sẽ chủ động cân đối, đảm bảo tập trung nguồn lực ngân sách nhà nước, huy động các nguồn tài trợ, đóng góp tự nguyện của cộng đồng doanh nghiệp, người dân để chi cho công phòng chống COVID-19 và các nhiệm vụ cấp bách khác. Tăng cường nguồn lực dự trữ quốc gia để ứng phó kịp thời các tình huống đột xuất, cấp bách, thiên tai, dịch bệnh, phòng chống biến đổi khí hậu, đảm bảo quốc phòng, an ninh.
Đồng thời, thực hiện tốt công tác quản lý thu; tổ chức điều hành chi ngân sách nhà nước chặt chẽ; tập trung đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế; tiếp tục rà soát, triệt để tiết kiệm chi thường xuyên, thực hiện cắt giảm các khoản chi chưa thực sự cần thiết, chậm triển khai. Quản lý, kiểm soát chặt chẽ nợ công, cơ cấu nợ công theo hướng bền vững; sử dụng hiệu quả ngân quỹ nhà nước; kiểm soát chặt chẽ hoạt động của các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách.
Có thể thấy, trong điều kiện rất khó khăn do dịch bệnh, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo sát sao, quyết liệt của Đảng, Nhà nước và nỗ lực rất lớn của các cấp, các ngành và địa phương, nhiệm vụ ngân sách nhà nước năm 2021 vẫn đạt được những kết quả tích cực. Cân đối thu, chi ngân sách nhà nước được bảo đảm, đáp ứng yêu cầu chi phòng, chống dịch và các nhiệm vụ quan trọng, cấp bách khác; đồng thời, thực hiện nhiều chính sách ưu đãi, giãn, miễn, giảm các khoản thuế, phí, lệ phí, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp ứng phó với dịch bệnh. Công tác quản lý thu, chi ngân sách nhà nước và hiệu quả sử dụng ngân quỹ nhà nước tích cực, giữ vững an toàn nợ công.