Cần giữ người giỏi trong bộ máy nhà nước để kiến tạo chính sách, phục vụ nhân dân

Trần Huyền

Tham gia phát biểu giải trình tại phiên chất vấn của Quốc hội về tự chủ đơn vị sự nghiệp công lập sáng ngày 5/11/2022, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho rằng, cần giữ được những người giỏi trong bộ máy nhà nước để kiến tạo chính sách, quản lý và phục vụ nhân dân tốt nhất, thúc đẩy và làm nền tảng cho sự phát triển đất nước.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc phát biểu tại phiên họp. Ảnh: quochoi.vn
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc phát biểu tại phiên họp. Ảnh: quochoi.vn

Cần giữ người giỏi trong bộ máy nhà nước

Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho biết, việc tự chủ tài chính tập trung ở các lĩnh vực giáo dục và đào tạo, y tế và khoa học công nghệ. Giáo dục và y tế là hai trụ cột an sinh xã hội quan trọng để phục vụ người dân, nếu phục vụ không tốt sẽ ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng cuộc sống, học tập, sức khoẻ của người dân. Do đó, Bộ trưởng cho rằng, khi thực hiện cơ chế tự chủ tài chính của các đơn vị sự nghiệp công lập trong hai lĩnh vực này cần phải thận trọng, chắc chắn, hiệu quả, tránh làm theo phong trào.

Khi đặt ra vấn đề tự chủ là để tăng tính chủ động, sáng tạo và tự quyết của đơn vị sự nghiệp công lập. Nếu đơn vị sự nghiệp công lập đảm bảo tự chủ tài chính 100% sẽ thực hiện được việc trả lương theo kết quả lao động. Nếu đảm bảo tự chủ chi thường xuyên thì trả lương theo quy định, số tiền còn lại được đưa vào quỹ thu nhập hưởng và là quỹ của cơ quan, đơn vị để tái đầu tư cơ sở vật chất...

Theo Bộ trưởng, vấn đề đặt ra là làm thế nào để đảm bảo tốt nhất chất lượng dịch vụ để phục vụ người dân.

Bộ trưởng Bộ Tài chính nhấn mạnh, những đơn vị chưa đảm bảo tự chủ, chưa thu hút được nguồn lực từ bên ngoài thì ngân sách nhà nước phải đảm bảo để đổi mới trang thiết bị, công nghệ và giữ được người giỏi trong hệ thống để nhằm phục vụ người dân tốt nhất.

Qua tìm hiểu kinh nghiệm quốc tế, Bộ trưởng cho biết, có quốc gia trả lương của công chức cao hơn nhiều so với khối doanh nghiệp ngoài nhà nước. Bởi như vậy sẽ giữ được những người giỏi để kiến tạo chính sách, xây dựng, hoạch định chiến lược và để có thể quản lý nhà nước một cách tốt nhất, thúc đẩy và làm nền tảng cho sự phát triển đất nước.

Bộ trưởng cho rằng, cần phải giữ được lực lượng tinh hoa nhất, tinh tuý nhất trong bộ máy nhà nước, đặc biệt trong giáo dục và y tế để phục vụ nhân dân tốt nhất.

Quan trọng là phục vụ người dân ngày càng tốt hơn

Theo Bộ trưởng Hồ Đức Phớc, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 60/2021/NĐ-CP, trong đó xác định là tự chủ một phần hoặc là tự chủ toàn diện. Việc xây dựng tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp là nhằm để thực hiện nhiệm vụ chính trị của Nhà nước giao và hoàn thiện các danh mục tự chủ để từ đó xác định được nguồn ngân sách nhà nước và các nguồn khác phục vụ cho hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập.

Về nguyên tắc, đối với các dịch vụ thiết yếu thì Nhà nước đảm bảo về mặt kinh phí; các dịch vụ cơ bản thì Nhà nước hỗ trợ kinh phí. Đối với dịch vụ đặc thù của một số ngành, lĩnh vực thì thực hiện theo cơ chế đặt hàng hoặc đấu thầu để tạo điều kiện cho các đơn vị ngoài công lập tham gia.

Cùng với việc thực hiện tự chủ tài chính đối với các đơn vị sự nghiệp công lập cũng tiến hành hoàn thiện một số chính sách như chính sách đất đai hay về đấu thầu. Một số đơn vị sự nghiệp công lập trước đây có thí điểm tự chủ toàn phần, tuy nhiên, việc huy động nguồn lực xã hội hoá gặp khó khăn nên các đơn vị xin thôi không thực hiện tự chủ toàn phần.

Những đơn vị này xin tự chủ một phần chi thường xuyên, còn chi đầu tư như: mua sắm máy móc, thiết bị, xây dựng cơ sở mới... thì ngân sách nhà nước đảm bảo. Bộ trưởng cho rằng điều này là hợp lý để miễn làm sao phục vụ người dân tốt nhất, đơn vị ngày càng phát triển. Khi có nguồn thu ổn định, phát triển thì tiến tới tự chủ toàn bộ. "Có như vậy, chất lượng dịch vụ ngày một tăng lên và phục vụ người dân ngày một tốt hơn.” -  Bộ trưởng nhấn mạnh.