Cần quản lý tốt hơn tài chính cá nhân, gia đình trong kỷ nguyên mới

Bích Ngọc

Việt Nam đang tiến vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên phát triển bứt phá, tăng tốc. Mục tiêu đến năm 2030, Việt Nam trở thành nước đang phát triển, thu nhập trung bình cao; đến năm 2045 trở thành nước phát triển, có thu nhập cao. Là một trong ba trụ cột của hệ thống tài chính quốc gia, tài chính cá nhân, gia đình là vấn đề cần được quan tâm và quản lý tốt hơn.

Tài chính cá nhân, gia đình được coi là một trong ba trụ cột của hệ thống tài chính quốc gia.
Tài chính cá nhân, gia đình được coi là một trong ba trụ cột của hệ thống tài chính quốc gia.

Trong tiến trình Việt Nam hội nhập sâu rộng và chuyển mình theo hướng hiện đại hóa, bước vào kỷ nguyên mới, phát triển bứt phá, tài chính cá nhân, gia đình ngày càng đóng vai trò quan trọng. Đây được coi là huyết mạch để nuôi dưỡng tế bào nền tảng kinh tế cá nhân, gia đình vững chắc, là động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, tạo cơ sở cho đất nước phát triển bứt phá bước vào kỷ nguyên mới.

Bên cạnh đó, tài chính cá nhân, gia đình được coi là một trong ba trụ cột của hệ thống tài chính quốc gia. Trong bối cảnh kinh tế Việt Nam phát triển theo hướng kinh tế số, kinh tế xanh và kinh tế tuần hoàn, tài chính cá nhân, gia đình đang thể hiện rõ hơn vai trò của mình trên cơ sở định hướng tiêu dùng, đầu tư, tăng cường quản trị rủi ro và do đó, góp phần vào sự phát triển của nền kinh tế.

Theo TS. Lê Minh Nghĩa - Chủ tịch Hiệp hội Tư vấn Tài chính Việt Nam (VFCA), một trong những thách thức lớn nhất người dân Việt Nam đang đối mặt trong việc quản lý tài chính cá nhân hiện nay là phần lớn người dân còn thiếu kiến thức kinh tế tài chính, chỉ số về hiểu biết tài chính cá nhân của người dân Việt Nam thấp hơn các nước trong khu vực. Thay vì làm giàu dựa trên lao động chân chính thì một bộ phận không nhỏ cá nhân làm giàu bằng đầu cơ, chụp giật… gây hại cho chính họ và cả hệ sinh thái đầu tư. Điều này dẫn tới tỷ lệ nhà đầu tư cá nhân tham gia thị trường tài chính (chứng khoán, bảo hiểm, bất động sản…) chiếm phần lớn hơn rất nhiều tỷ lệ nhà đầu tư tổ chức. Hơn nữa, nhiều nhà đầu tư cá nhân thiếu kiến thức, kinh nghiệm đầu tư, năng lực tài chính thấp…

Song song với đó, tài chính cá nhân, gia đình cũng đang đối mặt với những thách thức đến từ môi trường, trong bối cảnh chung nền kinh tế diễn biến phức tạp, ngày càng khó dự đoán, lạm phát và chi phí sinh hoạt tăng cao, đặc biệt là diễn biến về giá nhà ở, giá đất, như đã thấy trong thời gian vừa qua, gây áp lực tài chính lớn cho người dân.

Thực trạng già hóa dân số cũng là một thách thức khiến cho người dân Việt Nam có thể đứng trước nguy cơ “già trước khi giàu”, trong dài hạn, sẽ gặp nhiều khó khăn trong việc duy trì thu nhập và tiết kiệm, giảm khả năng lao động, chi phí y tế cao và gia tăng áp lực lên hệ thống an sinh xã hội.

Để giúp người dân có thể thích ứng và quản lý tài chính cá nhân hiệu quả, Đảng, Nhà nước ta đã có sự quan tâm, ban hành những chính sách thúc đẩy phát triển tài chính cá nhân, đơn cử như Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia đế năm 2025, định hướng đến năm 2030.

Tuy nhiên, để quản lý tốt tài chính cá nhân, gia đình, TS. Lê Minh Nghĩa cho rằng sự chủ động của từng người dân là rất quan trọng. Mỗi người dân cần chủ động học tập, nâng cao kiến thức kinh tế tài chính cho mình. Bên cạnh đó, rất cần sự vào cuộc đồng bộ của toàn bộ hệ thống chính trị, các tổ chức xã hội, tổ chức xã hội nghề nghiệp, các doanh nghiệp, đặc biệt là các định chế tài chính để hỗ trợ giáo dục đào tạo, nâng cao dân trí kinh tế tài chính cho người dân.