Cần tiếp tục hoàn thiện hành lang pháp lý để khơi dòng “tín dụng xanh”
Để hiện thực hóa mục tiêu phát triển nền kinh tế xanh theo tinh thần Quyết định số 1658/QD-TTg của Thủ tướng Chính phủ, chuyên gia cho rằng, cần tiếp tục hoàn thiện hành lang pháp lý…
Thống kê của Ngân hàng Nhà nước cho thấy, hiện có tới 40 tổ chức tín dụng cấp “tín dụng xanh” với lãi suất thấp hơn thông thường, để cho vay các cá nhân, doanh nghiệp có nhu cầu vay vốn cho hoạt động sản xuất kinh doanh, phục vụ đời sống mà không gây ảnh hưởng xấu hoặc có khả năng bảo vệ tài nguyên, môi trường, xã hội. Trong đó, dư nợ cam kết cho vay các dự án “tín dụng xanh” của Agribank, Sacombank, VietinBank, Vietcombank, BIDV, Agribank, SHB, HDBank, OCB… đã lên tới hàng chục nghìn tỷ đồng.
Chưa kể, một số ngân hàng còn tài trợ các dự án “tín dụng xanh” thông qua mua lại trái phiếu do chính doanh nghiệp đầu tư phát hành, nên con số thực có thể còn cao hơn nữa.
Mặc dù đã có những tín hiệu tích cực, thế nhưng, việc “xanh hóa” nguồn vốn đầu tư theo tinh thần Quyết định số 1658/QD-TTg của Thủ tướng Chính phủ được cho vẫn còn đó không ít khó khăn, thách thức.
Thực tế, dư nợ tín dụng xanh từ năm 2017 đến năm 2021 đạt tăng trưởng trung bình hàng năm trên 25%, cao hơn so với tốc độ tăng trưởng tín dụng chung của nền kinh tế, tuy nhiên, tính đến 30/9/2023, dư nợ cấp tín dụng xanh mới đạt hơn 564.000 tỷ đồng (chỉ chiếm 4,32% tỷ trọng tổng dư nợ toàn nền kinh tế).
Bên cạnh đó, ngoài các lĩnh vực được tài trợ chủ yếu như nông nghiệp xanh, quản lý nước bền vững và gần đây là năng lượng tái tạo, năng lượng sạch, thì nhiều lĩnh vực quan trọng trong công tác bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu như: quản lý chất thải, giao thông và xây dựng bền vững... cũng chưa được chú trọng.
Theo Trưởng phòng Tín dụng chính sách, Vụ Tín dụng các ngành kinh tế - Ngân hàng Nhà nước Việt Nam - Trần Anh Quý, chúng ta vẫn chưa có Danh mục phân loại xanh quốc gia làm cơ sở để huy động nhiều hơn nữa nguồn tài chính xanh.
“Trên cơ sở một danh mục phân loại xanh quốc gia với các tiêu chí môi trường rõ ràng thì tỷ trọng đóng góp của ngành ngân hàng sẽ cao hơn nhiều con số tín dụng xanh hiện tại”, ông Trần Anh Quý nhìn nhận.
Bên cạnh những vấn đề đã nêu, một số ý kiến cũng cho rằng, các chính sách hỗ trợ phát triển tín dụng xanh giai đoạn vừa qua cũng chưa giải quyết được vấn đề nguồn vốn cho các Ngân hàng thương mại thực hiện tín dụng xanh. Trong khi các dự án đầu tư xanh cần nguồn vốn trung và dài hạn thì nguồn huy động của các tổ chức tín dụng phần lớn là vốn ngắn hạn.
Mặt khác, mặc dù các dự án xanh được xem là lĩnh vực được ưu tiên cho vay vốn, tuy nhiên, thực tế lãi suất cho vay đối với các dự án xanh vẫn chưa có sự khác biệt với các khoản vay khác của ngân hàng. Mức lãi suất ngắn hạn dao động trong khoảng 6,2 - 9,4%/năm, các khoản vay trung, dài hạn khoảng 9,4 - 11,4%/năm do lĩnh vực này vẫn còn tồn tại những khó khăn như cơ chế ưu đãi còn chưa rõ ràng, chi phí đầu tư lớn, thời gian hoàn vốn bị kéo dài, rủi ro thị trường cao, dễ phát sinh thêm chi phí
Trước hiện trạng đã nêu, để tháo gỡ khó khăn và khơi thông nguồn vốn này, ông Nguyễn Bá Hùng - Chuyên gia Kinh tế trưởng Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tại Việt Nam đề xuất, cần tiếp tục hoàn thiện hành lang pháp lý.
Đồng tình với đề xuất đã nêu, bà Phạm Thị Thanh Tùng - Phó Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, Ngân hàng Nhà nước khuyến nghị, để hoàn thiện hành lang pháp lý, cần xây dựng tiêu chí xác định dự án xanh phù hợp với phân ngành kinh tế của Việt Nam làm cơ sở cho các tổ chức tín dụng có căn cứ thẩm định, đánh giá và giám sát khi thực hiện cấp tín dụng xanh.
Cùng với đó, cần xây dựng lộ trình thực hiện các cơ chế chính sách hỗ trợ các ngành xanh (thuế, phí, vốn, kỹ thuật, thị trường, đến quy hoạch, chiến lược phát triển…) của từng ngành/lĩnh vực một cách đồng bộ nhằm thu hút và phát huy hiệu quả của nguồn vốn tín dụng xanh.
Về định hướng của cơ quan quản lý, bà Phạm Thị Thanh Tùng cho biết, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục chỉ đạo, hướng dẫn các Tổ chức tín dụng tập trung bố trí nguồn vốn phù hợp để cho vay ưu đãi khuyến khích chủ đầu tư thực hiện dự án thuộc danh mục phân loại xanh; phối hợp với các bộ, ngành liên quan hỗ trợ các Tổ chức tín dụng tiếp nhận nguồn vốn viện trợ, cho vay ưu đãi nước ngoài…
Được biết, trước đó, để thúc đẩy phát triển bền vững nền kinh tế, ngày 01/10/2021, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Quyết định số 1658/QD-TTg về Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050. Trong đó, hoạt động tín dụng xanh, ngân hàng xanh đóng vai trò rất quan trọng trong việc triển khai thành công chiến lược này.