Cục Thuế tỉnh Tuyên Quang: Chống thất thu từ các lĩnh vực rủi ro cao

Theo thoibaotaichinhvietnam.vn

Thực hiện chỉ đạo của Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế về việc tăng cường các giải pháp chống thất Chống thất thu ngân sách nhà nước, Cục Thuế tỉnh Tuyên Quang đã triển khai nhiều giải pháp để chống thất thu từ hoạt động kinh doanh xăng dầu và các doanh nghiệp khai thác cát, sỏi.

Lãnh đạo Chi cục Thuế TP.Tuyên Quang kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ của Đội Kiểm tra thuế.
Lãnh đạo Chi cục Thuế TP.Tuyên Quang kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ của Đội Kiểm tra thuế.

Giám sát chặt các doanh nghiệp xăng dầu

Ông Phạm Trung Sơn - Cục trưởng Cục Thuế tỉnh Tuyên Quang cho biết, đến ngày 15/11, hai tổ công tác gồm đại diện: Cục Thuế tỉnh Tuyên Quang, Sở Công thương, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Tuyên Quang đã thực hiện dán tem niêm phong, ghi chỉ số đồng hồ (công tơ) tổng trên các cột bơm xăng, dầu và chốt hóa đơn cuối cùng tại thời điểm dán tem tại 28 doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu với 69 cửa hàng, 190 cột bơm, 224 đồng công tơ. Tổng số niêm phong đã dán là 923 tem, trên địa bàn toàn tỉnh.

Lãnh đạo Cục Thuế tỉnh Tuyên Quang cũng chỉ đạo chi cục thuế các huyện, thành phố, Phòng Kiểm tra thuế thực hiện quản lý thuế đối với hoạt động kinh doanh xăng, dầu. “Các chi cục thuế phải tiến hành giám sát kê khai nộp thuế; quản lý, sử dụng tem niêm phong theo chỉ đạo của Cục về việc quản lý thuế đối với lĩnh vực kinh doanh xăng, dầu khi dán tem. Tổng hợp, báo cáo kết quả chậm nhất sau 5 ngày kể từ ngày hết hạn nộp hồ sơ khai thuế tháng, quý và gửi về Cục thuế”, ông Sơn cho biết.

Theo đại diện Cục Thuế tỉnh Tuyên Quang, không chỉ bây giờ Cục Thuế mới triển khai các giải pháp chống thất thu ngân sách nhà nước (NSNN), mà trong năm qua đã rất chú trọng đến vấn đề này. “Cục Thuế đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo các đơn vị chức năng trong ngành thực hiện đồng bộ các giải pháp chống thất thu NSNN, phát hiện và xử lý kịp thời các hành vi chuyển giá, hành vi gian lận khác để trốn thuế. Đặc biệt, chúng tôi tăng cường công tác phân tích chuyên sâu người nộp thuế thông qua việc rà soát sử dụng hóa đơn để phát hiện các yếu tố rủi ro trong kê khai thuế, trong đó tập trung vào các lĩnh vực: Xây dựng, khai thác khoáng sản, kinh doanh thương mại, dịch vụ, kinh doanh hàng nông, lâm sản…”, ông Sơn nói.

Cục Thuế Tuyên Quang cũng tổ chức triển khai xử lý thông tin và tăng cường công tác đối chiếu, xác minh, thanh tra, kiểm tra các tổ chức, cá nhân có giao dịch bất thường, có yếu tố rủi ro cao như số thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) đạt tỷ lệ thấp, thuế giá trị gia tăng (GTGT) đột biến so với cùng kỳ của các năm trước. Đồng thời, tổ chức phối hợp chặt chẽ với cơ quan công an để đấu tranh chống các hành vi trốn thuế, gian lận thuế, tội phạm về thuế trong lĩnh vực quản lý và sử dụng hóa đơn.

Quản lý chặt việc sử dụng hóa đơn

Theo Cục Thuế tỉnh Tuyên Quang, thời gian qua hành vi gian lận, trốn thuế ngày càng tinh vi. Một trong những hành vi đó là trao đổi, mua bán hóa đơn bất hợp pháp diễn ra ngày càng khó lường. Do đó, Cục Thuế tỉnh Tuyên Quang đã tăng cường triển khai việc thanh tra, kiểm tra để kịp thời phát hiện và xử lý các vi phạm về hóa đơn như: Lập khống hóa đơn; cho hoặc bán hóa đơn chưa lập; bán hóa đơn đã lập, hóa đơn sai lệch nội dung giữa các liên; dùng hóa đơn hàng hóa, dịch vụ này để chứng minh cho hàng hóa, dịch vụ khác để tổ chức, cá nhân khác hạch toán, khai thuế hoặc thanh toán vốn ngân sách, làm giảm số thuế TNDN, thuế GTGT phải nộp, các doanh nghiệp có hàng hóa, dịch vụ bán ra thực tế không xuất hóa đơn và kê khai thuế.

Qua rà soát, Cục Thuế tỉnh Tuyên Quang đã tiến hành kiểm tra việc sử dụng hóa đơn đối với các doanh nghiệp khai thác tài nguyên như cát, sỏi. Sở dĩ cơ quan thuế tiến hành kiểm tra các doanh nghiệp này vì trên thực tế, việc kê khai doanh thu rất thấp. Hầu hết các hộ gia đình khi mua đều không yêu cầu người bán xuất hóa đơn và việc mua bán chủ yếu diễn ra trên sông, sau đó vận chuyển đi các tỉnh miền xuôi tiêu thụ. Có hiện tượng, một số doanh nghiệp được thành lập thực tế không đủ năng lực tài chính và máy móc thiết bị nhưng lại có doanh thu rất lớn, đặc biệt là trong lĩnh vực thương mại, dịch vụ vận tải.

Ngoài ra, các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xây dựng, kinh doanh thương mại, dịch vụ thường mua bán hóa đơn bất hợp pháp, với thủ đoạn rất tinh vi để hợp lý hóa chi phí đầu vào. “Lợi dụng sự thông thoáng của chính sách thuế, đó là hiện nay khi nộp tờ khai, người nộp thuế không phải nộp bảng kê thuế đầu vào, đầu ra, bảng kê hóa đơn bán hàng nên việc rà soát, tra cứu và xác minh hóa đơn tại cơ quan thuế bị hạn chế. Chính vì thế phải thông qua thanh tra, kiểm tra thuế tại trụ sở của người nộp thuế mới có thể so sánh, đối chiếu được chi tiết. Đó cũng là cái khó trong hoạt động quản lý hóa đơn”, ông Sơn cho biết.