Chủ động giảm áp lực kỳ quyết toán ngân sách năm 2013
(Tài chính) Vào những ngày cuối cùng của năm 2013, may mắn được tham gia chương trình động viên khóa sổ, quyết toán cuối năm của Kho bạc Nhà nước (KBNN) tại tỉnh Điện Biên, Sơn La, Hòa Bình, chúng tôi mới cảm nhận hết được về tinh thần làm việc hăng say của những cán bộ công chức “tay hòm chìa khoá ngân sách”, khi thời gian khóa sổ cuối năm là rất ít.
Năm 2013 là năm thứ hai, ngành Kho bạc triển khai công tác khóa sổ quyết toán cuối năm ở 63 tỉnh, thành phố trên hệ thống TABMIS (Hệ thống Thông tin Quản lý Ngân sách-Kho bạc). Đây được coi là bước ngoặt của hệ thống KBNN, nhưng cũng là thách thức bởi bên cạnh việc đảm bảo hệ thống kỹ thuật thông suốt, cơ quan Kho bạc từ Trung ương đến địa phương còn phải tập trung phối hợp linh hoạt với chính quyền, cơ quan thu để hoàn thành tốt công việc điều hành thu, chi ngân sách trên địa bàn vào thời điểm cuối năm.
Do vậy để hỗ trợ hệ thống Kho bạc, Bộ Tài chính phối hợp với các đối tác liên quan thành lập Tổ hỗ trợ từ xa để tiếp nhận và xử lý vướng mắc của cơ quan Kho bạc trong quá trình thực hiện quyết toán, khoá sổ. Nhằm đảm bào công tác khóa sổ đồng loạt trên TABMIS và không xảy ra trục trặc về kỹ thuật kết nối giữa cơ quan thu với Kho bạc, cũng như việc nhập số liệu, chứng từ.
Bên cạnh đó, để hoàn thành kế hoạch thực hiện công tác khóa sổ kế toán và quyết toán niên độ ngân sách 2013, ngay từ tháng 11/2013, KBNN đã chỉ đạo hệ thống kho bạc tại các tỉnh, thành phố phối hợp với các sở, ban ngành trên địa bàn đôn đốc đơn vị, chủ đầu tư khẩn trương hoàn tất các thủ tục, chứng từ thanh, quyết toán kinh phí năm 2013 (bao gồm cả vốn đầu tư) với các cơ quan Kho bạc. Trong đó, chú ý đến rà soát kinh phí tạm ứng ngân sách để kịp thời thanh, quyết toán, hoàn trả tạm ứng cho ngân sách theo quy định.
Tại địa bàn Điện Biên, Giám đốc KBNN Điện Biên Nguyễn Ngọc Phong cho biết, trong những năm qua, Điện Biên luôn được biết đến là một trong những địa phương có tốc độ đầu tư vốn ngân sách lớn trong cả nước. Nhưng đến thời điểm cuối năm này KBNN Điện Biên hoàn toàn yên tâm về khả năng vốn thanh toán cũng như khó có chuyện ách tắc trong công tác giải ngân vào những ngày cuối năm.
Một trong những nguyên nhân được Giám đốc Nguyễn Ngọc Phong chỉ ra, ngay từ đầu năm tỉnh Điện Biên đã chủ động thực hiện giao dự toán đầu tư; hạn chế giao bổ sung. Về phía cơ quan Kho bạc thông báo với các chủ đầu tư, ban quản lý dự án thông báo cụ thể thời gian thanh toán năm 2013 với từng nguồn vốn, nắm bắt và có biện pháp tháo gỡ vướng mắc, kiến nghị của các dự án trên địa bàn nhằm đẩy nhanh tiến độ giải ngân các khoản chi ngân sách nhà nước (NSNN) nhưng vẫn đảm bảo chặt chẽ đúng chế độ quy định. Nghiêm cấm mọi hành vi sách nhiễu, gây khó khăn cho chủ đầu tư trong quá trình kiểm soát thanh toán hay yêu cầu thêm những hồ sơ, tài liệu trái với quy trình của KBNN.
Ngoài ra, để triển khai công tác khóa sổ ngân sách năm 2013, KBNN Điện Biên đã tổ chức làm việc liên tục các ngày trong tuần (kể cả ngày thứ Bảy và Chủ nhật) để tiếp nhận và xử lý kịp thời các nội dung thanh toán phát sinh; đồng thời thông báo cụ thể thời gian kết thúc giao dịch niên độ ngân sách năm 2013 để các đơn vị giao dịch chủ động thực hiện. Hiện tổng chi NSNN trên địa bàn ước đạt 17.204,125 tỷ đồng; trong đó, chi đầu tư xây dựng cơ bản là 2.112,210 tỷ đồng (đạt 87% kế hoạch năm 2013); chi chương trình mục tiêu là 523,785 tỷ đồng (đạt 85,04% kế hoạch).
Còn theo chia sẻ của lãnh đạo KBNN Sơn La, Giám đốc Nguyễn Thế Chất, một trong những yếu tố giảm áp lực cho cơ quan Kho bạc chính là việc ứng dụng công nghệ thông tin trong tập trung nhanh các nguồn thu và thực hiện kiểm soát các khoản chi NSNN. Đơn cử như: Dự án hiện đại hoá quy trình quản lý thu nộp thuế giữa cơ quan Thuế - Hải quan - KBNN theo hướng đơn giản về thủ tục hành chính, giảm thiểu thời gian và thủ tục nộp cho đối tượng nộp thuế. Kết quả đã giảm áp lực thu tại KBNN vào các thời điểm cuối năm.
Song song với đó, ngành Kho bạc đã thực hiện việc mở rộng và tăng cường thanh toán điện tử với hệ thống ngân hàng, bao gồm: Thanh toán điện tử song phương, thanh toán bù trừ điện tử, thanh toán điện tử liên ngân hàng; tăng cường triển khai công tác thanh toán không dùng tiền mặt trong hệ thống KBNN thực hiện chuyển lương qua tài khoản ngân hàng…
Do đó, KBNN Sơn La xác định phải phối hợp chặt chẽ với các ngành Tài chính, Thuế, Ngân hàng và Kế hoạch đầu tư trong việc tập trung các khoản thu NSNN phải đảm bảo chính xác, đầy đủ, kịp thời; phân bổ nguồn vốn ngân sách cần phải có hiệu quả, tiết kiệm hơn, tránh đầu tư dàn trải lãng phí ngân sách. Thực hiện kiểm soát chi NSNN trong hệ thống KBNN chặt chẽ theo đúng quy định.
Vào thời điểm này, trung bình phòng giao dịch Kho bạc từ cấp tỉnh, cấp huyện thuộc tỉnh Sơn La phải giải quyết trên dưới 500 chứng từ, với số tiền lưu chuyển từ 50 tỷ đến gần 100 tỷ đồng mỗi ngày. Áp lực là vậy và để hoàn thành nhiệm vụ được giao, một trong những bài học “nằm lòng” của đội ngũ cán bộ công chức Sơn La là nỗ lực hết mình, đảm bảo chính xác trong nghiệp vụ thanh quyết toán các khoản chi, thực hiện đúng quy trình, thủ tục, thời gian và an toàn tuyệt đối đối với hệ thống kho quỹ.