Cần cơ chế, chính sách đồng bộ cho "tín dụng xanh"

Theo Ngọc Quỳnh/congthuong.vn

Tín dụng xanh là một trong những cấu phần trọng tâm trong chiến lược phát triển bền vững lĩnh vực ngân hàng. Tuy nhiên, thực tiễn triển khai tín dụng xanh vẫn cho thấy, còn nhiều thách thức ở cả góc độ nội tại của các ngân hàng cũng như hệ thống cơ chế, chính sách, cần có những điều chỉnh thích hợp.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Tiềm năng và rào cản lớn

Tín dụng xanh, hiểu đơn giản đó là các khoản tín dụng được ngân hàng cấp cho các dự án sản xuất kinh doanh “xanh” không gây rủi ro cho môi trường, ứng phó với những thách thức về môi trường và xã hội. Tại Việt Nam, tín dụng xanh đã được triển khai trong những năm gần đây nằm trong khuôn khổ chung về trách nhiệm đối với môi trường và xã hội mang tính toàn cầu.

Theo kết quả khảo sát của Viện Chiến lược ngân hàng, có khoảng 88% các ngân hàng thương mại coi tín dụng xanh là một mảng kinh doanh tiềm năng, trong đó 68% có kế hoạch sẽ mở rộng dịch vụ tín dụng xanh trong ngắn và trung hạn. Môi trường, khoa học kỹ thuật, bảo hiểm... được các ngân hàng đánh giá là mảng kinh doanh nhiều triển vọng để cấp các khoản cho vay tín dụng xanh.

Số liệu khảo sát của nhóm nghiên cứu thuộc Trường Đại học Thương mại, cho thấy, nếu như năm 2017, dư nợ tín dụng xanh tại Việt Nam đạt khoảng 180.000 tỷ đồng, thì đến năm 2019 là trên 300.000 tỷ đồng, đến năm 2021 ước tính đạt khoảng trên 340.000 tỷ đồng. Mức dư nợ tín dụng xanh này, cũng mới chiếm một tỷ trọng còn rất khiêm tốn trong tổng dư nợ ngành ngân hàng (khoảng 3%).

Nhiều khoản tín dụng xanh đã được các ngân hàng cấp cho các dự án đầu tư trong nhiều lĩnh vực như thủy điện; nông nghiệp nông thôn; lâm nghiệp; kinh tế hộ gia đình; du lịch; nước và xử lý rác thải; năng lượng hiệu quả và tiếp tiết kiệm năng lượng; ứng dụng công nghệ cao; xây dựng, bất động sản… Qua đó, đã góp phần tích cực làm xanh hóa nguồn vốn đầu tư, thúc đẩy chuyển đổi và tăng trưởng xanh kinh tế, phát triển bền vững tại Việt Nam.

Tuy nhiên, theo TS. Đặng Minh Nguyệt - Phó trưởng Khoa Tài chính - Ngân hàng, thuộc Trường Đại học Thương mại, triển khai tín dụng xanh trong thực tiễn vẫn còn gặp nhiều khó khăn, thách thức. Ở góc độ nội tại ngân hàng, thì chi phí cho vay các khoản tín dụng xanh lớn và đầu tư dài hạn, lợi nhuận thấp, chưa có qui trình đánh giá chuẩn trong thẩm định; qui mô các khoản tín dụng xanh và mức độ rủi ro rất lớn vượt quá cả khả năng tài chính cũng như năng lực quản lý của các ngân hàng thương mại.

Ở góc độ quản lý, thì cơ chế, chính sách, hành lang pháp lý cho tín dụng xanh cũng như liên quan đến tín dụng xanh, bảo vệ môi trường, phát triển bền vững còn chưa đồng bộ. Trong đó, chính sách về nghiệp vụ cho vay tín dụng xanh được hầu hết các ngân hàng thương mại cho rằng vẫn là rào cản lớn nhất, tiếp đến vấn đề bảo đảm tiền vay, xử lý tài sản đảm bảo, chính sách về đầu tư, nghiệp vụ tài trợ thương mại (bảo lãnh và chiết khấu)…

Giải pháp thúc đẩy

Để phát triển tín dụng xanh hiệu quả, theo khuyến nghị của nhóm nghiên cứu đề tài này thuộc Trường Đại học Thương mại, công bố tại Hội thảo về phát triển dịch vụ tài chính, ngân hàng, bảo hiểm trong bối cảnh mới, diễn ra ngày 12/10/2021, thì Nhà nước cần xây dựng khung chính sách, khuôn khổ pháp lý đồng bộ, cụ thể, rõ ràng, thống nhất về ngân hàng xanh cho các tổ chức tín dụng; có cơ chế, chính sách ưu đãi, hỗ trợ các tổ chức tín dụng phát triển ngân hàng xanh; đẩy mạnh đào tạo và truyền thông; có chính sách thuế ưu đãi đối với các khoản cho vay tín dụng xanh; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính…

Về phía các tổ chức tín dụng, cần xây dựng khung chiến lược về phát triển ngân hàng xanh theo các cấp độ từ thấp đến cao; thiết lập hệ thống quản lý rủi ro môi trường, xã hội một cách toàn diện; xây dựng các chính sách cho vay cụ thể đối với các lĩnh vực môi trường nhạy cảm; tăng cường đào tạo, nâng cao nhận thức về tín dụng xanh và nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu.

Cũng ở góc độ nghiên cứu khoa học, PGS. Nguyễn Thị Thanh Tú - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Việt - Nhật, cho rằng: Ngân hàng có vai trò quan trọng trong thúc đẩy chuyển đổi sang phát triển kinh tế xanh thông qua cung cấp tín dụng xanh. Do vậy, cần có tác động cả về chính sách và sự chủ động của các ngân hàng thương mại trong việc cung cấp tín dụng xanh tới các doanh nghiệp. Khuyến khích các doanh nghiệp, nhà đầu tư chủ động chuyển sang đầu tư xanh. Cần làm rõ vai trò của Ngân hàng Phát triển Việt Nam trong việc cung cấp các khoản tín dụng xanh cho đầu tư phát triển. Tuy nhiên, cũng không nên quá nghiêng về việc ưu đãi tín dụng cho các dự án đầu tư xanh, mà cần đánh giá cả các tác động ngược từ các khoản tín dụng cho vay xanh.