Dự thảo Luật Chứng khoán (sửa đổi):

Chuẩn hóa điều kiện chào bán chứng khoán ra công chúng


Tại Dự thảo Luật Chứng khoán (sửa đổi) đang trình Quốc hội xem xét thông qua tại Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XIV, điều kiện chào bán chứng khoán ra công chúng đã được chuẩn hóa phù hợp với từng loại chứng khoán và được sửa đổi theo hướng cụ thể hơn nhằm nâng cao chất lượng hàng hóa, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư.

Dự thảo Luật Chứng khoán (sửa đổi) đã sửa đổi, chuẩn hóa điều kiện chào bán chứng khoán ra công chúng. Nguồn: internet
Dự thảo Luật Chứng khoán (sửa đổi) đã sửa đổi, chuẩn hóa điều kiện chào bán chứng khoán ra công chúng. Nguồn: internet

Luật Chứng khoán hiện hành chưa tách riêng điều kiện để phù hợp với tính chất khác nhau giữa chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) với chào bán thêm ra công chúng; chưa quy định điều kiện về quy mô phát hành, tính đại chúng… dẫn đến có trường hợp doanh nghiệp phát hành với giá trị rất lớn, gấp nhiều lần vốn chủ sở hữu, tiềm ẩn rủi ro đối với các nhà đầu tư.

Để khắc phục bất cập này, điều kiện chào bán tại Dự thảo Luật Chứng khoán (sửa đổi) đã sửa đổi, bổ sung, chuẩn hóa theo hướng chặt chẽ hơn, phù hợp với thông lệ quốc tế, nhằm nâng cao chất lượng hàng hóa, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư, tránh trường hợp doanh nghiệp lợi dụng chính sách thông thoáng để phát hành với giá trị quá lớn, tiềm ẩn rủi ro đối với các nhà đầu tư và sử dụng vốn không đúng mục đích.

Theo đó, đối với chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng, chào bán trái phiếu ra công chúng và chào bán thêm cổ phiếu ra công chúng của công ty đại chúng, Dự thảo Luật Chứng khoán (sửa đổi) đã sửa đổi, điều chỉnh tăng mức vốn điều lệ đã góp tại thời điểm đăng ký chào bán từ 30 tỷ đồng trở lên tính theo giá trị ghi trên sổ kế toán.

Theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, việc nâng điều kiện về vốn điều lệ là nhằm nâng cao chất lượng, sự ổn định của công ty đại chúng và phù hợp với thông lệ quốc tế, quy mô thị trường chứng khoán. Thêm vào đó, quy định điều kiện về mức vốn điều lệ để được chào bán chứng khoán ra công chúng là 30 tỷ đồng cũng tương thích với điều kiện niêm yết trên Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội hiện nay.

Trong đó, về chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng, Dự thảo nâng điều kiện về kết quả hoạt động kinh doanh từ 01 năm lên 02 năm liền trước năm đăng ký chào bán có lãi để bảo đảm lựa chọn những công ty có hoạt động kinh doanh tăng trưởng ổn định, năng lực tài chính tốt; Bổ sung quy định điều kiện tối thiểu số cổ phiếu có quyền biểu quyết của tổ chức phát hành phải được bán cho ít nhất 100 nhà đầu tư không phải là cổ đông lớn để bảo đảm phù hợp với điều kiện niêm yết tại Sở giao dịch chứng khoán Việt Nam và tính thanh khoản của cổ phiếu công ty khi chào bán lần đầu ra công chúng, phù hợp với thông lệ quốc tế; Quy định điều kiện cổ phiếu của tổ chức phát hành phải được niêm yết hoặc đăng ký giao dịch tại Sở giao dịch chứng khoán Việt Nam sau khi kết thúc đợt chào bán để gắn chào bán chứng khoán ra công chúng với niêm yết, đăng ký giao dịch trên Sở giao dịch chứng khoán Việt Nam.

Nếu được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XIV, những nội dung quy định cụ thể về chào bán chứng khoán ra công chúng được kỳ vọng sẽ góp phần nâng cao chất lượng hàng hóa trên thị trường chứng khoán, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư, thúc đẩy thị trường chứng khoán phát triển bền vững.

Về chào bán trái phiếu ra công chúng, Dự thảo Luật Chứng khoán (sửa đổi) bổ sung điều kiện có kết quả xếp hạng tín nhiệm đối với tổ chức phát hành trái phiếu theo quy định của Chính phủ về các trường hợp phải xếp hạng tín nhiệm và thời điểm áp dụng để phù hợp với Lộ trình phát triển thị trường trái phiếu Việt Nam giai đoạn 2017-2020, tầm nhìn đến năm 2030 của Thủ tướng Chính phủ và thông lệ quốc tế.

Dự thảo Luật cũng đã quy định cụ thể về điều kiện chào bán thêm cổ phiếu ra công chúng. Theo đó, quy mô của đợt phát hành thêm theo mệnh giá không lớn hơn tổng giá trị cổ phiếu đang lưu hành tính theo mệnh giá, trừ một số trường hợp cụ thể được quy định trong Luật. Đối với đợt chào bán ra công chúng nhằm mục đích huy động phần vốn để thực hiện dự án của tổ chức phát hành, Dự thảo Luật quy định đợt chào bán được coi là thành công khi cổ phiếu được bán cho các nhà đầu tư đạt tối thiểu 70% số cổ phiếu dự kiến chào bán; tổ chức phát hành phải có phương án bù đắp phần thiếu hụt vốn dự kiến huy động từ đợt chào bán để thực hiện dự án.

Để thực hiện mục tiêu gắn chào bán chứng khoán ra công chúng với niêm yết, đăng ký giao dịch tại Sở giao dịch chứng khoán Việt Nam, giảm thiểu thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian hoàn tất đợt chào bán để tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức phát hành, Dự thảo Luật đã bổ sung quy định về điều kiện và nghĩa vụ của doanh nghiệp khi nộp hồ sơ đăng ký chào bán chứng khoán ra công chúng cho Ủy ban Chứng khoán Nhà nước thì đồng thời phải nộp hồ sơ đăng ký niêm yết hoặc đăng ký giao dịch cho Sở giao dịch chứng khoán Việt Nam.

Bàn về nội dung này, ông Nguyễn Đức Hoàn, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV) nhận định, quy định trên là điều mà nhiều nhà đầu tư, bao gồm cả nhà đầu tư cá nhân lẫn tổ chức mong đợi, giúp tăng tính hấp dẫn cũng như mức độ thành công của những đợt IPO của các doanh nghiệp nói chung và tiến trình thoái vốn doanh nghiệp nhà nước nói riêng.

Như vậy, nếu Dự thảo Luật Chứng khoán (sửa đổi) được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XIV, những nội dung quy định cụ thể về chào bán chứng khoán ra công chúng được kỳ vọng sẽ góp phần nâng cao chất lượng hàng hóa trên thị trường chứng khoán, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư, thúc đẩy thị trường chứng khoán phát triển bền vững.