Chứng khoán có vững tiến?
Việc Chính phủ nhất quán phấn đấu đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế 6,7% năm 2017 là một tín hiệu tốt cho thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam sau thời gian phải “cân nhắc” khi tăng trưởng GDP quý I chỉ đạt 5,1%.
Ðể đạt mục tiêu 6,7%, giới đầu tư kỳ vọng, Chính phủ sẽ có nhiều biện pháp, chẳng hạn nới lỏng tăng trưởng tín dụng, tháo gỡ hoạt động đầu tư, đẩy mạnh cải cách hành chính, giảm chi phí… Nhiều doanh nghiệp (DN) sẽ được hưởng lợi từ các quyết sách này.
Trên TTCK, tuy kinh tế quý I/2017 tăng trưởng không cao, nhưng nhiều DN niêm yết vẫn có kết quả kinh doanh tốt.
Thống kê của Công ty Chứng khoán Sài Gòn cho biết, 599 DN niêm yết kinh doanh báo lãi quý I có tổng lợi nhuận trước thuế (thuộc về cổ đông công ty mẹ) đạt gần 34.000 tỷ đồng, tăng 30% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, nhóm dịch vụ tài chính có mức tăng lợi nhuận lớn nhất (91,6%).
Kết thúc 4 tháng đầu năm, nhiều DN niêm yết tiếp tục công bố kết quả kinh doanh khả quan. Thế giới di động (MWG) đạt 20.729 tỷ đồng doanh thu, tăng 62% so với cùng kỳ.
Sản lượng bán hàng của Tập đoàn Hòa Phát trong tháng 4 có sự dịch chuyển từ khu vực dự án sang khu vực dân dụng. Tại thị trường miền Bắc, sản lượng bán hàng tăng cao so với cùng kỳ.
Với thị trường phía Nam, 4 tháng đầu năm, Chi nhánh thép Hòa Phát TP. Hồ Chí Minh đạt sản lượng 66.800 tấn, tăng nhẹ so với cùng kỳ. Cơ cấu sản lượng bán hàng của khu vực dân dụng tại DN này đang tăng lên là một tín hiệu cho thấy, nếu Chính phủ có thêm những giải pháp mới, hoạt động đầu tư sẽ sôi động đều khắp ở các khu vực, không chỉ đầu tư công.
Trên sàn chứng khoán, sau khi GDP quý I tăng thấp được công bố, TTCK có những phiên điều chỉnh giảm, nhưng dòng tiền nhanh chóng quay trở lại và chạy luân phiên giữa các nhóm cổ phiếu có thông tin hỗ trợ.
Mức sinh lời trong hơn 1 tháng qua ở nhiều cổ phiếu là khá cao và nhiều người đặt câu hỏi “động lực của thị trường đến từ đâu”? Câu trả lời là thị trường nội địa là bệ phóng tăng trưởng cho nhiều DN đã có sản phẩm dịch vụ đủ sức cạnh tranh.
Một quan sát khác cho thấy, hoạt động M&A của các công ty Hàn Quốc, Thái Lan ở thị trường Việt Nam, nhắm đến việc sở hữu những DN Việt có thị phần nội địa lớn, đang diễn ra khá mạnh mẽ. Chẳng hạn, Taekwang (Hàn Quốc) muốn chào mua Gemadept, đàm phán từ vài tháng nay.
Trong lĩnh vực ngân hàng, chứng khoán, một số thương vụ đang diễn ra âm thầm, chờ thời điểm công bố.
Ngoài thị trường, nhà đầu tư quan tâm đến VPBank sẽ chọn thời gian từ 2-13/6 thực hiện buổi giới thiệu chào bán chứng khoán riêng lẻ (khoảng 200 triệu USD) tại thị trường khu vực và chuẩn bị niêm yết đầu tháng 9 năm nay.
Một thông tin khác được quan tâm là Chứng khoán Bản Việt (VCSC) sẽ chào bán cho các nhà đầu tư tổ chức một lượng cổ phiếu mới, để gọi thêm khoảng 20 triệu USD. Công ty này dự kiến niêm yết đầu tháng 8/2017.
Sự chuyển động từ chính DN cùng quyết tâm thúc nền kinh tế đạt mức tăng trưởng kế hoạch của năm 2017 tạo nên niềm tin và động lực cho TTCK.
Mặc dù còn chưa rõ nét, nhưng giới đầu tư kỳ vọng, thông tin tốt từ chính sách, từ DN sẽ được “nuôi dưỡng” để thu hút dòng tiền chảy vào TTCK Việt Nam.