Chứng khoán không ngừng tăng, cổ phiếu bất động sản lại đua nhau bứt phá

Theo Tuấn Hào/reatimes.vn

Hàng loạt cổ phiếu bất động sản và xây dựng đồng loạt tăng mạnh, thậm chí nhiều mã còn được kéo lên mức giá trần.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.

Thị trường chứng khoán đang cho thấy khả năng khó đoán của mình, sau những sự rung lắc đáng kể trong phiên hôm qua và tâm lý thận trọng nhà đầu thể hiện rõ nét, tưởng chừng như thị trường sẽ tiếp tục gặp phải khó khăn trong phiên 15/4. Tuy nhiên, khác với những gì nhà dầu tư lo ngại, thị trường chứng khoán lại giao dịch hứng khởi và tiếp tục có được mức tăng khá mạnh trong phiên hôm nay.

Đa phần các cổ phiếu vốn hóa lớn đều tăng giá tốt trong phiên hôm nay trong đó, 2 mã ngành xây dựng – bất động sản là CTD và HBC bất ngờ được kéo lên mức giá trần. Bên cạnh đó, SAB tăng đến 6,7%, BVH tăng 5,2%, KDC tăng 5%. Phiên hôm nay thị trường chứng kiến sự bứt phá của nhiều cổ phiếu ngân hàng, trong đó, KLB tăng trần, LPB tăng 9,2%, TPB tăng 5,5%, CTG tăng 3,4%.

Tại nhóm cổ phiếu bất động sản, sau khi làm trụ đỡ khá tốt cho VN-Index ở các phiên trước thì đến phiên hôm nay VHM và VRE đều điều chỉnh giảm trở lại, trong đó, VHM giảm 0,3% xuống 67.800 đồng/cp, VRE giảm 0,4% xuống 26.100 đồng/cp. Bên cạnh 2 mã nói trên thì hôm nay không có nhiều cổ phiếu bất động sản giảm. Mức giảm giá mạnh trong nhóm này chỉ có PFL, FDC, HTT hay CRE.

Trong khi đó, hàng loạt cổ phiếu được kéo lên mức giá trần như PPI, BII, CCL, TDH, HDG hay DTA. Bên cạnh đó, KDH tăng 2,2%. Theo báo cáo thường niên năm 2019 của KDH, công ty đặt kế hoạch doanh thu năm 2020 dự kiến đạt 3.500 tỷ đồng, tăng 24,4% so với thực hiện năm 2019. Lợi nhuận sau thuế tăng 20%, đạt 1.100 tỷ đồng, cổ tức năm 2020 dự kiến tỷ lệ 10%.

Các cổ phiếu bất động sản vừa và nhỏ khác như TIP tăng 5,9%, SIP tăng 5,6%, CLG tăng 5,5%, DXG tăng 5%. Đáng chú ý, VIC phiên hôm nay đảo ngược tình thế khi tăng trở lại 0,4% lên 96.000 đồng/cp.

Kết thúc phiên giao dịch, VN-Index tăng 9,81 điểm (1,28%) lên 777,22 điểm. Toàn sàn có 263 mã tăng, 100 mã giảm và 57 mã đứng giá. HNX-Index tăng 1,18 điểm (1,1%) lên 108,33 điểm. Toàn sàn có 107 mã tăng, 53 mã giảm và 46 mã đứng giá. UPCoM-Index tăng 0,73 điểm (1,44%) lên 51,51 điểm.

Top 10 cổ phiếu khớp lệnh nhiều nhất phiên 15/4. Nguồn: VDSC.
Top 10 cổ phiếu khớp lệnh nhiều nhất phiên 15/4. Nguồn: VDSC.

Thanh khoản thị trường cải thiện đáng kể so với phiên trước, tổng khối lượng giao dịch đạt 385 triệu cổ phiếu, trị giá 5.600 tỷ đồng. Có đến 4 cổ phiếu bất động sản nằm trong top khớp lệnh toàn thị trường ở phiên hôm nay bao gồm DLG, FLC, ITA và AMD, trong đó, DLG khớp lệnh được 13,6 triệu cổ phiếu, FLC khớp lệnh 7,7 triệu cổ phiếu, ITA và AMD đều khớp lệnh trên 7 triệu cổ phiếu.

Khối ngoại không có gì thay đổi khi tiếp tục bán ròng hơn 200 tỷ đồng và tâm điểm vẫn là cổ phiếu VIC, cổ phiếu này phiên hôm nay tiếp tục bị khối ngoại bán ròng 94 tỷ đồng. Đây là phiên bán ròng thứ 11 liên tiếp với tổng giá trị bán ròng lên đến 1.040 tỷ đồng. VHM và DXG cũng là 2 cổ phiếu bất động sản bị khối ngoại bán ròng mạnh với giá trị lần lượt 13 tỷ đồng và 7,5 tỷ đồng. Trong khi đó, VRE là cổ phiếu bất động sản được khối ngoại mua ròng mạnh với 6,2 tỷ đồng. NLG và KDH được mua ròng lần lượt 5 tỷ đồng và 3 tỷ đồng.

Theo nhận định của chứng khoán Bảo Việt (BVSC), VN-Index sẽ tiếp tục hướng đến thử thách vùng kháng cự 780 - 820 điểm trong hai phiên cuối tuần. Tại đây, thị trường nhiều khả năng sẽ gặp áp lực chốt lời mạnh và quay đầu giảm điểm. Do mai là ngày đáo hạn hợp đồng tương lai VN30F2004 nên các cổ phiếu trong rổ VN30 có thể có biến động khó lường, qua đó khiến cho thị trường có thể chịu các nhịp biến động mạnh trong phiên. 

Điểm tiêu cực hiện tại vẫn đến từ hoạt động bán ròng mạnh và kéo dài của khối ngoại. Ngoài ra, rủi ro đối với diễn biến thị trường trong thời gian tới còn đến từ các thông tin về kết quả kinh doanh quý I của các doanh nghiệp và các số liệu vĩ mô sẽ được công bố trong tháng 04. Ảnh hưởng tiêu cực từ dịch Covid19 có thể khiến cho lợi nhuận quý I và đặc biệt là quý II của các doanh nghiệp niêm yết không đạt như kỳ vọng.

Trên thị trường chứng khoán châu Á, Nikkei 225 của Nhật Bản giảm 0,4% trong khi thị trường Hàn quốc đóng cửa để chuẩn bị cho bầu cử quốc hội. Tại Trung Quốc, Shanghai Composite và Shenzhen Composite lần lượt giảm 0,6% và 0,5%. Hang Seng của Hong Kong giảm 1,2%. ASX 200 của Australia giảm 0,4%, ngược lại, NZX 50 của New Zealand tăng 2,5%. Tại Đông Nam Á, Straits Times của Singapore giảm 1,5%, SET 50 của Thái Lan giảm 1,4%, Jakarta Composite của Indonesia giảm 1,7% trong khi KLCI của Malaysia tăng 1,2%.