Thị trường chứng khoán hồi phục: Cơ hội song hành rủi ro
Theo giới chuyên gia, thị trường chứng khoán sẽ có diễn biến khó lường trong thời gian tới, cơ hội và rủi ro đối với nhà đầu tư vẫn luôn song hành trên thị trường trong giai đoạn này.
Dù khối ngoại vẫn liên tiếp bán ròng hàng nghìn tỷ đồng và dịch Covid-19 có thể còn tác động tiêu cực tới nền kinh tế và hàng loạt công ty niêm yết, nhưng thị trường chứng khoán Việt Nam đã hồi phục mạnh mẽ, trong khi nhà đầu tư nội cũng mở mới nhiều tài khoản nhất kể từ tháng 3/2018.
Vì đâu tăng mạnh?
VN-Index kết thúc tháng 3 đạt 662,53 điểm, giảm 31,2% so với sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán. Tuy nhiên, VN-Index đã tăng 7 phiên và chỉ điều chỉnh nhẹ phiên cuối tuần qua (10/4). Hiện, VN-Index ở mốc 757,94 điểm, phục hồi hơn 14,4% so với cuối tháng 3.
Theo Kinh tế trưởng kiêm Giám đốc chiến lược Công ty cổ phần Chứng khoán Dầu khí Lê Đức Khánh, kể từ đầu tháng 2, thị trường chứng khoán thế giới và Việt Nam đã có chuỗi điều chỉnh mạnh nhất kể từ giai đoạn khủng hoảng kinh tế 2008.
Giai đoạn tồi tệ nhất của thị trường chứng khoán Việt Nam vừa trôi qua khi dịch Covid-19 ảnh hưởng mạnh lên kinh tế thế giới và đà tăng trưởng kinh tế của Việt Nam. Tuy nhiên, cùng với việc các nước trên thế giới đưa ra các biện pháp cấp bách để kiểm soát và khoanh vùng dịch bệnh, Chính phủ Việt Nam đã triển khai quyết liệt các biện pháp giãn cách xã hội cũng như hạn chế tối thiểu khả năng lây nhiễm chéo. Đây có thể là là tác động chính sách tích cực nhất mang lại niềm tin cho người dân và cũng sẽ giúp tâm lý người dân, nhà đầu tư tốt hơn.
Bên cạnh đó, ông Khánh cho rằng, tuy khối ngoại bán ròng mạnh liên tiếp trong tháng 2 và tháng 3 và kể cả nửa đầu tháng 4 nhưng khối nội đã chấp nhận mua vào mạnh mẽ. Dòng tiền mới, dòng tiền cũ được đẩy vào thị trường. Nhiều nhà đầu tư mới đã nhìn thấy cơ hội mua vào trên thị trường chứng khoán Việt Nam.
Thực tế, theo thống kê của Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam (VSD), ngày 31/3 có gần 2,44 triệu tài khoản chứng khoán, tăng 32.140 tài khoản so với cuối tháng 2. Trong đó, tài khoản nhà đầu tư cá nhân trong nước tăng 31.832 đơn vị, cao nhất từ tháng 3/2018. Tài khoản của nhà đầu tư tổ chức trong nước tăng 117, cao nhất từ thời điểm tháng 3/2017.
Dòng tiền nội đứng ngoài thị trường là rất lớn, vì vậy lực cầu nội tiềm năng tham gia giải ngân mới cũng sẽ khiến thị trường chứng khoán phục hồi ổn định hơn để đối trọng với việc khối ngoại bán ra.
Bên cạnh đó, theo Kinh tế trưởng kiêm Giám đốc chiến lược Công ty cổ phần Chứng khoán Dầu khí Lê Đức Khánh, do tình hình dịch bệnh, Chính phủ cũng đã quyết liệt đẩy mạnh đầu tư công. Các dự án đầu tư công phần nào hứa hẹn kích thích hỗ trợ tăng trưởng kinh tế trong thời kỳ khó khăn, động lực khiến thị trường chứng khoán khởi sắc có diễn biến khởi sắc.
Chính phủ cũng tung ra các gói cứu trợ, những chương trình hạ lãi suất thúc đẩy và hỗ trợ các doanh nghiệp gặp khó, doanh nghiệp vừa và nhỏ. Các lĩnh vực như xây dựng - xây lắp, khu công nghiệp sẽ được tập trung đẩy mạnh hoạt động.
Lý giải về nhịp hồi phục mạnh của thị trường chứng khoán trong giai đoạn qua, ông Trần Xuân Bách, phụ trách mảng phân tích thị trường Công ty cổ phần Chứng khoán Bảo Việt - BVSC nêu quan điểm, việc thị trường sụt giảm nhanh và mạnh do ảnh hưởng của dịch COVID-19 khiến hầu hết các cổ phiếu lớn rơi vào trạng thái quá bán sâu và trên diện rộng.
Chính việc giảm sâu của thị trường và của các nhóm cổ phiếu trong thời gian ngắn đã kích hoạt “lòng tham” của giới đầu tư, khiến cho dòng tiền đứng ngoài thị trường quay trở lại bắt đáy, giúp VN-Index tạo được sự cân bằng và hồi phục trở lại từ vùng 650 điểm.
Chuyên gia này cũng cho rằng, trong bối cảnh toàn thế giới cũng như Việt Nam đang chịu ảnh hưởng từ dịch Covid-19 thì các quốc gia đẩy mạnh việc “bơm tiền” và nới lỏng tiền tệ để hỗ trợ cho nền kinh tế cũng là yếu tố cộng hưởng tạo ra sự hồi phục cho thị trường.
Dưới góc nhìn của chuyên gia chứng khoán Lê Ngọc Nam, Phó trưởng Phòng Phân tích, Công ty Chứng khoán Tân Việt (TVSI), cho rằng, hiện tại, kết quả kinh doanh của một số doanh nghiệp lớn trong nhóm VN30 tuy đã chậm hơn khá nhiều so với kết quả kinh doanh năm 2019, nhưng vẫn cho thấy mức độ tăng trưởng nhất định. Do đó, các cổ phiếu lớn trên thị trường đã có mức độ hồi phục tương đối tốt kể từ đầu tháng 4, giúp cho thị trường ổn định trở lại.
Rủi ro còn đó
Diễn biến dịch bệnh Covid-19 là khó lường và việc khối ngoại bán ròng mạnh liên tiếp của khối ngoại đang là những rào cản lớn cho đà hồi phục của thị trường chứng khoán Việt Nam.
Theo ông Lê Đức Khánh, ngoài việc khối ngoại mua ròng tháng 1 khoảng 1.700 tỷ đồng thì khối ngoại bán ròng rất mạnh trong tháng 2 với giá trị hơn 3.840 tỷ đồng. Sang tháng 3, mức bán ròng còn tăng mạnh đột biến với hơn 96.471 tỷ đồng. Chỉ tính từ đầu tháng 4 đến nay, khối ngoại bán ròng hơn 5.095 tỷ đồng trên thị trường chứng khoán Việt Nam
Ông Khánh cho rằng, đây là tín hiệu đáng báo động phản ánh việc rút vốn cũng như chiến lược cơ cấu, thoái vốn của các quỹ đầu tư nước ngoài đang hoạt động tại Việt Nam.
Theo vị chuyên gia, thị trường chứng khoán thời gian tới phụ thuộc rất nhiều về sự kiểm soát dịch bệnh trên thế giới tại các điểm nóng như Mỹ, Italy, Nhật, Đức, Tây Ban Nha...và đặc biệt là Việt Nam.
Nếu các biện pháp kiểm soát mang lại hiệu quả, cùng với phác đồ điều trị, vaccine chữa trị hiệu quả thì đỉnh dịch mà chúng ta có thể lạc quan dự báo sẽ đến ngay trong quý II này.
Như vậy, thị trường chứng khoán sẽ tạo đáy sâu nhất lại mốc 650 hoặc 660 điểm cuối tháng 3 và tiếp tục phục hồi lên vùng 800 - 850 điểm thời gian tới. Không loại trừ khả năng kịch bản xấu sẽ là tình hình dịch bệnh Covid-19 chuyển sang giai đoạn tồi tệ. Các quốc gia trên thế giới và Việt Nam ghi nhận nhiều ca mắc mới cũng như số lượng tử vọng tăng cao, các biện pháp khoang vùng dịch tiếp tục thì kinh tế tiếp tục ảnh hưởng, thị trường chứng khoán sẽ còn có thể điều chỉnh thêm về vùng 550 - 600 điểm.
“Tuy nhiên tôi vẫn nghiêng về kịch bản thị trường sẽ phục hồi dần và vận động biên độ hẹp tại khu vực 800 điểm với biên độ +/-20 điểm trong vòng 1 - 2 tháng trước khi hồi phục trở lại về vùng 850 - 900 ở giai đoạn cuối năm”, ông Lê Đức Khánh nhận định.
Chuyên gia này cũng khuyến cáo nhà đầu tư, diễn biến dịch bệnh là khó lường, thêm vào đó, việc khối ngoại bán ròng cũng như số liệu thống kê các ngành nghề dịch vụ du lịch, sản xuất công nghiệp, xuất nhập khẩu đang bị ảnh hưởng của Việt Nam thì thị trường chứng khoán sẽ chưa thể có những đột phá. Cần thêm thời gian để phục hồi kinh tế cũng như niềm tin nhà đầu tư, đặc biệt là nhà đầu tư ngoại quay trở lại.
Tuy nhiên, việc các cổ phiếu tốt giảm quá mức so với giá trị thực, giá trị sổ sách đó là cơ hội mua vào cho dù ngay cả thị trường chứng khoán có những lúc giao dịch ảm đạm. Điều này có ý nghĩa rằng nhà đầu tư vẫn nên theo đuổi phương pháp đầu tư vào giá trị ở từng cơ hội, từng cổ phiếu riêng lẻ hơn là quan tâm đến xu hướng thị trường hay việc theo đuổi theo trào lưu lướt sóng.
Thị trường xuống và sẽ lên, niềm tin sẽ quay trở lại và hãy là nhà đầu tư với quan điểm dài hơn hơn là những người lướt sóng ngắn hạn, Kinh tế trưởng kiêm Giám đốc chiến lược Công ty cổ phần Chứng khoán Dầu khí đưa ra khuyến nghị.
Chuyên gia chứng khoán Lê Ngọc Nam cho biết, khối ngoại không chỉ bán ròng ở thị trường chứng khoán Việt Nam mà gần như ở tất cả các thị trường trong khu vực Đông Nam Á. Theo như quan sát thì lượng bán ròng trong thời gian trở lại đây đã lấy đi cả 6 - 7 năm mua ròng trước đó đối với thị trường khu vực Đông Nam Á.
Ông Nam cho rằng, có thể trong thời gian tới vẫn có việc bán ròng của nhà đầu tư nước ngoài trên thị trường, do đó nhà đầu tư cũng cần cẩn trọng hơn.
“Chúng ta chưa hoàn toàn biết được diễn biến thị trường chứng khoán cũng như tình hình kiểm soát dịch bệnh hay là tác động của dịch bệnh đối với tổng thể nền kinh tế, cũng như doanh nghiệp niêm yết ở trên sàn. Cần phải mất khoảng 1 quý thì các kết quả kinh doanh trong đợt dịch bệnh vừa qua mới được phản ánh. Vì vậy, có lẽ chưa nên đánh giá việc cổ phiếu đã giảm về mức tương đối hấp dẫn”, ông Nam nói.
Theo ông Trần Xuân Bách, phụ trách mảng phân tích thị trường Công ty cổ phần Chứng khoán Bảo Việt – BVSC, dịch bệnh Covid-19 sẽ còn tác động tiêu cực ít nhất là trong trung hạn đối với chứng khoán thế giới và Việt Nam. Vì vậy theo ông Bách, khi thị trường tiếp cận các vùng kháng cự mạnh ở phía trên thì nhà đầu tư cần có những hoạt động bán giảm tỷ trọng cổ phiếu.