Chuyển dịch dòng vốn và lưu ý nào cho Việt Nam?

Theo thoibaonganhang.vn

Việc nhà đầu tư (NĐT) nước ngoài, đặc biệt là các NĐT lâu năm, tiếp tục mở rộng hoạt động tại Việt Nam một lần nữa khẳng định rằng họ tin tưởng vào môi trường đầu tư và khả năng phát triển thuận lợi của thị trường Việt Nam.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Vốn tăng trưởng toàn diện

Theo số liệu vừa được Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư công bố, trong top 5 dự án FDI lớn nhất được cấp phép trong quý I/2017, có tới 4 dự án là điều chỉnh tăng vốn, mở rộng quy mô hoạt động.

Tính chung trong quý đầu năm, số vốn đăng ký tăng thêm đạt 3,94 tỷ USD, tăng tới 206,4% so với cùng kỳ năm 2016, cũng chiếm hơn một nửa trong tổng vốn FDI cấp mới, tăng thêm và góp vốn mua cổ phần là 7,71 tỷ USD. Như vậy, việc NĐT nước ngoài mở rộng quy mô dự án tại Việt Nam đã giúp thu hút FDI mở màn khá thuận lợi trong quý đầu tiên của năm 2017.

Cần phải nhấn mạnh thêm rằng, các dự án tăng vốn nhiều nhất đều thuộc về những NĐT quen thuộc là Samsung (tăng vốn đầu tư thêm 2,5 tỷ USD tại Bắc Ninh); Coca-Cola (tăng vốn đầu tư 319,8 triệu USD tại Hà Nội); Khu công nghiệp Việt Nam Singapore III (đầu tư 284,75 triệu USD tại Bình Dương)…

Việc NĐT nước ngoài, đặc biệt là các NĐT lâu năm, tiếp tục mở rộng hoạt động tại Việt Nam một lần nữa khẳng định rằng họ tin tưởng vào môi trường đầu tư và khả năng phát triển thuận lợi của thị trường Việt Nam. Cùng với việc tăng vốn để mở rộng hoạt động, sự tăng trưởng ấn tượng của vốn FDI trong quý I cũng đến từ hoạt động đăng ký mới, góp vốn mua cổ phần, giải ngân… thể hiện đánh giá tích cực chung của NĐT nước ngoài đối với Việt Nam.

Cụ thể, tính đến ngày 20/3/2017, cả nước có 493 dự án mới được cấp giấy chứng nhận đầu tư với tổng vốn đăng ký 2,91 tỷ USD, tăng 6,5% so với cùng kỳ năm 2016; 1.077 lượt góp vốn, mua cổ phần của NĐT nước ngoài với tổng giá trị góp vốn là 852,86 triệu USD, tăng 171,5% so với cùng kỳ 2016… Dòng vốn tăng trưởng mạnh ở cả 3 hoạt động là đăng ký mới, đầu tư thêm và góp vốn mua cổ phần đã khiến vốn ngoại rót vào Việt Nam trong quý I tăng tới 77,6% so với cùng kỳ năm 2016.

Bên cạnh đó, vốn giải ngân cũng đạt 3,62 tỷ USD, tăng 3,4% so với cùng kỳ năm 2016. Vốn giải ngân cao hơn vốn đăng ký mới là hiện tượng tích cực đã tiếp diễn trong vòng 1 năm trở lại đây, cho thấy NĐT đã vào Việt Nam là bắt tay thực hiện dự án luôn. Đây là biểu hiện của xu hướng dòng vốn đã đi vào thực chất hơn.

Đặc biệt, quý I/2017 cũng là mốc thời gian đánh dấu việc lần đầu tiên đầu tư nước ngoài có mặt tại toàn bộ 63 tỉnh, thành của Việt Nam. Trước đó, tính đến hết tháng 2/2017, NĐT nước ngoài mới chỉ hiện diện tại 62 tỉnh, thành trên cả nước. Điện Biên là địa phương “chốt sổ” với dự án quy mô 3 triệu USD, tuy chỉ là dự án nhỏ, song điều này thể hiện rằng tất cả các tỉnh thành nếu có thể phát huy tiềm năng, lợi thế, thì đều thu hút được NĐT nước ngoài rót vốn vào để phát triển kinh tế.

Không ngại xu hướng mới        

Không chỉ tăng tốc mạnh mẽ, dòng vốn FDI trong quý I/2017 đã có sự dịch chuyển đáng lưu ý. Xu hướng nhận được nhiều sự quan tâm nhất là sự trỗi dậy của NĐT Trung Quốc. Theo số liệu của Cục Đầu tư nước ngoài, ngay trong tháng đầu năm, Trung Quốc đã vượt Nhật Bản để chiếm vị trí thứ 3 trong bảng xếp hạng thu hút FDI; sau 1 tháng tiếp theo, Trung Quốc vượt qua Hàn Quốc, vươn lên là nước đứng thứ 2 đầu tư FDI vào Việt Nam, sau Singapore.

Tới nay khi kết thúc quý I, Trung Quốc đứng vị trí thứ 3 với tổng vốn đầu tư đăng ký là 823,6 triệu USD, bám sát nút Singapore ở vị trí thứ 2.

Như vậy là chỉ trong 3 tháng đầu năm, số vốn mà NĐT Trung Quốc rót vào Việt Nam đã bằng khoảng 65% so với tổng vốn mà quốc gia này đầu tư trong năm 2016 là 1,26 tỷ USD. Diễn biến này dù mới chỉ xảy ra trong ngắn hạn, song cũng cần hết sức chú ý.

Bởi theo TS. Phạm Sỹ Thành, Giám đốc Chương trình Nghiên cứu kinh tế Trung Quốc thuộc Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR), nguồn vốn FDI từ Trung Quốc có một số hạn chế nhất định trong tương quan so sánh với các quốc gia khác. Đó là quy mô các dự án FDI Trung Quốc đều rất nhỏ, chỉ bằng 50% mức trung bình của các NĐT khác, ít có sự xuất hiện của các tập đoàn lớn.

Bên cạnh đó, tỷ lệ giải ngân của các NĐT từ quốc gia này thấp, tiến độ giải ngân hay bị chậm trễ. Hơn nữa, do các ngành đầu tư của Trung Quốc là ngành thâm dụng vốn, nên việc giải quyết việc làm cho lao động Việt Nam tương đối hạn chế. Chưa kể mặt bằng tiền lương của doanh nghiệp Trung Quốc cũng thấp hơn so với các doanh nghiệp FDI khác nên chậm cải thiện thu nhập cho lao động địa phương.

Cuối cùng, hiệu ứng lan tỏa kỹ thuật của doanh nghiệp Trung Quốc cũng không rõ rệt, trong khi những ngành nước này tập trung đầu tư như dệt, nhuộm, sản xuất sợi, chế biến thực phẩm, sản xuất thép... đều là những ngành có mức độ gây ô nhiễm môi trường trên diện rộng với mức độ lớn.

Không phủ nhận những hạn chế của FDI từ Trung Quốc, song GS, TS. Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp đầu tư nước ngoài cũng cho rằng không nên định kiến đến mức coi FDI từ Trung Quốc chỉ có tác động tiêu cực, mà phải biết tranh thủ cơ hội trong quan hệ giữa Trung Quốc với ASEAN khi nước ta là cửa ngõ của ASEAN với Trung Quốc.

Ông Mại bổ sung, những năm sắp tới, châu Á vẫn sẽ tiếp tục là thị trường hàng đầu của Việt Nam, trong đó Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan, Trung Quốc và Singapore sẽ dẫn đầu trong số các quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư FDI tại Việt Nam. Sự gia tăng đầu tư của Trung Quốc trong thời gian gần đây đã cho thấy rõ hơn xu hướng này. Lũy kế đến tháng 3/2017, FDI từ Trung Quốc đạt 11,19 tỷ USD vốn đăng ký. Với chủ trương tăng cường đầu tư ra nước ngoài, ông Mại dự đoán, Trung Quốc hoàn toàn có thể từ vị trí thứ 8 hiện nay trở thành NĐT hàng đầu tại Việt Nam trong những năm sắp tới.

Vì vậy, thay vì tránh né FDI từ Trung Quốc, theo ông Mại, cần bảo đảm hiệu quả kinh tế - xã hội khi tiếp nhận FDI của nước này qua việc lựa chọn dự án và NĐT phù hợp với định hướng mới về FDI để hình thành nền kinh tế xanh, thực hiện công nghiệp hóa theo hướng hiện đại.

Các chuyên gia cũng lưu ý, đã đến lúc cần chú trọng trở lại việc mời gọi các tập đoàn đa quốc gia lớn đến Việt Nam, song song với đẩy mạnh thu hút doanh nghiệp nhỏ và vừa như thời gian qua. TS. Phan Hữu Thắng, nguyên Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài nhiều lần nhấn mạnh, cần thu hút nhiều hơn FDI của các tập đoàn lớn từ các nước công nghiệp phát triển ở châu Âu và Mỹ.

Đặc biệt bối cảnh toàn cầu hóa và cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đã tạo ra nhiều cơ hội mới khi các tập đoàn đa quốc gia hàng đầu thế giới tăng cường chuyển dịch đầu tư vào công nghệ thông tin, xây dựng các trung tâm nghiên cứu và phát triển (R&D). Đây chính là thời điểm để đón đầu dòng vốn lớn với chất lượng cao hơn.