Chuyển đổi số ngành Ngân hàng: Thách thức đặt ra và một số kiến nghị

TS. Nguyễn Văn Thủy - Học viện Ngân hàng

Cách mạng công nghiệp lần thứ tư với sự kết hợp của công nghệ số đã và đang tác động lớn đến lĩnh vực ngân hàng. Chuyển đổi số đang dần trở thành một xu hướng tất yếu của các ngân hàng thương mại, mang đến cho ngành Ngân hàng nhiều cơ hội phát triển nhưng cũng đặt ra không ít thách thức. Bởi vậy, rất cần có những giải pháp đồng bộ hơn nữa từ Chính phủ cũng như ngành Ngân hàng nhằm hóa giải những thách thức để công cuộc chuyển đổi số đạt được hiệu quả cao hơn nữa.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Chính sách tạo thuận lợi cho chuyển đổi số ngành Ngân hàng

Khung pháp lý về phát triển ngân hàng số được hình thành lần đầu vào năm 2007 khi Chính phủ ban hành Nghị định số 35/2007/NĐ-CP, ngày 08/3/2007 về giao dịch điện tử trong hoạt động ngân hàng, từ đó mở đường cho quá trình số hóa và chuyển đổi số trong hoạt động ngân hàng tại Việt Nam. Đặc biệt, trong giai đoạn từ năm 2016 đến nay, trước tác động của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư (CMCN 4.0), quá trình chuyển đổi số trong hoạt động ngân hàng ngày càng mạnh mẽ, đòi hỏi cấp thiết phải hoàn thiện khung pháp lý trong hoạt động chuyển đổi số ngành Ngân hàng.

Những năm gần đây, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành nhiều văn bản nhằm định hướng quá trình chuyển đổi số trong hoạt động ngân hàng như: Quyết định số 986/QĐ-TTg ngày 08/8/2018 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chiến lược phát triển ngành Ngân hàng Việt Nam đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; Nghị quyết số 50/NQ-CP ngày 17/4/2020 của Chính phủ về ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc CMCN 4.0

Theo đó, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) cũng đã ban hành Quyết định số 1238/QĐ-NHNN ngày 08/7/2020 về Kế hoạch hành động của ngành Ngân hàng triển khai thực hiện Nghị quyết số 50/NQ-CP ngày 17/4/2020 của Chính phủ; Quyết định số 260/QĐ-NHNN ngày 04/3/2021 của Thống đốc NHNN ban hành Kế hoạch ứng dụng công nghệ thông tin, phát triển Chính phủ số và bảo đảm an toàn thông tin mạng trong hoạt động của NHNN giai đoạn 2021 - 2025; Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 03/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”; Quyết định số 810/QĐ-NHNN ngày 11/5/2021 của Thống đốc NHNN ban hành Kế hoạch chuyển đổi số ngành Ngân hàng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Trong đó, Quyết định số 810/QĐ-NHNN đã quy định rõ mục tiêu của việc phát triển ngân hàng số thông qua xây dựng Kế hoạch chuyển đổi số ngành Ngân hàng là cung cấp dịch vụ ngân hàng số, xây dựng hệ sinh thái dịch vụ tài chính - ngân hàng.

Nhằm thúc đẩy phổ cập tài chính quốc gia, ban hành các cơ chế, chính sách để các doanh nghiệp thực hiện chuyển đổi số được tiếp cận tín dụng một cách thuận lợi, Chính phủ, NHNN đã ban hành những quy định hướng dẫn các dịch vụ ngân hàng và tài chính phát triển theo định hướng chuyển đổi số nhằm ưu tiên giảm thiểu thanh toán tiền mặt trong nền kinh tế. Trong đó, đáng chú ý là Thông tư số 16/2020/TT-NHNN ngày 04/12/2020 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 23/2014/TT-NHNN ngày 19/8/2014 của NHNN hướng dẫn việc mở và sử dụng tài khoản thanh toán tại tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán; Quyết định số 316/QĐ-TTg ngày 09/3/2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt triển khai thí điểm dùng tài khoản viễn thông thanh toán cho các hàng hóa, dịch vụ có giá trị nhỏ (Mobile - Money)...

Bên cạnh đó, Ngân hàng là ngành đầu tiên công bố ngày chuyển đổi số của Ngành (ngày 11/5). Ngoài ra, Ngày thanh toán không tiền mặt được tổ chức vào ngày 16/6 hằng năm nhằm khuyến khích việc thanh toán không sử dụng tiền mặt trong nền kinh tế. Thanh toán không dùng tiền mặt mang lại lợi ích cho tất cả các bên tham gia: Nhà nước, doanh nghiệp và người dân. Chuỗi các sự kiện của “Ngày không tiền mặt năm 2022” tiếp tục góp phần tích cực hiện thực hóa các mục tiêu của Chính phủ tại các Đề án Nâng cao khả năng tiếp cận dịch vụ ngân hàng cho nền kinh tế; Đề án Đẩy mạnh thanh toán qua ngân hàng đối với các dịch vụ công; Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; và Đề án Phát triển Thanh toán không dùng tiền mặt giai đoạn 2021-2025 (Quyết định số 1813/QĐ-TTg, ngày 28/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ). Mục tiêu quan trọng của chương trình là hưởng ứng chủ trương chuyển đổi số quốc gia mà Chính phủ đề ra, khởi đầu từ những thay đổi trong lĩnh vực thanh toán.

Cùng với hành lang pháp lý không ngừng được hoàn thiện, hạ tầng thanh toán ngày càng được đầu tư, tăng tính kết nối, công tác truyền thông giáo dục tài chính được đẩy mạnh đã tạo thành các trụ cột để thanh toán không tiền mặt tăng trưởng và số hóa ngân hàng diễn ra mạnh mẽ, hướng tới các mục tiêu của quá trình chuyển đổi số quốc gia.

Thực trạng chuyển đổi số ngành Ngân hàng

Kết quả đạt được

Với quan điểm tiếp cận lấy người dân làm trung tâm và sự thuận tiện, trải nghiệm của người sử dụng dịch vụ là thước đo, ngành Ngân hàng đã đạt được những thành quả bước đầu được đáng khích lệ, từ công tác kiến tạo thể chế, xây dựng hạ tầng công nghệ, phát triển dịch vụ, đảm bảo an ninh an toàn và được đánh giá là một trong những lĩnh vực đi đầu trong chuyển đổi số quốc gia.

Với ảnh hưởng của cuộc CMCN 4.0, cùng với xu hướng dịch chuyển các dịch vụ khách hàng từ thủ công, truyền thống sang áp dụng công nghệ số trong lĩnh vực ngân hàng, các ngân hàng đã không ngần ngại đầu tư chi phí lớn vào việc xây dựng và phát triển các kho dữ liệu, hạ tầng số tập trung, chuẩn hóa, cho ra mắt các hệ sinh thái như hệ sinh thái Mobile Banking... Điều này đã góp phần giúp cho các ngân hàng tiết kiệm được chi phí kinh doanh, tiết kiệm thời gian, tăng thêm các tiện ích so với giao dịch truyền thống, tạo thuận tiện cho khách hàng và thu hút khách hàng sử dụng dịch vụ của ngân hàng mình; từ đó, góp phần thúc đẩy tốc độ tăng trưởng của ngành Ngân hàng và quá trình chuyển đổi số đối với các ngân hàng hiện nay.

Theo NHNN, phần lớn các ngân hàng Việt Nam đã triển khai ngân hàng số ở cấp độ chuyển đổi về quy trình và kênh giao tiếp, trong khi chuyển đổi về nền tảng dữ liệu mới được triển khai tại một số ngân hàng tiên phong (Anh Minh, 2021). Qua số liệu thống kê của 10 ngân hàng thương mại (NHTM) lớn, mức đầu tư cho chuyển đổi số ước tính 15 nghìn tỷ đồng mỗi năm. Chi phí đầu tư nguồn lực hoạt động chuyển đổi số chiếm 20 - 30% tổng chi phí đầu tư hoạt động cho thấy đầu tư khá lớn (Nguyễn Thị Kim Thanh, 2022).

Thành tựu của cuộc CMCN 4.0 được các tổ chức tín dụng ứng dụng mạnh mẽ và rộng rãi vào các dịch vụ ngân hàng cốt lõi như thanh toán, tín dụng, tiết kiệm; đặc biệt, thanh toán trên thiết bị di động tăng trưởng mạnh hằng năm 90% về số lượng và 150% về giá trị. Các giải pháp kỹ thuật công nghệ mới như điện toán đám mây, phân tích dữ liệu lớn (Big Data) hay tự động hóa quy trình bằng robot, ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI)... đang được ứng dụng tại hầu hết các ngân hàng. Trong đó, Big Data và trí tuệ nhân tạo (AI)được các ngân hàng sử dụng nhiều nhất để thông qua đó, phân tích được hành vi và nhu cầu của khách hàng giúp nâng cao chất lượng sản phẩm và tối ưu hóa nhu cầu của người dùng.

Tỷ lệ khách hàng cá nhân tại Việt Nam tích cực sử dụng dịch vụ ngân hàng số đã tăng từ 41% (năm 2017) lên 82% (năm 2021). Đại đa số (73%) khách hàng cá nhân Việt Nam sử dụng dịch vụ ngân hàng qua nhiều kênh khác nhau (Anh Minh, 2021). Điều này có nghĩa là khách hàng đang sử dụng kết hợp kênh ngân hàng số với kênh truyền thống qua các chi nhánh vật lý. Ngoài ra, vấn đề về an ninh, bảo mật trong thanh toán, thông tin khách hàng cũng được các ngân hàng đặt lên hàng đầu, để nâng cao sự yên tâm của khách hàng trong việc sử dụng các dịch vụ điện tử như thanh toán qua Internet Banking, ví điện tử...

Với những kết quả đạt được đó, năm 2021, Việt Nam được Công ty Tư vấn và quản lý toàn cầu (McKinsey) đánh giá có mức độ ứng dụng ngân hàng số nhanh nhất trong khu vực.

Bên cạnh việc chuyển đổi số, từ năm 2019 đến nay, tại Việt Nam, các ngân hàng ngày càng có xu hướng hợp tác thay vì cạnh tranh với các công ty công nghệ tài chính (Fintech). Cụ thể vào tháng 5/2019, Ban chỉ đạo Fintech của NHNN đã trình Thủ tướng Chính phủ Đề án Cơ chế thử nghiệm có kiểm soát (Regulatory Sandbox) cho hoạt động Fintech trong lĩnh vực ngân hàng, qua đó tạo thuận lợi cho triển khai công nghệ mới và thúc đẩy sự hợp tác giữa các công ty Fintech với hệ thống ngân hàng.

Một số thách thức đặt ra

Một số thách thức của ngành Ngân hàng trong quá trình chuyển đổi số có thể kể đến như:

Một là, nguồn nhân lực trong hoạt động ngân hàng còn hạn chế về sự hiểu biết đối với công nghệ cao, chưa đáp ứng được các yêu cầu trong quá trình chuyển đổi số. Bên cạnh đó, việc áp dụng công nghệ sẽ giúp cho các ngân hàng đơn giản hóa các thủ tục, quy trình giấy tờ phức tạp truyền thống trước đây, đẩy nhanh quá trình giao dịch, giúp tiết kiệm thời gian cho cả ngân hàng và khách hàng. Tuy nhiên, việc này sẽ dẫn đến tình trạng phải cắt giảm số lượng nhân lực trong một số vị trí làm việc như: giao dịch viên, bán lẻ, tiếp tân, nhân viên giữ xe…

Hai là, chưa có sự chủ động trong ứng dụng công nghệ thông tin, áp dụng khoa học kỹ thuật trong việc đổi mới cơ sở vật chất. Trong xác thực danh tính của khách hàng thông qua nền tảng số còn chưa cụ thể, chưa có cơ sở bảo đảm trong việc xác thực danh tính. Trong khi đó, hiện nay các ngân hàng vẫn chưa được phép có được nguồn thông tin bảo đảm thông qua kho dữ liệu thông tin về dân cư để có thể xác thực danh tính người dùng, điều đó gây ra nhiều rủi ro cho hoạt động ngân hàng. Thêm vào đó, trong quá trình tiến hành các thủ tục, giao dịch thông qua nền tảng số giữa ngân hàng và khách hàng, thì toàn bộ hoặc phần lớn các thông tin khách hàng đều nằm trên nền tảng số. Đây là thách thức lớn cho các bên trong vấn đề bảo mật thông tin và kiểm soát được nguy cơ bị tấn công bởi các tội phạm kỹ thuật số.

Ba là, chưa có khung pháp lý với các ý tưởng về các sản phẩm số hóa hoàn toàn mới, dẫn đến các ngân hàng dè dặt trong việc ra mắt sản phẩm mới. Bên cạnh đó, một số quy định về thủ tục giao dịch vẫn tiến hành trực tiếp (bằng giấy, gây ra sự gián đoạn và rắc rối trong thực hiện). Ngoài ra, các quy định về hợp đồng điện tử, chữ ký số, tài sản số... trong Luật Giao dịch điện tử năm 2005 còn chưa bắt kịp được với quá trình chuyển đổi số trong hoạt động ngân hàng hiện tại. Các quy định pháp luật về tố tụng, sở hữu trí tuệ, hình sự... chưa rõ ràng, chưa bao trùm được phạm vi hoạt động giao dịch qua nền tảng số gây ra nhiều rủi ro cho hoạt động ngân hàng, quyền lợi của các bên khi tiến hành giao dịch, là cơ hội cho tình trạng tội phạm kỹ thuật số ngày càng gia tăng.

Bốn là, ngành Ngân hàng vẫn đứng trước những thách thức về bài toán đầu tư hiệu quả, sự thay đổi thường xuyên, liên tục về nhu cầu, thị hiếu của khách hàng và xu hướng tội phạm công nghệ cao với các thủ đoạn ngày càng tinh vi, đến từ khắp nơi trên thế giới.

Giải pháp nhằm thúc đẩy chuyển đổi số ngành Ngân hàng

Nhằm khắc phục những thách thức nói trên, thúc đẩy quá trình chuyển đổi số trong ngành Ngân hàng ngày càng hiệu quả hơn nữa, một số giải pháp cần được thực hiện như sau:

Thứ nhất, hoàn thiện khuôn khổ pháp lý tạo thuận lợi cho hoạt động chuyển đổi số ngân hàng. Theo đó, cần tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Bộ Công an và các bộ, ngành liên quan đẩy nhanh tiến độ triển khai Quyết định số 06/QĐ-TTg, ngày 6/1/2022 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030.

Về giao dịch điện tử, đẩy nhanh tiến độ nghiên cứu xây dựng Luật Giao dịch điện tử thay thế hoặc sửa đổi, bổ sung Luật Giao dịch điện tử năm 2005. Đối với việc xác thực danh tính người dùng, cần nhanh chóng hoàn thiện việc xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và quy định cho phép các ngân hàng và tổ chức khác được phép truy cập sử dụng thông tin từ cơ sở dữ liệu một cách có kiểm soát nhằm cho phép cung cấp dịch vụ số nhanh chóng, an toàn, thuận tiện và tiết kiệm được nhiều chi phí. Đối với việc đấu tranh phòng, chống tội phạm kỹ thuật số, cần quy định bổ sung các chế tài trong lĩnh vực hình sự nhằm kiểm soát, phát hiện kịp thời hành vi vi phạm, từ đó có cơ sở xử lý hiệu quả nhằm răn đe, ngăn chặn xu hướng gia tăng tình trạng tội phạm kỹ thuật số. Đồng thời, cần ban hành cơ chế thử nghiệm có kiểm soát (Sandbox) giúp hỗ trợ việc triển khai các công nghệ mới và khuôn khổ pháp lý ngay từ ban đầu.

Thứ hai, tiếp tục tăng cường công tác truyền thông, giáo dục tài chính, nâng cao nhận thức, hiểu biết của người dân về ứng dụng kỹ thuật số và những lưu ý để phòng, tránh rủi ro khi thực hiện giao dịch trên môi trường điện tử…

Thứ ba, tiếp tục nâng cấp, hoàn thiện hạ tầng công nghệ và tăng cường đảm bảo an ninh, an toàn và hoạt động liên tục Hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng, các hệ thống thông tin quan trọng của NHNN; tăng cường tích hợp, kết nối với các bộ, ngành, lĩnh vực khác để cung ứng các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng trên nền tảng số; nâng cao chất lượng phục vụ và tăng tính tiện ích, trải nghiệm cho khách hàng.

Cần đổi mới các trang thiết bị, cơ sở vật chất sao cho xây dựng được cơ sở hạ tầng số đồng bộ, chất lượng, chuẩn kỹ thuật kết nối, thống nhất các dữ liệu cơ sở, dữ liệu chung, cũng như phải đảm bảo về vấn đề an ninh, bảo mật cho khách hàng. Có như vậy, thì mới có thể nâng cao, thúc đẩy quá trình chuyển đổi số, cũng như thúc đẩy ngành Ngân hàng phát triển. Ngoài ra, việc đầu tư vào phát triển khoa học kỹ thuật, đòi hỏi ngành Ngân hàng cần phải có một nguồn vốn đầu tư khổng lồ và không thể hoàn thành được ngay. Do đó, rất cần sự hỗ trợ từ phía Nhà nước về nguồn vốn, cũng như đưa ra các chính sách hiệu quả, thiết thực hỗ trợ kịp thời, nhanh chóng ngành Ngân hàng trong quá trình chuyển đổi

Thứ tư, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong ngành Ngân hàng. Đối với việc tuyển dụng nhân sự, cần khắt khe, công bằng, minh bạch hơn. Đối với đội ngũ nhân viên hiện có, cần tổ chức những khóa đào tạo, tập huấn chuyên sâu về công nghệ thông tin, bồi dưỡng các nghiệp vụ, cập nhật các kiến thức về các kỹ năng vận hành công nghệ số vào các hoạt động, giao dịch trong ngân hàng. Đồng thời, cần tổ chức các buổi giao lưu, học hỏi, đào tạo các kỹ năng mềm, tư duy sáng tạo, đột phá, kỹ năng giải quyết nhanh và hiệu quả các tình huống bất ngờ có thể xảy ra. Bên cạnh đó, xây dựng các chế độ phúc lợi tốt cho nhân viên, từ đó, tạo ra được một đội ngũ nhân viên chuyên nghiệp, chuyên môn cao, năng động, sáng tạo, góp phần thúc đẩy quá trình chuyển đổi số trong ngành Ngân hàng.

Thứ năm, nâng cấp hệ thống hạ tầng bảo mật đảm bảo mức độ an toàn cao nhất, phòng ngừa trường hợp khi hệ thống máy chủ của ngân hàng bị tấn công sẽ hạn chế tối đa sự ảnh hưởng đến người dùng.

Để thực hiện hiệu quả vấn đề bảo mật thông tin, các ngân hàng cần phải có sự kết hợp giữa nhiều giải pháp cụ thể đến nhiều đối tượng. Theo đó, đối với biện pháp bảo mật thông tin, các ngân hàng cần đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu phát triển hệ thống bảo mật, hợp tác với các tổ chức có lợi thế về công nghệ như các công ty Fintech, thiết lập hệ thống phòng, chống xâm nhập cho các vùng thông tin, tăng cường xác thực giao dịch bằng chữ ký số, tăng cường công tác quản lý, giám sát nhằm phát hiện kịp thời các lỗ hổng trong hệ thống, từ đó có biện pháp khắc phục, phát triển.

Đối với biện pháp khắc phục hậu quả khi tình trạng tấn công thông tin diễn ra, ngân hàng cần có các quy định nhằm giảm thiểu rủi ro cho khách hàng trong trường hợp thông tin bị tấn công như quy định về hạn mức chuyển tiền trong từng lần, từng ngày, hợp tác với các ngân hàng khác nhằm kịp thời phát hiện các bất ổn trong toàn hệ thống. Đối với công tác thông tin, các ngân hàng phải thường xuyên thông tin đến khách hàng thông báo về các trường hợp, phương thức lừa đảo, yêu cầu khách hàng không cung cấp các thông tin cá nhân về ngân hàng cho các tổ chức, cá nhân khác.

Tài liệu tham khảo:

  1. Thủ tướng Chính phủ (2021), Quyết định số 1813/QĐ-TTg, ngày 28/10/2021 phê duyệt Đề án Phát triển TTKDTM giai đoạn 2021-2025;
  2. Ngân hàng Nhà nước (2021), Quyết định số 810/QĐ-NHNN ngày 11/5/2021 ban hành Kế hoạch chuyển đổi số ngành Ngân hàng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030;
  3. Anh Minh (2021), Chuyển đổi số ngân hàng gặp nhiều thách thức, truy cập từ https://baochinhphu.vn/print/chuyen-doi-so-ngan-hang-gap-nhieu-thach-thuc-102289726.htm;
  4. Nguyễn Thị Kim Thanh (2022). Chuyển đổi số đối với các tổ chức tín dụng là hợp tác xã - Thực trạng và vấn đề đặt ra, truy cập từ https://www.sbv.gov.vn/webcenter/portal/vi/menu/fm/ddnhnn/nctd/nctd_chitiet;
  5. FinTech News (2020). Vietnam FinTech Report 2020;
  6. The United Overseas Bank, PwC Singapore and the Singapore FinTech Association (SFA) (2021). The report “FinTech in ASEAN 2021”.
 
Bài đăng trên Tạp chí Tài chính kỳ 2 tháng 4/2023