Chuyển đổi số quy hoạch bất động sản chặn sốt ảo

Theo Lê Sáng/batdongsan.enternews.vn

Chìa khóa để đẩy nhanh việc số hóa các thông tin quy hoạch giúp người dân có thể dễ dàng tiếp cận góp phần ngăn chặn các đợt sốt ảo giá đất là việc sớm tháo gỡ vướng mắc về cơ chế.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Ngay từ các tháng đầu năm 2021, bất chấp dịch COVID-19 diễn biến phức tạp tại nhiều địa phương trên cả nước vẫn xuất hiện tình trạng một số nhà đầu cơ, môi giới bất động sản lợi dụng các thông tin về quy hoạch, việc sáp nhập, nâng cấp đơn vị hành chính, nâng cấp hệ thống hạ tầng và việc triển khai các dự án lớn để “kích sóng” kiếm lời.

Mặc dù trong hệ thống Luật hiện hành đã có quy định khá cụ thể liên quan đến nội dung công bố, công khai quy hoạch như tại Luật xây dựng 2014 đã quy định “công khai quy hoạch xây dựng” hay Luật Đất đai năm 2013 quy định về “công bố công khai quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất” thế nhưng, đến nay thực tế cho thấy việc thực hiện tại nhiều địa phương trên cả nước vẫn còn hạn chế.

Trong báo cáo thị trường bất động sản 9 tháng đầu năm công bố mới đây, Hội môi giới bất động sản Việt Nam (VARs) đã cho thấy thực trạng bất chấp dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp nhưng tại nhiều địa phương vẫn xảy ra hiện tượng sốt nóng giá đất, đặc biệt là ở phân khúc đất nền.

Nhìn nhận ở góc độ chuyên gia, kiến trúc sư Phạm Thanh Tùng, Chánh văn phòng Hội Kiến trúc sư Việt Nam cho rằng việc lập lờ thông tin quy hoạch chính là một trong những nguồn cơn của các đợt “sốt đất ảo”, thậm chí còn có hiện tượng một số “nhóm lợi ích” chậm đưa thông tin về quy hoạch để đầu cơ, trục lợi khiến không ít quy hoạch vẫn ở “trên giấy” mà chưa đến được với người dân.

Còn theo theo ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch VARs thì một trong những “nguồn cơn” đáng kể nhất dẫn đến những đợt sốt đất vừa qua là việc người dân nói chung và các nhà đầu tư mới tham gia thị trường (NĐT F0) chưa nắm được thông tin về quy hoạch. Lợi dụng điều này một số đối tượng đầu cơ đã bắt tay với nhau, dùng nhiều chiêu trò để bơm thổi giá đất, trong đó việc đưa ra các thông tin lập lời về quy hoạch hạ tầng hay dự án lớn là chiêu bài ưa thích và khá hiệu quả.

Thực tế thị trường thời gian qua cho thấy, những cơn sốt đất tại Long Thành (Đồng Nai); Hòa Lạc (Thạch Thất - Hà Nội); Hớn Quản (Bình Phước),… đều có bóng dáng của những thông tin “tranh tối tranh sáng” về quy hoạch. Và thông thường, khi thông tin về quy hoạch được công bố rõ ràng thì cũng là lúc mà các cơn sốt đất đi qua và để lại rất nhiều “hòn than” trong tay các NĐT F0.

Lý giải về nguyên nhân của thực trạng trên, PGT.,TS. Doãn Hồng Nhung, Phó Trưởng ban Pháp chế, Hiệp hội BĐS Việt Nam cho rằng dù đã có quy định về việc công khai quy hoạch nhưng thực tế triển khai vẫn chưa đạt hiệu quả, thậm chí có trường hợp chính quyền địa phương bắt tay với giới đầu cơ để “ém” thông tin về quy hoạch.

Cơ chế, chìa khóa để số hóa quy hoạch

Theo các chuyên gia, trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 hiện nay thì để chuyên nghiệp hóa thị trường bất động sản, giúp mọi người dân, nhà đầu tư đều có cơ hội tiếp cận các thông tin về quy hoạch thì việc số hóa để đưa các thông tin về quy hoạch “lên mây” là rất cần thiết.

Theo PGS.,TS. Doãn Hồng Nhung, người dân thường rất khó để có thể tiếp cận thông tin về quy hoạch, việc thực hiện công bố tại trụ sở UBND cấp huyện, xã nhiều khi thực hiện cho có, còn việc công bố trực tuyến không phải ở đâu cũng thực hiện và nếu có cũng không thật sự dễ dàng để tiếp cận và trực quan.

Để giải bài toán trên, theo PGS.TS Doãn Hồng Nhung việc tạo ra cơ chế để lôi kéo được sự tham gia của các doanh nghiệp là rất cần thiết, chỉ khi tận dụng được các nguồn lực xã hội mới đẩy nhanh được việc tìm ra các giải pháp số hóa cho thị trường bất động sản.

Còn theo TS. Nguyễn Văn Đính, một trong những giải pháp mà VARs đã có kiến nghị Bộ Xây dựng và Chính phủ để ngăn chặn sốt đất là việc cần đẩy mạnh công bố thông tin dữ liệu về quy hoạch sử dụng đất tại các địa phương một cách công khai và dễ nhận biết.

Dưới góc độ một doanh nghiệp đã và đang tham gia xây dựng giải pháp số hóa quy hoạch, theo ông Hoàng Mai Chung, Chủ tịch Tập đoàn Meeyland để đẩy nhanh quá trình số hóa quy hoạch, giúp ai cũng có thể thông qua một chiếc điện thoại thông minh có thể tra được quy hoạch chung, quy hoạch phân khu bên cạnh sự nỗ lực của doanh nghiệp thì sự hỗ trợ về cơ chế chính sách của nhà nước là cần thiết.

Cụ thể, theo ông Chung, trong quá trình doanh nghiệp xây dựng nền tảng tra cứu quy hoạch chi tiết trực quan thì cơ sở dữ liệu là thứ vô cùng quan trọng, đặc biệt là cơ sở dữ liệu liên quan đến quy hoạch chưa kể dữ liệu liên quan đến dân cư.

"Nếu Nhà nước có những cơ chế rõ ràng hơn trong việc các cơ quan quản lý nhà nước có thể hợp tác, chia sẻ các cơ sở dữ liệu đó cho người dân, cho doanh nghiệp để cùng nhau minh bạch hóa thị trường bất động sản thì đấy là một điều rất tốt cho doanh nghiệp chuyển đổi số bất động sản" - ông Chung bày tỏ.