Chuyển sang hóa đơn điện tử: Khó 'có cửa' cho hóa đơn bất hợp pháp

Theo thoibaotaichinhvietnam.vn

Nhằm tạo thuận lợi, giảm thời gian, chi phí thực hiện hoá đơn cho doanh nghiệp, người nộp thuế, vừa chống thất thu ngân sách, chống gian lận trong thanh toán từ ngân sách nhà nước.

Áp dụng HĐĐT được các DN đánh giá là mang lại kết quả tốt, được khách hàng chấp thuận.
Áp dụng HĐĐT được các DN đánh giá là mang lại kết quả tốt, được khách hàng chấp thuận.

Bộ Tài chính đã xây dựng và đang lấy ý kiến đóng góp vào dự thảo nghị định về hóa đơn (sửa đổi) trước khi trình Chính phủ xem xét ban hành, thay thế Nghị định số 51/2010/NĐ-CP (NĐ 51) và Nghị định số 04/2014/NĐ-CP (NĐ 04).

“Đột phá” từ hóa đơn giấy sang hóa đơn điện tử

Sau gần 7 năm thực hiện NĐ 51 về hoá đơn và các văn bản hướng dẫn, đã chuyển đổi phương thức phát hành, quản lý hóa đơn của doanh nghiệp (DN) từ cơ chế “mua hóa đơn của cơ quan thuế” sang cơ chế “DN tự đặt in, tự in hóa đơn” để sử dụng; chuyển đổi phương thức quản lý hóa đơn (giấy) của cơ quan thuế bằng việc phân quyền cho cục thuế các địa phương được đặt in hóa đơn bán cho các tổ chức, cá nhân không phải là DN nhưng có hoạt động kinh doanh. “Quy định tại NĐ 51 cũng tạo ra sự đổi mới trong việc trao quyền tự chủ về hóa đơn cho các DN, góp phần cải cách thủ tục hành chính, nâng cao trách nhiệm của cơ quan thuế địa phương trong công tác quản lý hóa đơn”, Bộ Tài chính nhấn mạnh.

Việc bổ sung hình thức hóa đơn điện tử (HĐĐT) như quy định tại NĐ 51 đã có ý nghĩa quan trọng, tạo cơ sở pháp lý để các DN hiện đại hóa công tác quản trị DN phù hợp với sự phát triển của xã hội hiện đại. Đồng thời, hạn chế được một phần tình trạng hộ kinh doanh, DN đặt in, tự in hóa đơn để xuất hóa đơn khống, mua bán lòng vòng, sử dụng bất hợp pháp, gây thất thu ngân sách nhà nước (NSNN), gian lận thương mại, ảnh hưởng đến nền kinh tế.

Đáng chú ý, tổng kết thực tế từ khi triển khai áp dụng HĐĐT do các DN lựa chọn theo Thông tư 32/2011/TT-BTC của Bộ Tài chính đến nay cho thấy, áp dụng HĐĐT được các DN đánh giá là mang lại kết quả tốt, được khách hàng chấp thuận; mang lại hiệu quả thiết thực về thời gian và tiết kiệm chi phí cho DN; góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh, chất lượng dịch vụ và tăng khả năng cạnh tranh của DN.

Sử dụng HĐĐT cũng giúp khách hàng thuận tiện trong thanh toán, tránh rủi ro mất hóa đơn và tiết kiệm được chi phí do không phải in ra giấy. Trong đó, việc thí điểm sử dụng HĐĐT có mã xác thực của cơ quan thuế vừa góp phần giảm thời gian, chi phí về hóa đơn cho DN, vừa góp phần hạn chế các hành vi gian lận về hóa đơn.

Điều đó được minh chứng bằng kết quả tổng kết cho thấy, số lượng DN sử dụng hóa đơn tự in, hóa đơn đặt in mang tính ổn định qua các năm, nhưng số lượng DN sử dụng HĐĐT tăng dần qua các năm. Cụ thể: Năm 2011 mới chỉ có 30 DN sử dụng HĐĐT thì đến năm 2015, con số này đã là 331 và năm 2016 là 656 DN. Theo đó, số lượng HĐĐT DN sử dụng cũng tăng qua các năm; nếu năm 2011 số lượng HĐĐT sử dụng mới chỉ là 9.014 hóa đơn thì năm 2016, đã tăng lên hơn 277 triệu hóa đơn.

Tiến tới áp dụng rộng rãi hóa đơn điện tử

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, qua thực tế triển khai cho thấy NĐ 51, 04 và các văn bản hướng dẫn đã bộc lộ những hạn chế, bất cập. Đáng chú ý trong số đó là quy định về in, phát hành, sử dụng hóa đơn của NĐ 51 áp dụng đối với hóa đơn giấy đã không còn phù hợp với bối cảnh triển khai thủ tục hành chính điện tử theo Nghị quyết số 36a/NQ-CP và Chỉ thị số 26/CT-TTg.

NĐ 51 cũng chưa tạo điều kiện pháp lý đầy đủ cho việc triển khai rộng rãi, phổ biến áp dụng HĐĐT trong bối cảnh phát triển mạnh mẽ của thương mại điện tử, cách mạng công nghiệp lần thứ 4, thanh toán không dùng tiền mặt trong nền kinh tế đã có sự chuyển biến rõ rệt so với các năm trước.

Với việc sử dụng hóa đơn giấy phổ biến (đặt in, tự in hóa đơn giấy, không có sự kết nối dữ liệu về hóa đơn với cơ quan thuế), một số đối tượng lợi dụng sự thông thoáng để thành lập nhiều DN, hoặc mua lại DN, thực tế không kinh doanh nhưng được sử dụng hóa đơn, xuất hóa đơn khống, sử dụng hóa đơn lòng vòng để khấu trừ, hoàn khống thuế giá trị gia tăng hoặc rút tiền thanh toán từ NSNN, hoặc không kê khai nộp thuế để trốn thuế... Để khắc  phục những tồn tại, hạn chế về quản lý, sử dụng hóa đơn như hiện nay, theo chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Tài chính cho biết đã dự thảo nghị định về hóa đơn (sửa đổi), thay thế hai nghị định trên.

Dự thảo nghị định mới, ngoài việc khắc phục những bất cập tại NĐ 51, còn đáp ứng yêu cầu của cải cách hành chính, cải cách thủ tục quản lý thuế, phòng chống việc sử dụng hóa đơn bất hợp pháp hoặc sử dụng bất hợp pháp hóa đơn để gian lận, trốn thuế... Quan trọng hơn, dự thảo nghị định mới về hóa đơn tạo hành lang pháp lý cho việc áp dụng rộng rãi phổ biến HĐĐT, đáp ứng triển khai thủ tục hành chính điện tử theo Nghị quyết số 36a/NQ-CP và Chỉ thị số 26/CT-TTg của Chính phủ, với nội dung cơ bản thực hiện hoá đơn, chứng từ điện tử trong năm 2018 đối với toàn nền kinh tế.