Cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển doanh nghiệp khởi nghiệp Việt Nam
Làn sóng doanh nghiệp khởi nghiệp đang diễn ra mạnh mẽ tại Việt Nam. Hệ sinh thái khởi nghiệp quốc gia ngày càng hoàn thiện và đạt được nhiều kết quả quan trọng, góp phần thúc đẩy hình thành và phát triển doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo. Tuy nhiên, để hướng tới quốc gia khởi nghiệp với mục tiêu 1 triệu doanh nghiệp hoạt động vào năm 2020 cần có thêm các biện pháp hỗ trợ khu vực doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo. Khảo sát thực trạng doanh nghiệp khởi nghiệp Việt Nam hiện nay, bài viết đề xuất một số giải pháp nhằm hỗ trợ phát triển khu vực doanh nghiệp này trong thời gian tới.
Hiện nay, Việt Nam đang tham gia hàng loạt hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới, đánh dấu sự hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới. Quá trình hội nhập vào các FTA thế hệ mới đem lại rất nhiều cơ hội nhưng cũng đặt ra không ít khó khăn, thách thức cho các doanh nghiệp (DN) Việt Nam, nhất là các DN khởi nghiệp sáng tạo (DNKNST). Do vậy, việc nghiên cứu, đánh giá về hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo là cần thiết, từ đó có giải pháp giúp khu vực DNKNST tranh thủ các cơ hội và ứng phó hiệu quả những khó khăn, thách thức trong bối cảnh hiện nay.
Cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo phát triển
Cùng với xu hướng hội nhập ngày càng sâu rộng vào nền kinh tế thế giới, Chính phủ Việt Nam xác định, DN trong đó gồm cả DNKNST là đối tượng quan trọng của nền kinh tế, là động lực cho tăng trưởng kinh tế và phát triển bền vững.
Cùng với xu hướng hội nhập ngày càng sâu rộng vào nền kinh tế thế giới, Chính phủ Việt Nam xác định, DN trong đó gồm cả DNKNST là đối tượng quan trọng của nền kinh tế, là động lực cho tăng trưởng kinh tế và phát triển bền vững. Để tạo điều kiện cho DNKNST phát triển, thời gian qua, Chính phủ đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ như: Ưu đãi về thuế suất, ưu đãi về vốn… Các cơ chế, chính sách hỗ trợ trên tập trung chủ yếu ở các văn bản quy phạm pháp luật sau: Luật Hỗ trợ DN nhỏ và vừa (DNNVV) năm 2017 (số 04/2017/QH14); Nghị định số 34/2018/NĐ-CP về việc thành lập, tổ chức và hoạt động của quỹ bảo lãnh tín dụng cho DNNVV; Nghị định số 38/2018/NĐ-CP quy định chi tiết về đầu tư cho DNNVV khởi nghiệp sáng tạo; Nghị định số 39/2018/NĐ-CP hướng dẫn quy định chi tiết một số điều của Luật Hỗ trợ DNNVV… Điển hình như chính sách hỗ trợ, đầu tư vốn cho DNKNST được quy định cụ thể tại Luật Hỗ trợ DNNVV năm 2017 như sau:
(i) Nhà đầu tư (NĐT) cho DNNVV khởi nghiệp sáng tạo bao gồm quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo, tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài thực hiện hoạt động kinh doanh thông qua việc góp vốn thành lập, mua cổ phần, phần vốn góp của DNNVV khởi nghiệp sáng tạo.
(ii) Quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo được hình thành từ vốn góp của các NĐT tư nhân để đầu tư vào DNNVV khởi nghiệp sáng tạo theo các nguyên ắc sau: Đầu tư vào DNNVV khởi nghiệp sáng tạo không quá 50% vốn điều lệ của DN sau khi nhận đầu tư; NĐT tư nhân góp vốn vào quỹ phải có điều kiện tài chính và chịu trách nhiệm về vốn góp của mình.
(iii) Căn cứ vào điều kiện ngân sách địa phương, UBND cấp tỉnh trình HĐND cùng cấp quyết định giao cho tổ chức tài chính nhà nước của địa phương thực hiện đầu tư vào DNNVV khởi nghiệp sáng tạo theo các nguyên tắc sau: Lựa chọn các Quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo đủ điều kiện để cùng đầu tư vào DNNVV khởi nghiệp sáng tạo; Khoản vốn đầu tư từ ngân sách địa phương không quá 30% tổng vốn đầu tư mà DNKNST huy động được từ các Quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo được lựa chọn; Tiến hành chuyển nhượng vốn đầu tư cho NĐT tư nhân trong thời hạn 05 năm kể từ thời điểm góp vốn đầu tư...
(iv) DN được sử dụng quỹ phát triển khoa học và công nghệ của DN để đầu tư khởi nghiệp sáng tạo theo quy định tại Luật Chuyển giao công nghệ. DN nhà nước thực hiện hoạt động đầu tư khởi nghiệp sáng tạo theo quy định về quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại DN và pháp luật có liên quan.
Liên quan tới vấn đề ưu đãi thuế cho DNKNST: DNKNST là 1 trong 3 nhóm đặc thù của DNNVV nên có thể áp dụng các ưu đãi thuế được quy định tại Luật Thuế thu nhập DN (TNDN) áp dụng chung cho các loại hình DN hiện có theo Luật DN 2014. Luật Thuế TNDN quy định về vấn đề ưu đãi lãi suất cho các DN, theo đó, áp dụng thuế suất 10% trong thời gian 15 năm đối với:
- Thu nhập của DN từ thực hiện dự án đầu tư mới tại địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, khu kinh tế, khu công nghệ cao;
- Thu nhập của DN từ thực hiện dự án đầu tư mới, bao gồm: Nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ; Ứng dụng công nghệ cao thuộc danh mục công nghệ cao được ưu tiên đầu tư phát triển theo quy định của Luật Công nghệ cao; Ươm tạo công nghệ cao, ươm tạo DN công nghệ cao…
- Thu nhập của DN công nghệ cao, DN nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao theo quy định của Luật Công nghệ cao…
Đề án "Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025" do Thủ tướng Chính phủ ban hành tại Quyết định số 844/QĐ-TTg (ngày 18/5/2016) cũng đặt ra nhiều mục tiêu hỗ trợ cho khu vực DNKN, cụ thể gồm:
- Đến năm 2020 hoàn thiện hệ thống pháp lý hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; thiết lập được Cổng thông tin khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia; hỗ trợ được 800 dự án, 200 DNKN, trong đó 50 DN gọi được vốn thành công từ các NĐT mạo hiểm, thực hiện mua bán và sáp nhập, với tổng giá trị ước tính khoảng 1.000 tỷ đồng;
- Đến năm 2025, hỗ trợ phát triển 2.000 dự án khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; hỗ trợ phát triển 600 DNKN đổi mới sáng tạo; 100 DN tham gia Đề án gọi được vốn đầu tư từ các NĐT mạo hiểm, thực hiện mua bán và sáp nhập, với tổng giá trị ước tính khoảng 2.000 tỷ đồng…
Trước đó, một số cơ chế, chính sách, đã được Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành ban hành nhằm cụ thể hóa các quy định liên quan đến hỗ trợ phát triển các NKNST, đặc biệt như Nghị quyết số 35/NQ-CP của Chính phủ, trong đó đặt mục tiêu đến năm 2020 là: Xây dựng DN Việt Nam có năng lực cạnh tranh, phát triển bền vững; cả nước có ít nhất 1 triệu DN hoạt động; khu vực tư nhân Việt Nam đóng góp khoảng 48-49% GDP, khoảng 49% tổng vốn đầu tư toàn xã hội; năng suất các nhân tố tổng hợp đóng góp khoảng 30-35% GDP; năng suất lao động xã hội tăng khoảng 5%/năm. Hàng năm, khoảng 30-35% DN Việt Nam có hoạt động đổi mới sáng tạo…
Thực trạng phát triển doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo ở Việt Nam
Hoạt động khởi nghiệp sáng tạo ở Việt Nam bắt đầu từ năm 2004-2005, với việc hình thành một số DNKNST trong lĩnh vực thương mại điện tử, dạy học trực tuyến. Sau gần 15 năm hình thành và phát triển đến nay, Hệ sinh thái khởi nghiệp quốc gia ngày càng hoàn thiện, với đầy đủ các thành tố quan trọng như: Các DNKNST, NĐT thiên thần, quỹ đầu tư mạo hiểm, tổ chức hỗ trợ kinh doanh, vườn ươm, công viên nghiên cứu, mạng lưới các huấn luyện viên/tư vấn, các cơ sở/đơn vị hỗ trợ nghiên cứu và khởi nghiệp sáng tạo tại các trường đại học, viện nghiên cứu… thuộc cả khối tư nhân và Nhà nước.
Theo thống kê của Tạp chí Echelon (Singapore) Việt Nam hiện có khoảng 3.000 DNKNST, tăng gần gấp đôi so với số liệu ước tính cuối năm 2015 (khoảng 1.800 DN). Khoảng 40 cơ sở ươm tạo khởi nghiệp, tổ chức thúc đẩy kinh doanh đang hoạt động trên cả nước. Về hoạt động tài chính, hiện có khoảng 40 quỹ đầu tư mạo hiểm đang hoạt động tại Việt Nam.
Nghiên cứu của Tập đoàn Amway phối hợp cùng Trường Đại học Technische Universitat Munchen, Công ty nghiên cứu thị trường Gesellschaft fuer Konsumforschung thực hiện trong năm 2017 cũng cho thấy, Việt Nam dẫn đầu thế giới về tinh thần khởi nghiệp, đứng thứ 2 về thái độ tích cực với khởi nghiệp. Cụ thể, 91% người Việt Nam được khảo sát cho biết, họ xem chuyện bắt đầu một công việc kinh doanh mới như một cơ hội nghề nghiệp đáng ao ước, 95% có thái độ tích cực với tinh thần khởi nghiệp, làm chủ. Tỷ lệ người Việt có thái độ thích cực với khởi nghiệp cao hơn mức trung bình thế giới, vốn chỉ dừng lại ở 77%. Bên cạnh đó, 96% người Việt được khảo sát cũng cho rằng, họ hoàn toàn cảm thấy thoải mái với việc tìm kiếm và thu hút khách hàng tiềm năng. 76% người Việt muốn khởi nghiệp “để được độc lập trong kinh doanh và tự chủ trong công việc kinh doanh của mình"… Những con số trên cho thấy, sự phát triển mạnh mẽ của DNKNST trong hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia Việt Nam trong thời gian gần đây.
Nâng cao hiệu quả thực hiện chính sách hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo phát triển
Với nỗ lực đẩy mạnh các cơ chế, chính sách hỗ trợ của Nhà nước, DNKNST Việt Nam đã phát triển mạnh về cả số lượng lẫn chất lượng. Tuy nhiên, không phải DNKN nào cũng khởi nghiệp thành công. Nghiên cứu của Quỹ Global Emerging Markets cho thấy, trong tổng số 3.200 DNKN được khảo sát, chỉ có 12 DN tồn tại và chỉ có 1 DN giới thiệu thành công sản phẩm dịch vụ trên thị trường và tiếp tục phát triển. Tại Việt Nam, Nghiên cứu của Thanh Giang (2016) cũng ghi nhận kết quả tương tự, trung bình có 70% DNKN thất bại ngay trong năm đầu tiên, 20% thất bại trong năm thứ 2 và chỉ có 10% thành công.
Mặc dù, các cơ chế, chính sách hỗ trợ DNKNST tuy đã được triển khai và đạt nhiều kết quả quan trọng nhưng thực tế vẫn còn những hạn chế, nhất định như: Việc chưa có luật dành riêng cho DNKNST cũng có những ảnh hưởng rất lớn đến thực hiện chính sách, làm cho việc thu hút đầu tư từ các quỹ đầu tư mạo hiểm, các NĐT thiên thần chưa đạt được hiệu quả như mong muốn. Nhiều chính sách mới hiện nay chỉ mang tính khuyến khích chung chung. Tỷ lệ DNNVV tiếp cận được nguồn vốn tín dụng thấp, Quỹ Bảo lãnh tín dụng cho DNNVV kém hiệu quả, khó khăn trong tiếp cận đất đai…
Nhằm đáp ứng nhu cầu và hoạt động khởi nghiệp một cách thực chất, các biện pháp hỗ trợ DNKNST trong thời gian tới cần tập trung thúc đẩy, tạo điều kiện về cơ chế, chính sách và tài chính theo hướng đồng bộ, kịp thời và đúng mục đích… Trước mắt, cần tập trung vào một số giải pháp sau:
Thứ nhất, xây dựng cơ chế kết hợp tài chính từ các ngân hàng với tài chính từ các quỹ đầu tư mạo hiểm có phần góp vốn từ ngân sách nhà nước nhằm đảm bảo duy trì thường xuyên nguồn vốn hỗ trợ cho DNKNST.
Thứ hai, chỉ thu thuế TNDN sau khi DN đạt doanh thu ở một mức nhất định, tạo điều kiện để DNKNST tập trung các nguồn lực cho việc nghiên cứu và phát triển sản phẩm.
Thứ ba, xây dựng quỹ đầu tư cho DNKNST ở cấp trung ương theo mô hình Fund of funds.
Thứ tư, kết hợp biện pháp hỗ trợ trợ cấp với các biện pháp hỗ trợ khác. Xây dựng các biện pháp hỗ trợ mang tính miễn trừ, tài trợ bên cạnh biện pháp trợ cấp nhằm cân bằng tài chính, tạo ra nguồn lực dài hạn tiến đến hỗ trợ bền vững cho các DNKNST.
Thứ năm, xác định cơ chế lựa chọn DNKNST nhận hỗ trợ từ Chính phủ. Theo đó, cần chia theo 2 loại, hỗ trợ thông thường mang tính miễn trừ, tài trợ và hỗ trợ đặc biệt mang tính trợ cấp cho các DN đăng ký, tránh lãng phí nguồn lực và tạo công bằng cho các DN khi tham gia thị trường
Thứ sáu, phát triển các cơ sở hỗ trợ bằng việc ưu đãi vốn, mặt bằng, cơ sở hạ tầng, thuế, công nghệ cho các vườn ươm, khu làm việc chung.
Thứ bảy, cải cách thủ tục hành chính nhằm tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho DNKNST.
Tài liệu tham khảo:
1. Luật Hỗ trợ DNNVV năm 2017 (số 04/2017/QH14);
2. Chính phủ (2016), Nghị quyết số 35/NQ-CP ngày 16/5/2016 của Chính phủ về Hỗ trợ và phát triển DN đến năm 2020;
3. Nghị định số 34/2018/NĐ-CP về việc thành lập, tổ chức và hoạt động của Quỹ Bảo lãnh tín dụng cho DNNVV;
4. Nghị định số 38/2018/NĐ-CP quy định chi tiết về đầu tư cho DNNVV khởi nghiệp sáng tạo;
5. Nghị định số 39/2018/NĐ-CP hướng dẫn quy định chi tiết một số điều của Luật Hỗ trợ DNNVV;
6. Thanh Giang (2016), Khởi nghiệp đang cần vốn, Báo Đại đoàn kết;
7. Hoàng Thị Tư, “Cơ chế, chính sách hỗ trợ đặc biệt cho DNKN”, Tạp chí Tài chính kỳ I tháng 9/2016.