Chế độ kế toán với các khoản vay, trả nợ của Chính phủ, chính quyền địa phương

Ngọc Ánh

Tại Thông tư số 99/2021/TT-BTC ngày 15/11/2021, Bộ Tài chính đã hướng dẫn cụ thể về chế độ kế toán đối với các khoản vay, trả nợ của Chính phủ, chính quyền địa phương; thống kê, theo dõi các khoản nợ cho vay lại và bảo lãnh Chính phủ.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Theo Thông tư số 99/2021/TT-BTC, đối tượng kế toán nợ công là các khoản vay, lãi, phí và chi phí đi vay, trả nợ vay trong nước, vay nước ngoài của Chính phủ và chính quyền địa phương. Nội dung kế toán nợ công là việc thu thập, xử lý, kiểm tra, giám sát, phân tích và cung cấp thông tin một cách kịp thời, đầy đủ, chính xác, trung thực, liên tục và có hệ thống về tình hình vay, lãi, phí và chi phí đi vay và tình hình trả nợ vay trong nước, vay nước ngoài của Chính phủ và chính quyền địa phương.

Đối tượng thống kê là các khoản vay, khoản phát hành trái phiếu của các đơn vị được Chính phủ bảo lãnh và các khoản cho vay lại từ nguồn vay nước ngoài theo quy định của pháp luật. Nội dung công tác thống kê là hoạt động tổng hợp số liệu báo cáo về tình hình bảo lãnh Chính phủ và số liệu báo báo cáo về tình hình cho vay lại trên cơ sở báo cáo của các đơn vị có liên quan.

Báo cáo nợ công bao gồm các thông tin về vay, trả nợ nước ngoài của Chính phủ; vay, trả nợ trong nước của Chính phủ và chính quyền địa phương; các khoản được Chính phủ bảo lãnh; các khoản cho vay lại từ nguồn vay nước ngoài và các khoản vay khác theo quy định của pháp luật về nợ công; thuyết minh, giải trình về tình hình nợ công.

Kế toán và tổng hợp báo cáo nợ công có trách nhiệm thu thập, ghi chép, xử lý và quản lý dữ liệu về tình hình các khoản vay và tình hình vay, trả nợ trong nước, nợ nước ngoài của Chính phủ và chính quyền địa phương; theo dõi việc chấp hành chế độ thanh toán và các quy định liên quan đến vay, trả nợ của Chính phủ và chính quyền địa phương; chấp hành chế độ báo cáo theo quy định; cung cấp đầy đủ, kịp thời các số liệu, thông tin báo cáo nợ công.

Đơn vị tiền tệ sử dụng trong kế toán nợ công là đồng Việt Nam. Kế toán ngoại tệ phải ghi theo nguyên tệ và quy đổi ra đồng Việt Nam theo tỷ giá ngoại tệ do Bộ Tài chính quy định tại thời điểm hạch toán. Trong trường hợp cụ thể, nếu có quy định tỷ giá khác của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền, thì kế toán thực hiện theo quy định đó.

Khi lập báo cáo nợ công hoặc công khai báo cáo nợ công được sử dụng đơn vị tiền tệ rút gọn, đơn vị kế toán được làm tròn số. Đối với đồng Việt Nam, được rút gọn đến đơn vị tỷ đồng Việt Nam. Chữ số sau chữ số hàng đơn vị tiền tệ rút gọn nếu bằng 5 trở lên thì được tăng thêm 1 đơn vị; nếu nhỏ hơn 5 thì không tính. Đối với ngoại tệ, được rút gọn đến triệu đơn vị ngoại tệ. Chữ số thập phân phần nghìn (chữ số thứ 3 sau dấu phẩy thập phân), nếu bằng 5 trở lên thì được tăng thêm 1% đơn vị; nếu nhỏ hơn 5 thì không tính.

Thông tư số 99/2021/TT-BTC hướng dẫn, kỳ kế toán nợ công gồm: Kỳ kế toán tháng và kỳ kế toán năm. Kỳ kế toán tháng là khoảng thời gian được tính từ ngày 01 đến hết ngày cuối cùng của tháng (dương lịch). Kỳ kế toán năm (niên độ kế toán) là khoảng thời gian được tính từ ngày 01/01 đến hết ngày 31/12 (dương lịch).

Báo cáo nợ công được lập theo kỳ 6 tháng (từ ngày 01/01 đến ngày 30/6) và kỳ 1 năm (từ ngày 01/01 đến 31/12). Báo cáo nợ công được thể hiện dưới hình thức văn bản giấy hoặc văn bản điện tử tùy theo điều kiện thực tế và yêu cầu của cơ quan nhận báo cáo.

Về tài liệu kế toán và lưu trữ, bảo quản, tiêu hủy, cung cấp thông tin, tài liệu kế toán, Thông tư số 99/2021/TT-BTC quy định, tài liệu kế toán về nợ công là chứng từ kế toán, sổ kế toán, báo cáo nợ công, báo cáo kiểm toán, báo cáo kiểm tra kế toán và tài liệu khác có liên quan được thể hiện dưới hình thức các thông tin trên giấy hoặc thông điệp dữ liệu điện tử.

Thời điểm đưa vào lưu trữ, thời hạn lưu trữ tài liệu kế toán, tiêu hủy tài liệu kế toán được thực hiện theo quy định tại Nghị định số 174/2016/NĐ-CP ngày 30/12/2016 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Kế toán.

Đơn vị kế toán có thể tổ chức lưu trữ tài liệu kế toán trên phương tiện điện tử. Việc lưu trữ tài liệu kế toán trên phương tiện điện tử phải thực hiện theo đúng quy định của pháp luật hiện hành về giao dịch điện tử trong lĩnh vực tài chính và pháp luật kế toán, bảo đảm an toàn, bảo mật thông tin dữ liệu và tra cứu được trong thời hạn lưu trữ.

Tài liệu kế toán đã lưu trữ chỉ được đưa ra sử dụng khi được sự đồng ý của Cục trưởng Cục Quản lý nợ và tài chính đối ngoại hoặc Tổng Giám đốc Kho bạc Nhà nước. Thông tư số 99/2021/TT-BTC nêu rõ, nghiêm cấm mọi trường hợp cung cấp tài liệu kế toán ra bên ngoài đơn vị hoặc mang tài liệu kế toán ra khỏi đơn vị kế toán nhà nước khi chưa được phép bằng văn bản của thủ trưởng đơn vị đối với tài liệu kế toán thuộc phạm vi quản lý.