Bộ Tài chính giải đáp thắc mắc về Thuế Thu nhập doanh nghiệp

Theo mof.gov.vn

(Tài chính) Rất nhiều thắc mắc về thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) đã được gửi đến Bộ Tài chính trong thời gian qua. FinancePlus.vn tập hợp một số câu hỏi về thuế TNDN đã được Bộ Tài chính trả lời mới đây.

Câu hỏi:

Công ty tôi là công ty thương mại. Có vay tiền của ngân hàng để kinh doanh. Tiền lãi vay được trả vào ngày 20 hàng tháng. VD: Lãi vay tháng 10/2013 thì trả vào ngày 20/11/2013. Tương tự như vậy, lãi vay tháng 12/2013 được trả vào 20/01/2014, kế toán công ty hạch toán tính lãi này vào tháng 12/2013 bằng bút toán N635/C335 thì có đúng không? Chi phí này có được tính là chi phí hợp lý khi quyết toán thuế TNDN không? Kính mong quý Bộ giải đáp. Tôi cảm ơn rất nhiều!

Trả lời:

Bạn đọc chỉ cần nắm vững 3 nguyên tắc cơ bản: Một là chi phí phải phù hợp với doanh thu (cả về nội dung, tính chất và niên độ kế toán); Hai là chi phí thực bỏ ra liên quan đến hoạt động của DN;  và Ba là: Không phạm quy định hạn chế trong 31 khoản thuộc điều 6 Thông tư số 123/2012.

Nếu DN của Bạn đã đóng đủ vốn điều lệ thì tiền lãi vay trả ngân hàng từ việc vay cho hoạt động SXKD của DN được tính vào chi phí năm 2013 nếu như số tiền lãi tính trên thời gian vay của năm 2013. Trường hợp ngân hàng sang tháng 1/2014 mới có chứng từ thu tiền lãi vay của tháng 12 thì DN của Bạn cần hạch toán trích trước lãi vay phải trả tháng 12/2013, khi có chứng từ ngân hàng thì hạch toán kết chuyển số trích trước này.

Bạn đọc căn cứ nào nội dung này để tự xét xem cán bộ kế toán của DN mình hạch toán có phù hợp không. Chúc thành công!

Câu hỏi:

Căn cứ luật thuế sửa đổi số 32 ngày 19/06/2013 và Căn cứ khoản 1, điều 1, chương 1 thông tư 141 ngày 16/10/2013 thì DN có tổng doanh thu năm không quá 20 tỷ thì được áp dụng thuế suất thuế TNDN 20% từ ngày 01/07/2013. Như vậy, trong năm tài chính 2013 áp dụng 2 mức thuế suất thuế TNDN: 25% trong 6 tháng đầu và 20% của 6 tháng sau. Trường hợp DN tôi như sau: DN tôi mới thành lập vào mùng 01/04/2013 thời gian hoạt động năm tài chính là 9 tháng: (đầu năm tính từ 01/04/2013 đến 30/06/2013 = 3 tháng) còn lại từ 01/07/2013 đến hết năm tài chính (31/12/2013 là 6 tháng tháng) từ nguyên nhân trên: 3 tháng đầu năm DN tôi có lợi nhuận trước thuế đang bị lỗ (ví dụ lỗ 100 triệu đồng) còn lại 6 tháng cuối năm (tức 01/07/2013-31/12/2013), tổng lợi nhuận kế toán trước thuế là 200 triệu đồng. Nhưng trong đó số lợi nhuận trước thuế 200 triệu này có bao gồm cả khoản thu nhập khác là 100 triệu). Vậy thì DN chúng tôi có được xác định khoản thu nhập khác của số tiền 100 triệu đó và thuế TNDN năm hay không? Hay chỉ được tính thuế TNDN của só tiền 100 triệu kia). Tổng Thuế TNDN trong năm tôi xác định như thế nào về thời gian hoạt động và lợi nhuận trước thuế? Kính mong cổng Bộ Tài chính giải đáp sớm!

Trả lời

DN của Bạn mới thành lập từ 01/4/2013 mà đã có thu nhập khác thì đúng là có hoạt động không bình thường. Bạn đọc vui lòng kiểm tra lại. Việc khai thuế tạm tính tạm nộp các quý chỉ là số tương đối, số chính thức cả năm phải xác định chính xác, nếu các quý có lãi, có lỗ thì cả năm bù trừ, xác định theo số phát sinh luỹ kế của tài khoản thu nhập (lãi/lỗ). Với tình hình Bạn nêu trong thư hỏi thì Bạn cần làm các bước sau đây:

Bước 1: Rà soát lại xem khoản thu nhập khác ở đây là gì ? Nếu thuộc về khoản 2 điều 1, TT số 141/2013 thì khoản này hạch toán riêng, nộp thuế 25% còn lỗ thì hạch toán riêng, hạch toán kết chuyển và cuối năm chuyển lỗ.

Trường hợp thu nhập khác không thuộc diện bị loại trừ theo khoản 2, điều 1, TT 141/2013 thì chuyển sang bước 2.

Bước 2: Xác định tổng lãi/lỗ cả năm, hạch toán bù trừ thu nhập khác với lỗ kinh doanh, nếu bù trừ rồi mà vẫn còn lỗ thì kết chuyển lỗ sang năm sau.

Ngược lại, sau khi bù trừ mà có lãi thì chuyển sang Bước 3:

Bước 3: Xác định số thuế TNDN cả năm: Vì năm 2013 DN của Bạn hoạt động SXKD có 9 tháng, tromng đó có 3 tháng thuộc thời kỳ thuế suất chung 25%, 6 tháng thuế suất 20%. Đến đây thì Bạn làm theo công thức tại khoản 3, điều 1, TT số 141/2013 (đơn giản là lấy lãi cả năm chia cho 9 tháng ra số bình quân 1 tháng. Số này nhân với 6 tháng thì ra số thu nhập áp thuế suất 20%, còn lại là áp thuế suất 25%.

Bạn đọc vui lòng kiểm tra lại số liệu số sách kế toán của đơn vị để xác định cho phù hợp. Chúc thành công.

Câu hỏi:

Kính gửi Bộ tài chính, Công ty CP TMKT&DVIT - CA xin gửi lời chào tới Bộ Tài chính. Chúng tôi có một số vướng mắc về lĩnh vực thuế, kính mong Bộ giải đáp giúp. Công ty chúng tôi chuyên viết phần mềm và thiết kế website theo đơn đặt hàng. Năm 2012 do kế toán còn kém kinh nghiệm nên đã xuất hóa đơn chi phí dịch vụ đi kèm phần mềm với thuế suất 10%. Kế toán đã tiến hành kê khai thuế đầu ra - vào tương ứng. Theo như tôi tìm hiểu thì được biết phần mềm và dịch vụ liên quan đến phần mềm thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT, như vậy chúng tôi cần xử lý thế nào với những hóa đơn đã kê khai khâu trừ và nộp thuế của các hóa đơn trên. Theo như tìm hiểu thì doanh nghiệp phần mềm sẽ được miễn thuế TNDN của doanh thu phần mềm trong 4 năm đầu. Vui lòng chỉ giúp tôi là phần dịch vụ liên quan đến phần mềm có được miễn thuế TNDN không và để được hưởng ưu đãi miễn thuế doanh nghiệp cần làm gì. Chúng tôi xin chân thành cảm ơn!

Trả lời:

Bạn có thông tin như chưa đủ và để sự việc 2012 qua rồi nay rất khó xử lý lại vì phân biệt phần mềm với các hoạt động khác không dễ và khách hàng của DN đã kê khai thuế đầu vào rồi, chưa chắc họ sẽ đồng ý hợp tác đề xuất điều chỉnh.

Theo quy định của TT số 219/2013 (trước đây là TT số 06/2012, TT số 129/2008) thì sản phẩm phần mềm và dịch vụ phần mềm theo quy định của pháp luật thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT (không tính thuế đầu ra nhưng thuế đầu vào cũng không được khấu trừ.

Đối với thuế TNDN, Thông tư số 123/2012 (trước đây là TT số 130/2008 và TT 18/2011) quy định DN thành lập mới từ dự án đầu tư sản xuất phần mềm được ưu đãi thuế ở mức cao: Thuế suất 10%, được miễn thuế 4 năm và giảm 50% trong 9 năm tiếp theo.

Với các việc đã xảy ra năm 2012, theo quy định thì DN có quyền phát văn bản thoả thuận với các đơn vị mua hàng để xuất hoá đơn điều chỉnh, trong đó điều chỉnh giảm thuế GTGT đầu ra, các đơn vị sẽ kê khai giảm thuế GTGT đầu vào, DN của bạn điều chỉnh lại số thuế GTGT đã khấu trừ để tính vào chi phí. Với cách này thì đối tác khó hợp tác vì họ khai điều chỉnh thuế GTGT đầu vào đồng nghĩa với việc họ phải nộp 0,05% số tiền thuế mỗi ngày. Do vậy, có lẽ phương án khả thi nhất là không điều chỉnh lại thuế đầu ra đã làm sai.

Đối với thuế TNDN, các Bạn có thể khai điều chỉnh tờ khai thuế TNDN để được hưởng ưu đãi thuế theo quy định. Bạn đọc chú ý đọc ký các văn bản trích dẫn trên, cần thiết có thể hỏi lại Bộ thông tin truyền thông để xác định rõ hoạt động nào là phần mềm được ưu đãi, hoạt động nào là dịch vụ thông thường hoặc mua bán thuần tuý phải nộp thuế bình thường. Chúc bạn đọc sức khoẻ, thành công.