Cơ chế tài chính cho công tác quản lý nhà nước trong xử lý vi phạm hành chính

PV.

Có hiệu lực từ ngày 15/04/2017, Thông tư số 19/2017/TT-BTC được Bộ Tài chính ban hành, quy định về việc lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí ngân sách nhà nước cho công tác quản lý nhà nước về thi hành pháp luật xử lý vi phạm hành chính.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Theo Thông tư, quy định đối với nhiệm vụ công tác quản lý nhà nước về thi hành pháp luật xử lý vi phạm hành chính thuộc ngân sách cấp nào do ngân sách cấp đó đảm bảo và bố trí trong dự toán ngân sách hàng năm của cơ quan, đơn vị theo quy định của Luật Ngân sách Nhà nước và các văn bản pháp luật khác có liên quan;

Về kinh phí ngân sách nhà nước thực hiện công tác quản lý nhà nước về thi hành pháp luật xử lý vi phạm hành chính phải được lập, quản lý, sử dụng và quyết toán đúng mục đích, đúng chế độ và theo các quy định tại Thông tư số 19 quy định;

Kinh phí từ nguồn tài trợ của các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp trong và ngoài nước cho các cơ quan, đơn vị để thực hiện việc theo dõi thi hành pháp luật xử lý vi phạm hành chính thực hiện đúng theo sự thỏa thuận và phù hợp với pháp luật Việt Nam. Nếu trong trường hợp không có thỏa thuận thì thực hiện theo quy định tại Thông tư này.

Thông tư 19/2017/TT-BTC quy định về nội dung chi như sau:

Một là. chi công tác phí cho những người thực hiện công tác quản lý nhà nước về thi hành pháp luật xử lý vi phạm hành chính;

Hai là, chi điều tra, khảo sát, kiểm tra tình hình thi hành pháp luật xử lý vi phạm hành chính;

Ba là, chi hoạt động thống kê về xử lý vi phạm hành chính theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền;

Bốn là, chi xây dựng văn bản quy phạm pháp luật về xử lý vi phạm hành chính: soạn thảo, góp ý, thẩm định văn bản quy phạm pháp luật; báo cáo theo dõi thi hành pháp luật xử lý vi phạm hành chính;

Năm là, chi cho công tác hệ thống hóa, rà soát, kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật trong theo dõi thi hành pháp luật xử lý vi phạm hành chính;

Sáu là, chi cho công tác phổ biến, tuyên truyền pháp luật về xử lý vi phạm hành chính;

Bảy là, chi cho công tác đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ, công chức thực hiện công tác quản lý nhà nước về thi hành pháp luật xử lý vi phạm hành chính.

Ngoài ra, Thông tư 19/2017/TT-BTC còn có hướng dẫn về một số khoản chi có tính chất đặc thù trong theo dõi thi hành pháp luật xử lý vi phạm hành chính như:

Chi mua, thuê trang thiết bị phục vụ cho công tác quản lý nhà nước về thi hành pháp luật xử lý vi phạm hành chính thực hiện theo tiêu chuẩn, định mức quy định tại Quyết định số 58/2015/QĐ-TTg ngày 17/11/2015 của Thủ tướng Chính phủ quy định tiêu chuẩn, định mức, chế độ quản lý, sử dụng máy móc, thiết bị của cơ quan nhà nước, tổ chức, đơn vị sự nghiệp công lập.

Đồng thời, Thông tư quy định về thanh toán căn cứ vào hóa đơn, chứng từ chi tiêu hợp pháp, hợp lệ được cấp có thẩm quyền phê duyệt trong dự toán ngân sách hàng năm; Trong trường hợp thuộc diện phải đấu thầu mua sắm thì thực hiện theo các quy định của pháp luật đấu thầu.

Thông tư quy định rõ về lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí bảo đảm cho công tác quản lý nhà nước về thi hành pháp luật xử lý vi phạm hành chính, cụ thể như sau:

Hằng năm, căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao; các hoạt động, nội dung chi quy định, các cơ quan, đơn vị lập dự toán chi tiết kinh phí bảo đảm cho công tác quản lý nhà nước về thi hành pháp luật xử lý vi phạm hành chính, tổng hợp chung vào dự toán ngân sách chi thường xuyên hàng năm gửi cơ quan có thẩm quyền theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật;

Đối với các tổ chức pháp chế không phải là đơn vị dự toán, hàng năm, tổ chức pháp chế căn cứ vào các nội dung kinh phí bảo đảm cho công tác quản lý nhà nước về thi hành pháp luật xử lý vi phạm hành chính quy định tại Thông tư này và kế hoạch theo dõi thi hành pháp luật xử lý vi phạm hành chính được duyệt, lập dự toán kinh phí bảo đảm cho công tác quản lý nhà nước về thi hành pháp luật xử lý vi phạm hành chính gửi bộ phận tài chính của cơ quan mình để tổng hợp chung vào dự toán kinh phí của cơ quan theo quy định;

Việc phân bổ kinh phí bảo đảm cho công tác quản lý nhà nước về thi hành pháp luật xử lý vi phạm hành chính được thực hiện theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước.