Hướng dẫn thủ tục hỗ trợ vốn đầu tư dự án sáng chế bảo vệ môi trường

PV.

Có hiệu lực thi hành từ ngày 27/3/2017, Thông tư 12/2017/TT-BTC do Bộ Tài chính ban hành ngày 10/02/2017, hướng dẫn trình tự, thủ tục hỗ trợ vốn đầu tư thiết bị của các dự án triển khai ứng dụng sáng chế bảo vệ môi trường được nhà nước bảo hộ dưới hình thức cấp Bằng độc quyền sáng chế hoặc Bằng độc quyền giải pháp hữu ích được quy định tại Nghị định số 19/2015/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật Bảo vệ môi trường.

Các dự án triển khai ứng dụng sáng chế bảo vệ môi trường được hỗ trợ với mức 10% tổng vốn đầu tư thiết bị. Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Các dự án triển khai ứng dụng sáng chế bảo vệ môi trường được hỗ trợ với mức 10% tổng vốn đầu tư thiết bị. Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Theo đó, các dự án triển khai ứng dụng sáng chế bảo vệ môi trường được hỗ trợ với mức 10% tổng vốn đầu tư thiết bị triển khai ứng dụng sáng chế bảo vệ môi trường của dự án theo báo cáo quyết toán của chủ đầu tư được phê duyệt, sau khi đã được kiểm toán bởi một công ty kiểm toán độc lập hoạt động theo pháp luật của Việt Nam.

Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam trực thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường là cơ quan hỗ trợ vốn. Dự án được hỗ trợ vốn theo hình thức hỗ trợ sau đầu tư 01 lần và không phải hoàn trả lại.

Theo Thông tư, các chủ đầu tư dự án phải gửi hồ sơ đề nghị gồm:

Văn bản đề nghị hỗ trợ vốn, trong đó xác định rõ số vốn đề nghị hỗ trợ; Báo cáo quyết toán Dự án hoàn thành đã được lập, phê duyệt và đã được kiểm toán; Hỗ sơ về kết quả chạy thử, xác nhận của cấp có thẩm quyền xác nhận sự phù hợp của Dự án với Bằng độc quyền sáng chế hoặc Bằng độc quyền giải pháp hữu ích được cấp và Dự án đủ điều kiện vận hành bình thường.

Trong 07 ngày làm việc, tính từ ngày nhận đủ hồ sơ đề nghị hỗ trợ vốn, Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam thực hiện hỗ trợ vốn cho dự án.

Ngoài ra, Thông tư cũng quy định rõ, Các dự án đáp ứng đầy đủ các điều kiện sau thì được hỗ trợ vốn:

Dự án hoạt động theo quy định tại Nghị định 19/2015/NĐ-CP; dự án được lập, thẩm định, phê duyệt hoặc cấp Giấy Chứng nhận đăng ký đầu tư đối với các trường hợp phải cấp Giấy Chứng nhận đăng ký đầu tư theo đúng quy định của pháp luật; dự án đã hoàn thành, nghiệm thu, quyết toán; dự án đã kết thúc thời gian chạy thử và đủ điều kiện vận hành bình thường.

Về nguồn vốn hỗ trợ, Thông tư cũng quy định cụ thể là: nguồn vốn từ Ngân sách Nhà nước chi sự nghiệp môi trường cấp bù kinh phí tài trợ cho các dự án, nhiệm vụ bảo vệ môi trường đã thực hiện hàng năm theo quy định tại Quyết định số 78/2014/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về tổ chức và hoạt động của Quỹ BVMTVN và quy định tại Thông tư số 132/2015/TT-BTC của Bộ Tài chính hướng dẫn cơ chế quản lý tài chính đối với Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam.