Cổ đông chiến lược nước ngoài và hiệu quả hoạt động của các ngân hàng thương mại

TS. Lê Tấn Phước

Nghiên cứu tác động của các cổ đông chiến lược nước ngoài đến hiệu quả kinh doanh của ngân hàng thương mại Việt Nam cho thấy, hiệu quả kinh doanh của các ngân hàng thương mại Việt Nam trong giai đoạn 2009 – 2016 nhìn chung ở mức vừa phải, tỷ suất lợi nhuận trên tổng tài sản trung bình đạt 1,34%, tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu trung bình đạt 12,40% và tỷ lệ nợ xấu đạt 2,38%. Kết quả này cho thấy, sự chênh lệch đáng kể về hiệu quả kinh doanh của các ngân hàng thương mại trong giai đoạn 2009-2016.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Các chỉ tiêu đánh giá hiệu quả kinh doanh của ngân hàng thương mại

Hiệu quả kinh doanh của ngân hàng được đánh giá qua các chỉ tiêu: Tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROE), Tỷ suất lợi nhuận trên tổng tài sản (ROA), tỷ lệ nợ xấu (NPL)… Bên cạnh đó, hiệu quả kinh doanh cũng có thể được đo lường bởi các chỉ tiêu sau: Tỷ lệ thu nhập cận biên (NIM, MN, NPM), thu nhập trên cổ phiếu (EPS), chênh lệch lãi suất bình quân, tỷ lệ hiệu suất sử dụng tài sản cố định, tỷ lệ tài sản sinh lời, mức tăng giá cổ phiếu ngân hàng trên thị trường… Tuy nhiên, các chỉ tiêu ROE, ROA và NPL là các chỉ tiêu được các nhà quản lý ngân hàng và các nhà đầu tư quan tâm nhiều nhất nên bài nghiên cứu này thực hiện phân tích và chạy mô hình cho 3 biến phụ thuộc này.

Mô hình và kết quả nghiên cứu

Các yếu tố tác động đến hiệu quả của một ngân hàng có thể được phân thành: yếu tố đặc thù của ngân hàng (yếu tố nội tại) và các yếu tố vĩ mô (yếu tố ngoại sinh) tác động đến hiệu quả hoạt động của ngân hàng. Trên cơ sở các nghiên cứu trước, tác giả xây dựng mô hình kinh tế lượng tổng quát như sau:

Efficiencyi =  i +  1Foreign Strategici +  2Banksizei +  3Loan/Assetsi +  4Capital structurei +  5BigStatei +  6Statei + 7Ruralbanki +  8Listingi  +  9GDPi  +  10Inflationi  +  i 

Định nghĩa các biến được sử dụng trong mô hình

Efficiencyi: là biến phụ thuộc đại diện cho hiệu quả hoạt động của các ngân hàng.

Foreign Strategici đại diện cho tỷ lệ sở hữu của cổ đông chiến lược nước ngoài tại các ngân hàng thương mại (NHTM).

Banksizei: Biến đại diện cho quy mô hoạt động của ngân hàng, đo bằng logarit (tổng tài sản).

 Loan/Assetsi: Biến đại diện cho tính thanh khoản và chiến lược quản trị tài sản của ngân hàng, được đo bằng tỷ lệ cho vay ròng/tổng tài sản.

Capital structurei: Biến đại diện cho cấu trúc vốn của ngân hàng, được đo bằng tỷ lệ vốn chủ sở hữu trên tổng tài sản.

BigStatei, Statei lần lượt là các biến đại diện cho các NHTM thuộc sở hữu nhà nước gồm các NHTM quốc doanh và các NHTM có tỷ lệ sở hữu nhà nước từ 20% - 50% vốn góp.

Cổ đông chiến lược nước ngoài và hiệu quả hoạt động của các ngân hàng thương mại - Ảnh 1
 

Ruralbanki: Đại diện cho các NHTM nông thôn được chuyển đổi lên ngân hàng đô thị và các ngân hàng thành lập mới trong giai đoạn sau năm 2005.

Listingi: Đại diện cho các NHTM đã được niêm yết trên 2 sàn chứng khoán HOSE và HNX.

GDPgrowthi: Đại diện cho tốc độ tăng trưởng GDP qua các năm; Inflationi: Đại diện cho tỷ lệ lạm phát qua các năm;  i: Phần dư.

Trong bộ dữ liệu nghiên cứu của tác giả bao gồm 31 NHTM trong giai đoạn 2009 – 2016, với quy mô mẫu thu thập có 217 quan sát do đã loại bỏ các quan sát là các ngân hàng không có thông tin đầy đủ trong giai đoạn 2009 – 2016, các ngân hàng bị sáp nhập hoặc các ngân hàng được Nhà nước mua lại với giá 0 đồng.

Cổ đông chiến lược nước ngoài và hiệu quả hoạt động của các ngân hàng thương mại - Ảnh 2
 

Kết quả thống kê mô tả chung cho thấy: Hiệu quả kinh doanh của các NHTM trong giai đoạn 2009-2016 nhìn chung ở mức vừa phải, ROA trung bình đạt 1,34%, ROE trung bình đạt 12,40% và tỷ lệ nợ xấu đạt 2,38%. Tuy nhiên, có một sự chênh lệch lớn giữa các NHTM trong giai đoạn này. Chẳng hạn như, ROA cao nhất đạt 9,4% (NHTM cổ phần An Bình năm 2012) và thấp nhất đạt 0,02% (NHTM cổ phần Quốc dân năm 2012 và năm 2016); ROE cao nhất đạt 38,54% (NHTM Cổ phần Kỹ thương Việt Nam năm 2011) và thấp nhất chỉ đạt 0,11% (NHTM cổ phần Quốc dân năm 2012); NPL cao nhất đạt 12,46% (NHTM cổ phần Sài Gòn năm 2010) và thấp nhất đạt 0% (NHTM cổ phần Bảo Việt khi mới thành lập năm 2009). Qua  đó, ta thấy có sự chênh lệch đáng kể về hiệu quả kinh doanh của các NHTM Việt Nam trong giai đoạn 2009 – 2016.

Kết quả ước lượng cho thấy, các NHTM có cổ đông chiến lược nước ngoài hoạt động kém hiệu quả hơn (xét theo tỷ lệ) các NHTM không có cổ đông chiến lược nước ngoài. Điều này là trái với kỳ vọng ban đầu. Cụ thể, khi tỷ lệ sở hữu của cổ đông chiến lược nước ngoài tăng/giảm 1% thì ROA giảm/tăng 0,0108% (ở mức ý nghĩa 5%), ROE giảm/tăng 0,169% (ở mức ý nghĩa 1%) và tăng/giảm 0,0208% (ở mức ý nghĩa 1%).

Tuy nhiên, để có thể phân tích rõ hơn về tác động của cổ đông chiến lược nước ngoài đối với hiệu quả kinh doanh của các NHTM, cần đi sâu phân tích các yếu tố cấu thành nên các chỉ số đo lường hiệu quả kinh doanh của các NHTM, cụ thể như sau:

Thực tế cho thấy, hầu hết các NHTM có hiệu quả kinh doanh vào năm 2016 sụt giảm so với thời điểm 01 năm trước khi cổ đông chiến lược đầu tư vào từng ngân hàng. Cụ thể, các chỉ số đo lường khả năng sinh lời là ROA và ROE đều giảm trong khi chỉ số đo lường rủi ro tín dụng là tỷ lệ nợ xấu (NPL) lại tăng. Tuy nhiên, phân tích cụ thể hơn, sự suy giảm này là do các nguyên nhân sau:

Thứ nhất, sự suy giảm này chỉ là suy giảm tính theo tỷ lệ trong khi thực chất, các số tuyệt đối đều thể hiện sự cải thiện trong nhiều chỉ tiêu. Cụ thể, thời điểm 01 năm trước khi cổ đông chiến lược đầu tư vào từng ngân hàng hầu hết là thời điểm mà ngân hàng mới hình thành, khi mà quy mô còn nhỏ, lợi nhuận tăng nhanh và các khoản nợ xấu cũng chưa phát sinh.

Đến năm 2016, khi các cổ đông chiến lược nước ngoài đã đầu tư được nhiều năm, quy mô các ngân hàng này tăng nhanh hơn hẳn tốc độ tăng trưởng của lợi nhuận, còn nợ xấu lại tăng cao bởi các khoản cấp tín dụng kém chất lượng trong quá khứ (giai đoạn mới thành lập, trước khi cổ đông chiến lược nước ngoài đầu tư). Lúc bấy giờ tỷ lệ lợi nhuận so với quy mô ngày càng suy giảm còn tỷ lệ nợ xấu thì ngày càng tăng. Ngoài ra, tỷ lệ sở hữu của các cổ đông chiến lược nước ngoài cũng có tương quan tỷ lệ thuận với quy mô tổng tài sản của các NHTM Việt Nam. Qua đó ta thấy, thực chất việc gia tăng tỷ lệ sở hữu của cổ đông chiến lược nước ngoài trong giai đoạn 2009-2016 giúp gia tăng quy mô tổng tài sản nhanh hơn tốc độ tăng trưởng lợi nhuận và kiểm soát nợ xấu trong quá khứ.

Thứ hai, giai đoạn 2009-2016 ngành Ngân hàng gặp rất nhiều khó khăn, rủi ro ngày càng tăng nên hầu hết các NHTM Việt Nam cũng chuyển mục tiêu sang tập trung gia tăng quy mô ngân hàng (bao gồm vốn, tài sản), kiểm soát nợ xấu, tăng trích lập dự phòng, cải tiến công nghệ, đào tạo nâng cao năng lực quản trị… thay vì tập trung tăng trưởng lợi nhuận. Qua đó, xây dựng nền tảng vững chắc, tạo điều kiện để phát triển lâu dài trong thời gian tới. Do đó, các tỷ lệ dùng để đo lường lợi nhuận đều suy giảm còn tỷ lệ nợ xấu thì gia tăng trong giai đoạn nghiên cứu.

Tóm lại, tỷ lệ sở hữu của các cổ đông chiến lược nước ngoài gia tăng sẽ làm giảm hiệu quả kinh doanh (tính theo các tỷ lệ) của các NHTM trong giai đoạn 2009-2016. Tuy nhiên, điều tích cực là tỷ lệ sở hữu của các cổ đông chiến lược nước ngoài giúp cải thiện quy mô tổng tài sản, điều này lại phù hợp với các NHTM Việt Nam trong giai đoạn này đó là tập trung gia tăng quy mô ngân hàng, kiểm soát nợ xấu, nâng cao “sức khỏe” để đương đầu với giai đoạn khó khăn trước mắt.

Gợi ý chính sách

Mặc dù kết quả nghiên cứu chỉ ra rằng, việc gia tăng tỷ lệ sở hữu của các cổ đông chiến lược nước ngoài làm xấu đi các tỷ lệ đo lường hiệu quả kinh doanh của các NHTM Việt Nam. Tuy nhiên, nếu mục tiêu của các ngân hàng là tập trung cải thiện quy mô, năng lực tài chính, kiểm soát rủi ro thì việc tiếp tục để các cổ đông chiến lược nước ngoài đầu tư vào là cần thiết.

Ngoài ra, việc lựa chọn cổ đông chiến lược nước ngoài phù hợp cần chú trọng hơn trong thời gian tới. Thông qua nghiên cứu này nên chọn các cổ đông chiến lược nước ngoài là các tổ chức tài chính lớn, uy tín, thành công tại nhiều quốc gia. Chính các tổ chức này sẽ dùng các nguồn lực và kinh nghiệm của mình giúp cải thiện nhiều mặt cho các NHTM.

Tài liệu tham khảo:

1. Athanasoglou, P.P., Sophocles, N.B., Matthaios, D.D. (2005) Bank-specific, industry-specific and macroeconomic determinants of bank profitability. Working paper, Bank of Greece. 1(1), 3-4;

2. Berger A. N., Hasan I and Zhou M. (2007), Bank ownership and efficiency in China: what lies ahead in the world’s largest nation?. Bank of Finland, Research Discussion Papers, (No.16);

3. Claessens, S.; Demirgüç -Kunt, A. & Huizinga, H. (2001). How does foreign entry affect domestic banking markets? Journal of Banking and Finance 25, 891-911;

4. Gonzalez-Garcia, J., & Grigoli, F. (2013). State-owned banks and fiscal discipline (No. 13-206). International Monetary Fund;

5. Hamada, M. (2013). Impact of foreign capital entry in the Indonesian banking sector.