Pháp luật về biện pháp bảo đảm trong hoạt động cho vay của ngân hàng thương mại

ThS. Trần Thế Hệ - Đại học Luật – Huế

Hiện nay vẫn còn một số những vướng mắc đối với các ngân hàng thương mại trong việc xác định các biện pháp bảo đảm phù hợp nhằm thực thi quyền đòi nợ của mình đối với khách hàng trong quan hệ vay vốn. Bài viết đề xuất một số giải pháp nhằm hoàn thiện và tăng cường bảo vệ quyền lợi cho các ngân hàng thương mại ở Việt Nam.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet.
Ảnh minh họa. Nguồn: internet.

Thực trạng pháp luật về biện pháp bảo đảm trong hoạt động cho vay của ngân hàng thương mại

Trên cơ sở các quy định của pháp luật Việt Nam về các biện pháp bảo đảm, trong quá trình áp dụng vẫn còn một số những vướng mắc gây khó khăn cho các ngân hàng trong việc xác định các biện pháp bảo đảm phù hợp nhằm thực thi quyền đòi nợ của mình đối với khách hàng trong quan hệ vay vốn. Điều này được thể hiện trong những bất cập sau đây:

Thứ nhất, quy định thiếu thống nhất đối với biện pháp cầm cố và thế chấp, gây khó khăn trong công tác áp dụng biện pháp bảo đảm.

Từ sự kế thừa quan điểm của Bộ luật Dân sự năm 2005, Bộ luật Dân sự năm 2015 đưa ra khái niệm về biện pháp bảo đảm cầm cố và thế chấp.

Theo đó, cầm cố tài sản là việc bên cầm cố giao tài sản thuộc quyền sở hữu của mình cho bên nhận cầm cố để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ. Thế chấp tài sản là bên thế chấp dùng tài sản thuộc sở hữu của mình để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ và không giao tài sản cho bên nhân thế chấp.

Từ đó cho thấy, cầm cố và thế chấp chỉ khác nhau ở việc chuyển giao mang tính cơ học các tài sản bảo đảm mà không hề có sự phân biệt về loại tài sản. Vì thế, trong hoạt động cho vay việc cầm cố bất động sản là hoàn toàn có thể thực hiện.

Tuy nhiên, các Luật chuyên ngành lại không quy định điều này. Theo quy định tại Luật Nhà ở số 65/2014/QH13, quy định về các quyền sở hữu nhà ở thì không nhắc tới quyền cầm cố nhà ở mà chỉ thấy nhắc đến quyền thế chấp nhà ở.

Hay tại Điều 167 Luật Đất đai số 45/2013/QH13 quy định quyền của người sử dụng đất cũng không hề nhắc tới cầm cố quyền sử dụng đất. Như vậy, quy định trong các văn bản Luật chuyên ngành lại hạn chế quyền cầm cố bất động sản của người sở hữu các quyền này.

Thứ hai, thiếu quy định pháp luật và chưa thống nhất đối với một số loại tài sản bảo đảm đặc biệt.

Bộ luật Dân sự năm 2015 và Nghị định số 163/2006 đều không quy định rõ ràng về việc sử dụng thế chấp hay cầm cố, trong đó có các quyền tài sản. Bộ luật Dân sự năm 2005 có quy định về việc sử dụng quyền tài sản để đảm bảo thực hiện nghĩa vụ dân sự theo Điều 322. Tuy nhiên, Bộ luật Dân sự năm 2015 đã bãi bỏ Điều luật này.

Việc bãi bỏ quy định này gây khó khăn cho khách hàng sử dụng quyền tài sản (quyền tác giả, quyền sở hữu công nghiệp...) để đảm bảo vay vốn. Đồng thời, việc thiếu quy định quyền tài sản được bảo đảm dưới hình thức cầm cố hay thế chấp cũng khiến cho cán bộ nhân viên ngân hàng khó khăn áp dụng trong thực tiễn.

Bên cạnh đó, còn nhiều quy định chưa thống nhất tại các văn bản Luật trong việc cầm cố hay thế chấp tài sản như tài sản là tàu bay, tàu biển... Nghị định số 163/2006/NĐ-CP ngày 29/12/2006 của Chính phủ quy định “thế chấp tàu bay, tàu biển”, không có quy định cầm cố tàu bay nhưng sang đến Nghị định số 83/1010/NĐ-CP ngày 23/07/2010 của Chính phủ về đăng ký giao dịch đảm bảo quy định “cầm cố tàu bay, thế chấp tàu bay”.

Thứ ba, chưa thống nhất trong xác định giá cho tài sản bảo đảm.

Cụ thể, theo quy định việc định giá tài sản bảo đảm tiền vay là hình thức do sự thỏa thuận hai bên, bên ngân hàng và bên có tài sản. Trong nhiều trường hợp, nhất là đối với các tài sản đặc biệt, khó xác định giá, ngân hàng thường thuê tổ chức thẩm định giá hoặc tham vấn các tổ chức tư vấn, tổ chức chuyên môn về giá trị và giá cả tài sản, nhưng thông thường nhất vẫn là do ngân hàng thực hiện.

Thực tiễn cho thấy việc định giá tài sản bảo đảm gặp khó khăn do có nhiều căn cứ để xác định cho việc định giá: giá thị trường của tài sản trên cơ sở thông tin giá cả trên sàn giao dịch, phương tiện đại chúng; giá theo khung giá do Nhà nước quy định đối với loại tài sản mà Nhà nước có ban hành khung giá; Tình hình, khả năng biến động giá cả thị trường, thời hạn sử dụng còn lại; khả năng hao mòn; mệnh giá đối với các loại giấy tờ có giá; giá theo hợp đồng, hóa đơn chứng từ mua bán hợp pháp;... Dẫn đến tình trạng các ngân hàng áp dụng các căn cứ khác nhau để định giá tài sản, nhất là trong lĩnh vực bất động sản.

Điều này một mặt gây khó khăn trong việc lựa chọn căn cứ áp dụng. Mặt khác tạo sự không thống nhất trong áp dụng của các ngân hàng ảnh hưởng đến quyền lợi của khách hàng có tài sản đảm bảo. Do đó, cần có quy định cụ thể về căn cứ định giá tài sản đảm bảo cụ thế đối với tài sản đảm bảo là bất động sản.

Giải pháp hoàn thiện pháp luật về biện pháp bảo đảm trong hoạt động cho vay của ngân hàng thương mại ở Việt Nam

Từ thực tiễn áp dụng pháp luật về biện pháp bảo đảm trong hoạt động cho vay của ngân hàng thương mại còn nhiều khó khăn, vướng mắc về mặt pháp lý và áp dụng pháp luật, tác giả đề xuất một số giải pháp nhằm hoàn thiện và tăng cường bảo vệ quyền lợi cho các ngân hàng thương mại ở Việt Nam, cụ thể:

Thứ nhất, sửa đổi các quy định về cầm cố tài sản. Điều 10 của Luật Nhà ở năm 2014 cần được sửa đổi, theo hướng mở rộng cả quyền cầm cố nhà ở cho chủ sở hữu, đồng thời quy định chi tiết về cầm cố nhà ở. Tương tự, tại Điều 167 Luật Đất đai năm 2013 cũng cần sửa đổi theo bằng việc cho phép các chủ thể có quyền sử dụng đất làm tài sản cầm cố.

Ngoài ra, các loại tài sản đặc biệt như tàu bay, tàu biển... cần thống nhất trong việc áp dụng biện pháp cầm cố hay thế chấp. Nếu những thay đôi này được tiến hành, sẽ kích thích hoạt động vay của các ngân hàng thương mại hơn nữa.

Trong Bộ luật Dân sự 2015 cần bổ sung Điều luật liên quan đến quyền tài sản để đảm bảo thực hiện nghĩa vụ dân sự. Theo đó, tại các văn bản hướng dẫn cần có quy định cụ thế các biện pháp  đảm bảo đối với quyền tài sản theo hướng cụ thế hóa quyền tài sản có thể được đảm bảo dưới hình thức cầm cố, thế chấp hay biện pháp khác khi áp dụng vào thực tiễn các cán bộ ngân hàng thực hiện thống nhất và có cơ sở.

Thứ hai, về định giá tài sản bảo đảm tiền vay là bất động sản. Cần thống nhất cơ sở xác định giá bất động sản theo hướng hình thành những căn cứ nhất định, chứ không để xác định một cách “tràn lan”.

Vì vậy xác định giá cho bất động sản nên theo “khung giá do Nhà nước quy định”  làm tiêu chí đầu tiên sau đó mới xét các tiêu chí khác. Đó là thước đo để các ngân hàng áp dụng tránh trường hợp duy ý chí, gây thiệt hại cho các bên làm ảnh hưởng đến tiến độ giao kết hợp đồng tín dụng.

Thứ ba, cần xây dựng Luật đăng ký giao dịch bảo đảm thống nhất. Việc xây dựng và ban hành Luật đăng ký giao dịch đảm bảo là cần thiết nhằm đạt các mục tiêu sau: Thống nhất pháp luật trong lĩnh vực đăng ký giao dịch đảm bảo; Hủy bỏ những quy định không còn phù hợp trong pháp luật về đăng ký giao dịch bảo đảm; Bổ sung những quy định cần thiết, phù hợp với thực tĩnh khách quan của đời sống kinh tế, xã hội; Đáp ứng yêu cầu cải cách hành chính và hội nhập quốc tế.
Hiện nay, do các quy định pháp luật về đăng ký giao dịch bảo đảm được thể hiện ở các văn bản pháp luật khác nhau thuộc các ngành luật khác nhau, do đó việc xuất hiện Luật đăng ký giao dịch bảo đảm thống nhất là cần thiết.
Mặt khác, Luật đăng ký giao dịch bảo đảm cần quy định rõ ràng về hình thức và thủ tục đăng ký tránh phiền hà cho khách hàng đi đăng ký, tránh mất nhiều thời gian.