Có gì đáng chú ý trong dự án sửa đổi, bổ sung Luật Kế toán năm 2003?

pv.

(Taichinh) - Theo chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội, dự án Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật kế toán sẽ được Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp tháng 5/2015 và thông qua vào kỳ họp tháng 10/2015.

Việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kế toán nhằm tiếp tục hoàn thiện khuôn khổ pháp luật về kế toán. Nguồn: internet
Việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kế toán nhằm tiếp tục hoàn thiện khuôn khổ pháp luật về kế toán. Nguồn: internet

Thực hiện nhiệm vụ được giao trong việc triển khai Nghị quyết Quốc hội về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII, ngày 24/04/2015, Bộ trưởng Bộ Tài chính thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ ký Tờ trình số 182/TTr-CP trình Quốc hội dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật kế toán. Tại Dự án này, có 3 nội dung được xác định là những đột phá và được nhà quản lý, nhà chuyên môn quan tâm.

Vì sao phải sửa đổi Luật?

Luật Kế toán năm 2003 là văn bản pháp luật cao nhất về kế toán, đã được chuẩn hóa nhiều nguyên tắc, nội dung công tác kế toán, tổ chức bộ máy kế toán, người làm kế toán và hoạt động nghề nghiệp kế toán. Sau khi Luật Kế toán được ban hành và đi vào thực hiện, hoạt động kế toán đã được cả xã hội quan tâm, từ công tác đào tạo cán bộ kế toán, tổ chức công việc kế toán, lập và trình bày Báo cáo tài chính giúp công khai, minh bạch về quản lý tại chính Nhà nước cũng như doanh nghiệp, khu vực hành chính sự nghiệp và khu vực thị trường tài chính, đóng góp tích cực vào việc phát triển kinh tế thị trường có sự quản lý của Nhà nước.

Tuy nhiên, sau hơn 10 năm thực hiện, nền kinh tế của Việt Nam đã có sự phát triển nhanh theo hướng hội nhập, nhiều thành phần kinh tế đã được phát triển, đặc biệt là khu vực có vốn đầu tư nước ngoài và khu vực tư nhân; bên cạnh đó các cơ chế chính sách về quản lý kinh tế, tài chính Nhà nước cũng được điều chỉnh phù hợp với tình hình và bối cảnh kinh tế - xã hội của đất nước. Mặc dù đã đạt được nhiều kết quả, tuy nhiên Luật Kế toán và công tác kế toán ở Việt Nam cũng còn có những khó khăn, hạn chế. Cụ thể Luật Kế toán quy định hạch toán theo giá gốc, điều này không phản ánh được tình hình biến động tài sản và nợ phải trả tại thời điểm lập báo cáo tài chính. Theo chuẩn mực kế toán quốc tế và thông lệ phổ biến trên toàn thế giới, việc hạch toán được thực hiện theo giá trị hợp lý (giá thị trường tại thời điểm đánh giá). Ở Việt Nam, cơ chế kinh tế thị trường đã thực hiện trong nhiều năm qua, đây là một vấn đề cần được nghiên cứu chỉnh sửa cho phù hợp với định hướng phát triển và hội nhập. Luật Kế toán không quy định nội dung chuẩn mực kế toán, mà được hướng dẫn tại các văn bản dưới luật. Các chuẩn mực kế toán được ban hành từ những năm 2001 ­ 2005, đến nay do điều kiện kinh tế ­ tài chính đã có sự thay đổi, chuẩn mực kế toán quốc tế đã được cập nhật, tuy nhiên các chuẩn mực kế toán Việt Nam vẫn chưa được sửa đổi, bổ sung kịp thời...

Việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kế toán lần này nhằm tiếp tục hoàn thiện khuôn khổ pháp luật về kế toán, đặc biệt là nguyên tắc kế toán, chế độ kế toán, chuẩn mực kế toán và nâng cao trách nhiệm của các cơ quan trong việc tuân thủ quy định pháp luật về tài chính, kế toán nhằm tạo điều kiện cho kế toán thật sự trở thành một công cụ trong việc quản lý tài chính của doanh nghiệp, các đơn vị tài chính kế toán cũng như công cụ quản lý, giám sát của Nhà nước. Qua đó tạo điều kiện phát triển ngành nghề kế toán, đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế ­ xã hội trong điều kiện kinh tế thị trường, có sự quản lý của Nhà nước và trong điều kiện Việt Nam hội nhập ngày càng sâu rộng vào kinh tế thế giới, trong đó có hội nhập về tài chính, kế toán. Việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kế toán tạo điều kiện tăng cường quản lý, giám sát của Nhà nước, giám sát của cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư, người dân trong lĩnh vực này, góp phần tăng cường nâng cao chất lượng kế toán, đảm bảo nguyên tắc công khai, minh bạch đối với đơn vị kế toán cũng như toàn xã hội. Trên cơ sở phạm vi nội dung sửa đổi, bổ sung liên quan 21 điều trong tổng số 64 điều của Luật Kế toán, Chính phủ trình Quốc hội tên gọi của Dự án Luật là: “Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kế toán”.

3 nội dung đột phá trong sửa đổi, bổ sung Luật Kế toán

Chính phủ đã có Tờ trình Quốc hội dự án Luậtsửa đổi, bổ sung một số điều của Luật kế toán. Dự kiếndự án Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật kế toán sẽ được Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp tháng 5/2015 và thông qua vào kỳ họp tháng 10/2015. Tại Dự án này, có 3 nội dung được xác định là những đột phá và được nhà quản lý, nhà chuyên môn quan tâm, bao gồm:

Một là, sửa đổi, bổ sung Điều 7 Luật Kế toán 2003 về nguyên tắc hạch toán theo giá trị hợp lý. Theo đó, việc hạch toán giá trị một số loại tài sản theo giá gốc có thể được thay bằng hạch toán theo giá trị hợp lý để đáp ứng với yêu cầu của thực tế hiện nay khi thị trường tài chính và thị trường vốn phát triển mạnh mẽ, phát sinh nhiều loại công cụ tài chính như cổ phiếu và trái phiếu được niêm yết trên thị trường, trái phiếu chuyển đổi, cũng như theo thông lệ và Chuẩn mực kế toán quốc tế.

Do việc đánh giá giá trị tài sản và hạch toán theo giá trị thực tế có tính kỹ thuật cao; mặt khác trong điều kiện của Việt Nam có tài sản có thể đánh giá được theo giá trị thị trường, có tài sản chưa có điều kiện đánh giá được (do điều kiện kinh tế thị trường của Việt Nam chưa hoàn chỉnh nên để đảm bảo tính khả thi Chính phủ đã trình Quốc hội quy định nội dung mang tính nguyên tắc sau:

- Các tài sản sau khi hạch toán theo giá gốc có thể được điều chỉnh lại theo giá trị hợp lý (giá trị thực tế); Đồng thời, có bổ sung phần giải thích từ ngữ “Giá trị hợp lý” để thống nhất cách hiểu và áp dụng luật.

- Phân ra các nhóm tài sản để đánh giá theo giá trị hợp lý và giao cho Bộ Tài chính quy định cụ thể. Đối với các tài sản khác không nằm trong nhóm tài sản quy định trong Luật sẽ giao cho Bộ Tài chính hướng dẫn khi hội đủ điều kiện (tức là khi có thể đánh giá lại theo giá thực tế).

Với việc bổ sung quy định như trên sẽ giúp cung cấp thông tin trung thực về thực trạng tài chính của đơn vị tại thời điểm lập báo cáo tài chính, cũng phù hợp với thông lệ, chuẩn mực kế toán quốc tế và sự phát triển kinh tế thị trường của Việt nam.

Hai là: Bổ sung 1 Điều quy định về báo cáo tài chính nhà nước.

Báo cáo tài chính nhà nước là báo cáo tổng hợp về nguồn vốn và sử dụng vốn của quốc gia (hoặc địa phương), bao gồm các chỉ tiêu như: Thu chi ngân sách nhà nước, các quỹ tài chính nhà nước, nợ công, khoản vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp, các tài sản công và nguồn vốn, tài sản khác của nhà nước. Hầu hết các nước trên thế giới đã thực hiện lập Báo cáo tài chính nhà nước để cung cấp thông tin cho Quốc hội, người có thẩm quyền. Tại dự thảo Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật kế toán lần này Chính phủ trình Quốc hội quy định rõ trách nhiệm của Bộ Tài chính trong việc lập báo cáo tài chính nhà nước trên phạm vi toàn quốc, trình Chính phủ để báo cáo Quốc hội; chỉ đạo các cơ quan tài chính, kho bạc nhà nước lập báo cáo tài chính thuộc phạm vi địa phương trình Ủy ban nhân dân để báo cáo Hội đồng nhân dân cùng cấp.

Với đề xuất bổ sung quy định về báo cáo tài chính nhà nước nêu trên, đây sẽ là bước đột phá rất lớn trong việc cung cấp thông tin về tình hình tài chính của cả quốc gia, Việt Nam sẽ có báo cáo tài chính nhà nước để các nhà quản lý đánh giá điều hành nền kinh tế và các nước trên thể giới có cái nhìn cụ thể về tình hình tài chính của Việt Nam. Tuy nhiên, để lập được báo cáo tài chính, các cơ quan tài chính cần phải có sự chuẩn bị kỹ lưỡng cả về nhân sự, kỹ thuật đảm bảo lập được báo cáo đúng thời hạn, phản ánh trung thực hợp lý tình hình tài chính quốc gia.

Ba là: Sửa đổi Điều 55, đồng thời bổ sung 10 Điều (Từ 55a đến 55h) về hành nghề dịch vụ kế toán. Theo đó đã quy định rõ về điều kiện đăng ký hành nghề dịch vụ kế toán đối với doanh nghiệp cũng như không cho phép cá nhân kinh doanh dịch vụ kế toán, cụ thể là:

- Để được cung cấp dịch vụ kế toán, doanh nghiệp phải có ít nhất 3 kế toán viên hành nghề, trong đó Giám đốc doanh nghiệp, người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp phải là kế toán viên hành nghề. Quy định này nhằm nâng cao năng lực chuyên môn, chất lượng dịch vụ cung cấp để giảm rủi ro nghề nghiệp, đồng thời hướng đến mục tiêu kiện toàn doanh nghiệp cung cấp dịch vụ kế toán.

- Doanh nghiệp cung cấp dịch vụ kế toán được hoạt động dưới hình thức công ty hợp danh, doanh nghiệp tư nhân và công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên (tương tự như đối với doanh nghiệp kiểm toán độc lập). Riêng đối với loại hình công ty TNHH hai thành viên trở lên có quy định phần vốn góp của những người là kế toán viên hành nghề kế toán làm việc trong doanh nghiệp phải chiếm trên 50% vốn điều lệ, phần vốn góp của thành viên là tổ chức không quá 35% vốn điều lệ của doanh nghiệp.

- Những người có chứng chỉ hành nghề kế toán được hành nghề trong các doanh nghiệp dịch vụ kế toán khi có đủ các điều kiện về năng lực hành vi dân sự đầy đủ; có phẩm chất đạo đức tốt, có ý thức trách nhiệm, liêm khiết, trung thực, khách quan; tham gia đầy đủ chương trình cập nhật kiến thức. Đồng thời, bổ sung các quy định về hồ sơ thủ tục cấp, cấp lại, đình chỉ và thu hồi Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ kế toán.

Việc sửa đổi, bổ sung như trên nhằm nâng cao chất lượng hành nghề kế toán, tăng cường trách nhiệm của các doanh nghiệp kế toán, kế toán viên hành nghề trong việc cung cấp dịch vụ kế toán cũng như giúp các nhà quản lý, doanh nghiệp có được thông tin minh bạch, trung thực trong công tác quản lý điều hành.

Đối với quy định cá nhân không được hành nghề cung cấp dịch vụ kế toán sẽ góp phần loại bỏ và kiểm soát được tình trạng cá nhân không có đủ điều kiện nhưng vẫn hành nghề chui, tạo điều kiện phát triển hành nghề cung cấp dịch vụ của cá nhân, tổ chức có đủ điều kiện.